Độc
tài đưa đến tham nhũng và tham nhũng, nhất là trong hàng ngũ tướng lãnh quân đội
CSVN sẽ đem đến mất nước về tay CSTQ.Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần bình
luận của Lê Hồng Hiệp qua Hồ Động Đình chuyển ngữ với tựa đề: “Tham nhũng là kẻ thù tồi tệ nhất của quân đội Việt Nam”
sẽ được Hướng Dương trình bày để kết thúc chương trình
phát thanh DLSN tối hôm nay.
Tác giả: Lê Hồng Hiệp
Hồ Động Đình, chuyển ngữ
Ngày
18-4-2022, năm tướng lĩnh và hai sĩ quan cấp cao khác của lực lượng Cảnh sát
biển Việt Nam (CSBVN) đã bị Cơ quan Điều tra Hình sự Bộ Quốc phòng bắt giữ để
chờ điều tra về các tội tham nhũng, trong đó có tội biển thủ. Những người bị
bắt gồm Trung tướng Nguyễn Văn Sơn (cựu Tư lệnh CSBVN), Trung tướng Hoàng Văn
Đồng (cựu Chính ủy CSBVN), Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết (cựu Phó Chính ủy CSBVN),
Thiếu tướng Phạm Kim Hậu (cựu Phó Tư lệnh CSBVN và Tham mưu trưởng) và Thiếu
tướng Bùi Trung Dũng (cựu Phó Tư lệnh CSBVN).
Đây là vụ
việc mới nhất trong một loạt các vụ bê bối tham nhũng gần đây, dẫn đến việc
hàng chục sĩ quan cấp cao trong lực lượng quân đội và công an Việt Nam bị sa
thải. Riêng trong quân đội, ít nhất 20 tướng lĩnh đã bị kỷ luật hoặc khởi tố kể
từ năm 2016. Sĩ quan cấp cao nhất bị khởi tố là ông Nguyễn Văn Hiến, cựu Tư
lệnh Hải quân, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông Hiến đã bị kết án 3 năm rưỡi tù
hồi cuối năm 2020 vì để ba lô đất thuộc sở hữu quân đội tại TP.HCM chuyển
nhượng trái phép cho nhà đầu tư tư nhân, gây thiệt hại cho nhà nước gần 40
triệu Mỹ kim.
Vụ bắt
giữ năm tướng lĩnh CSBVN và kỷ luật ba tướng lĩnh tại Đại học Quân y có dính
líu đến vụ bê bối tham nhũng Việt Á cách đây vài tuần, đã gắn thêm những chiếc
lông vũ lên cái mũ chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) và Tổng bí thư
Nguyễn Phú Trọng. Ông Trọng là người từ năm 2016 đã thực hiện một chiến dịch
truy quét tham nhũng cấp cao. Tuy nhiên, những gì đã được phơi bày cho đến nay
có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, vì tham nhũng trong quân đội, được
cho là phổ biến và có nguồn gốc sâu xa, nhìn chung rất khó phát hiện và tiêu
diệt.
Quân đội
Việt Nam tham gia vào một loạt các hoạt động thương mại, được tạo điều kiện
thuận lợi bởi vai trò thống trị của lực lượng này trong nền chính trị Việt Nam.
Điều này đôi khi khiến chính quyền dân sự trì hoãn các yêu cầu của các quan
chức quân sự, bao gồm cả các nguồn lực và các chế độ ưu đãi, tạo cơ hội cho
tham nhũng phát triển mạnh. Sự tồn tại của các doanh nghiệp thuộc sở hữu quân
đội, cả những doanh nghiệp có thật, lẫn các công ty bình phong được thành lập
để hỗ trợ thu thập thông tin tình báo và mục đích hoạt động, cũng khiến các
hoạt động tìm kiếm đặc quyền, đặc lợi của những người tham nhũng khó bị phát
hiện, do khó có sự phân biệt rạch ròi giữa các hoạt động liên quan đến thương
mại và quốc phòng.
Nhiệm vụ
chính của quân đội là bảo vệ đất nước chống lại những kẻ xâm lược ngoại bang,
nhưng nó cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chế độ cầm quyền.
Điều này làm cho việc xử lý tham nhũng trong quân đội trở thành một vấn đề nhạy
cảm đối với đảng CSVN, vì nó liên quan đến một hành động cân bằng tinh tế giữa
việc duy trì kỷ luật, liêm chính trong các lực lượng vũ trang và duy trì lòng
trung thành của các quan chức hàng đầu đối với Đảng. Mặc dù Đảng tuyên bố rằng
“không có vùng cấm” trong cuộc chiến chống tham nhũng, nhưng nhu cầu về lòng
trung thành của quân đội có thể đã khiến Đảng không khuyến khích họ giải quyết
triệt để nạn tham nhũng trong quân đội, đặc biệt là khi các sĩ quan cấp cao có
liên quan.
Hiện
[Việt Nam] đang đối mặt với nạn tham nhũng tràn lan, khả năng đối phó với các
mối đe dọa an ninh và quân sự tiềm ẩn có thể bị thách thức nghiêm trọng.
Tham
nhũng cũng là kẻ thù vô hình có thể loại bỏ ngay cả những nhà lãnh đạo quân sự
có kinh nghiệm và năng lực nhất, đe dọa làm suy yếu khả năng chỉ huy tổng thể
của quân đội. Bình luận về vụ bắt giữ 5 tướng CSBVN, một người dùng Facebook
chua chát nhận xét: “Ukraine tuyên bố đã giết 8 tướng Nga, và Việt Nam cũng
đã loại 5 tướng dù không có giao tranh nào“.
Việc truy
tố các tướng lĩnh CSBVN cho thấy, chiến dịch chống tham nhũng có thể sẽ tiếp
tục trong những năm tới, và nhiều vụ tham nhũng cấp cao liên quan đến các quan
chức quân đội có thể được mong đợi. Tuy nhiên, nếu không giải quyết các nguyên
nhân gốc rễ của tham nhũng thì khó có khả năng tình trạng tham nhũng trong quân
đội sẽ thuyên giảm.
Ngoài
việc cải thiện giám sát dân sự đối với chi tiêu quân sự, ngăn chặn quân đội
tham gia vào các hoạt động thương mại tìm kiếm lợi nhuận, và nâng cao thu nhập
của quân nhân, Việt Nam cấp thiết phải xóa bỏ thói “mua quan bán chức” trong
quân đội. Mặc dù chưa có cuộc điều tra chính thức nào, nhưng hành vi đưa hối lộ
để được thăng chức, được biết, rất phổ biến ở cả các tổ chức chính phủ dân sự
và lực lượng vũ trang. Một khi họ được thăng chức, những kẻ hối lộ phải tìm
cách thu lại tiền ‘đầu tư’ của họ, do đó, họ cố thủ và làm tồi tệ thêm tình
trạng tham nhũng lúc đầu.
Có lẽ
không phải ngẫu nhiên mà tham nhũng trong quân đội dường như leo thang kể từ
năm 2006, khi số lượng tướng lĩnh quân đội bắt đầu tăng mạnh. Năm 1975, khi
chiến tranh Việt Nam kết thúc, quân đội Việt Nam chỉ có 36 sĩ quan cấp tướng,
nhưng đến năm 2018, Việt Nam trong thời bình, đã có 415 sĩ quan quân đội mang
quân hàm cấp tướng.
Quân đội
Việt Nam tự hào vì đã đánh bại ba cường quốc, những thành công này đã đạt được
khi tham nhũng hầu như không tồn tại trong hàng ngũ của nó. Hiện [Việt Nam]
đang đối mặt với nạn tham nhũng tràn lan, khả năng đối phó với các mối đe dọa
an ninh và quân sự tiềm ẩn có thể bị thách thức nghiêm trọng. Tham nhũng hiện
đã nổi lên như một kẻ thù tồi tệ nhất của quân đội Việt Nam, mà một chiến thắng
rõ ràng vẫn khó có thể đạt được.
No comments:
Post a Comment