Kính thưa quý thính giả, chỉ khi nào Việt Nam có một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính, bảo đảm nhân quyền của người dân, thì cộng đồng thế giới tự do mới tôn trọng sự hiện hữu của chế độ.
Mời quý thính giả
đài ĐLSN nghe phần bình luận của Người Tân Định với tựa đề: “Việt Nam phải tôn trọng tôn trọng sự khác biệt của chính người dân mình” sẽ được Song Thập trình bày để kết
thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Chiều 30/3, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tái khẳng định rằng “Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam”, nhưng bày tỏ mong muốn chính phủ Hoa Kỳ tôn trọng “thể chế chính trị và sự khác biệt” của Hà Nội, theo tin VOA ngày 31/3.
Phân biệt đối xử, không tôn trọng sự khác biệt của bất cứ những ai, những tổ chức, tôn giáo hay kể cả những biểu tượng không phù hợp với chủ nghĩa cộng sản là bản chất của chế độ cộng sản từ ngày ĐCSVN đặt chân vào Việt Nam.
Bám víu vào ý thức hệ cộng sản, tính giai cấp, đấu tranh giai cấp, người cộng sản đã tách rời lịch sử dân tộc và nhân dân Việt Nam ra khỏi đảng của họ. Họ viết lại, thậm chí chà đạp lên lịch sử, các vua chúa, các anh hùng dân tộc từ xa xưa và nhất là trong thời cận đại.
Thúc đẩy nhân quyền là một nội dung cơ bản trong chính sách đối ngoại của những nước dân chủ tự do, -trong đó có Hoa Kỳ và Pháp mà HCM bảo rằng học theo-, trên thế giới và ngay cả của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam tham gia và công nhận nhiều văn kiện trong đó có tuyên ngôn quốc tế nhân quyền. Nhưng các khuyến nghị của các quốc gia khác, hay của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền đều bị Việt Nam chối bỏ hay hứa lần lữa mà không chịu thực hiện. Ngay cả những lời hứa tôn trọng quyền con người, trong các hiệp ước thương mại, hay tại các hội nghị đối thoại giữa các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp, các chức sắc tôn giáo… về xây dựng một thế giới mà ở đó nhân quyền được chấp nhận, được tôn trọng và bảo vệ cũng bị Việt Nam phớt lờ.
Việt Nam không tôn trọng sự khác biệt hay những cam kết của họ đối với nhân quyền vì họ không tin vào giá trị phổ quát của tự do dân chủ. Tính kiêu ngạo cộng sản khiến nhãn quan của họ lệch hướng, loạn thị. Họ chỉ tin vào giá trị đạo đức cộng sản đặt trên duy vật biện chứng, vô thần và sự thống trị của giai cấp vô sản đã lỗi thời, lạc hậu.
Nhiều chính trị gia trên thế giới không ngừng kêu gọi chính quyền Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền, không phân biệt đối xử, dừng mọi bắt bớ và đàn áp đối với những người bất đồng chính kiến.
Đạo luật Magnitsky toàn cầu (Global Magnitsky Act) quy định chế tài các cá nhân, quan chức mà Hoa Kỳ cho là vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới. Đạo luật này được ban hành, áp dụng trên quy mô toàn cầu, ủy quyền cho chính phủ Hoa Kỳ xử phạt những người mà họ coi là vi phạm nhân quyền, đóng băng tài sản của họ và cấm họ vào Hoa Kỳ. Cho đến nay hàng trăm quan chức Việt Nam gồm cả những người trong quân đội, công an, cảnh sát và tòa án đã sẵn sàng bị đưa vào danh sách bị chế tài bởi đạo luật này.
Ngoài ra Khashoggi Ban, lệnh trừng phạt và hạn chế thị thực do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố đối với các cá nhân và gia đình họ liên quan đến các mối đe dọa và hành hung các nhà hoạt động, bất đồng chính kiến, và nhà báo sẽ không được dung thứ. Hy vọng luật này sẽ được áp dụng cho những nhân viên trong chính quyền Việt Nam, những người liên quan đến việc bắt giữ, hành hạ, xét xử và giam cầm những nhà báo, blogger dám cất tiếng nói trái chiều với ĐCSVN.
Theo tổ chức Đo Lường Những Yếu Tố Có Ý Nghĩa, Human Rights Measurement Initiative (HRMI), những vấn đề lớn về quyền con người ở Việt Nam bao gồm việc tước đoạt sinh mạng trái luật hoặc tùy tiện của chính quyền; tra tấn bởi các nhân viên chính phủ; bắt và giam giữ người tùy tiện của chính quyền; tù nhân chính trị; những vấn đề lớn về tính độc lập của tư pháp; sự can thiệp tùy tiện hoặc trái luật vào đời sống riêng tư; hạn chế nghiêm trọng tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do Internet, bao gồm bắt và truy tố tùy tiện những người chỉ trích chính quyền, kiểm duyệt, đóng các trang mạng, ra các luật về hành vi phỉ báng mang tính chất hình sự; can thiệp đáng kể vào quyền tự do hội họp hòa bình và tự do lập hội; hạn chế đáng kể tự do đi lại, trong đó có việc cấm xuất cảnh đối với các nhà hoạt động; công dân không có khả năng thay đổi chính quyền một cách hòa bình thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng; hạn chế sự tham gia chính trị; các hành vi tham nhũng lớn; buôn bán người; hạn chế đáng kể quyền tự do lập hội của công nhân; sử dụng lao động trẻ em cưỡng bức.
Báo cáo đáng tin cây của Human Right Watch “Trong năm 2019 Việt Nam không làm gì mấy để cải thiện hồ sơ yếu kém về nhân quyền của mình. Chính quyền tiếp tục hạn chế tất cả các quyền dân sự và chính trị cơ bản, trong đó có quyền tự do ngôn luận, nhóm họp, lập hội và quyền tự do thực hành tín ngưỡng và tôn giáo. Bất kể một tổ chức hay nhóm nào bị coi là có nguy cơ đối với sự độc tôn quyền lực của ĐCSVN đều bị chính quyền cấm thành lập và hoạt động.
Nhà cầm quyền chặn đường truy cập tới các trang mạng và yêu cầu các công
ty viễn thông và/hoặc mạng xã hội phải gỡ bỏ các nội dung bị coi là nhạy cảm về
chính trị. Những người lên tiếng phê phán chế độ độc đảng phải đối mặt với nguy
cơ bị công an đe dọa, sách nhiễu, cản trở việc đi lại, bị hành hung thân thể,
câu lưu, bắt giữ và tù giam. Các nghi can bị bắt có thể bị công an giam giữ
hàng tháng trời mà không được tiếp xúc với luật sư và bị thẩm vấn thô bạo. Các
tòa án do đảng kiểm soát kết án các nhà hoạt động và blogger dựa trên các cáo
buộc ngụy tạo về an ninh quốc gia. Trong năm 2019, chính quyền đã kết án ít
nhất là 25 người trong các vụ án có động cơ chính trị.”
Người dân Việt Nam cũng mong muốn chính phủ xem dân là đối tác và phải
tôn trọng sự khác biệt để phát triển tự do dân chủ. ĐCSVN cần làm hòa với dân
tộc và tôn trọng sự khác biệt của dân chúng trước khi xin các chính quyền khác
tôn trọng mình.
ĐCSVN phải tôn trọng nhân quyền, tôn trọng sự khác biệt của chính người dân Việt Nam trước khi năn nỉ người ngoài phải tôn trọng sự khác biệt của hệ thống chính trị của mình./.
No comments:
Post a Comment