Friday, April 22, 2022

Dân nào thì nhà nước ấy

Đất Nước Đứng Lên

Tất cả mọi chế độ xã hội đều là sản phẩm do con người tạo nên vì vậy chế độ tốt đẹp, lương thiện hay gian manh, ác độc đều là tấm gương phản chiếu sự suy nghĩ, tinh thần và học thức của người dân trong chế độ đó.

Để tiếp nối chương trình hôm nay qua tiết mục Đất Nước Đứng Lên, mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi bài viết:”Dân nào thì nhà nước ấy” của Thái Hạo qua sự trình bày của Khánh Ngọc.

Thái Hạo

Những ngày này làm nghĩ nhiều hơn đến cái câu chuyện “con gà – quả trứng”, và nhận ra sự ngụy biện tai quái của lối so sánh này.

Mối quan hệ của một dân chúng với sự ra đời một nhà nước không có gì giống với chuyện trứng và con gà cả. Bất kỳ một nhà nước nào cũng là sản phẩm NHÂN TẠO của con người, nó không phải là một chuỗi tạo tác của thiên nhiên. Nghĩa là con người tạo ra tất cả các thiết chế xã hội dựa trên trình độ nhận thức và năng lực trí tuệ của mình. Đây là hiểu biết ở mức thường thức.

Khi chúng ta hiểu rằng, mọi phương cách tổ chức xã hội đều là sản phẩm có tính công cụ do con người tạo ra trong cái cộng đồng của nó thì ta sẽ liền thấy sự “tiến hóa” song hành của mức độ trưởng thành nơi dân chúng và cái nhà nước mà nó tạo ra.

Dân chúng nào thì nhà nước ấy. Một dân chúng nô lệ sẽ tạo ra một nhà nước quân chủ chuyên chế, một dân chúng tự do sẽ kiến thiết nên nhà nước dân trị chủ nghĩa. Phẩm tính hiện hành của con người trong một cộng đồng nhất định sẽ quyết định sự ra đời của loại chính thể tương ứng.

Tại sao Mỹ đóng ở miền Nam Việt Nam và Afghanistan 20 năm nhưng đều không thể duy trì được nền dân chủ ở những nơi đó, trong khi với sự hiện diện ngắn và mờ nhạt hơn tại Nhật Bản thì đất nước ấy đã trở thành phương Tây giữa lòng Á châu? Vì người Nhật đã được chuẩn bị chu đáo từ Duy Tân Minh Trị, họ đã đọc tất cả những sách vở quan trọng nhất của phương Tây trong mấy chục năm duy tân. Còn Bhutan thì không cần ai “hộ sinh” cả nhưng họ vẫn tự “đẻ” ra được nền dân chủ cho chính mình là cũng bởi những phẩm chất của dân tộc ấy đã được hun đúc và chín muồi.

Một dân chúng thụ động, chấp nhận sự cai trị để chỉ tìm kiếm phương tiện vật chất và giải trí thì đó chính là một dân chúng đang mang tính cách nô lệ; một dân chúng mạnh mẽ, khoáng đạt và cường tráng sẽ tất yếu sinh ra một nhà nước tự do, vấn đề còn lại chỉ là thời gian và bối cảnh lịch sử.

Với một dân chúng ù lì thì ngay cả cơ hội tốt nhất cũng qua đi, và thậm chí tự mình cai trị ngược trở lại đồng bào mình ngay cả khi “dân chủ có vô tình rơi vào đầu”.

Tại sao Phan Châu Trinh khởi xướng Duy Tân? Vì ông thấu suốt những lẽ trên. Cả Đông và Tây đều từng trải qua thời kỳ phong kiến dài lâu, nhưng phong kiến gia trưởng kiểu Trung Hoa đã không tạo điều kiện cho bước tiếp theo trong hành trình tiến hóa xã hội của họ. Việc “khai dân trí” vì thế đã được các bậc thức giả đặt lên hàng đầu. Vì nếu không có được một dân chúng “khỏe mạnh” thì không cách chi kiến lập được một nhà nước tiến bộ.

Một khi mà tính cách nô lệ còn là chủ đạo thì con người chỉ biết làm theo mệnh lệnh, và chỉ làm khi được ra lệnh; nhưng trong khi phó mặc số phận cá nhân cho nhà nước như con người hoang dã đã từng phó mặc cho ông trời thì họ cũng đồng thời chỉ lo những nhu cầu của con người bản năng là chủ yếu.

Oái oăm thay, một tính cách nô lệ như thế lại luôn luôn đi kèm với đam mê cai trị kẻ khác. Họ sẽ nhảy lên “ngai vàng” ngay lập tức khi có cơ hội, và thậm chí luôn luôn tìm kiếm cơ hội ấy như là một mục đích cao nhất của đời mình. Việt Nam là một dân tộc như thế.

Việc phê phán chính quyền không những là quyền mà còn là trách nhiệm, nhưng không phải chỉ có thế, trong khi phê phán ta luôn cần phải BIỆN GIẢI cho một chính thể tiến bộ ở thì tương lai. Chữ “biện giải” chứ không phải “ném ra” một vài từ ngữ để khiến dân chúng ngày càng điếc đặc bởi ảo tưởng “biết rồi khổ lắm nói mãi”.

Như vậy, việc chửi bới theo kiểu tôm cá không những là không cần thiết mà còn là không nên nếu ta còn muốn có tham vọng “giáo dục” dân chúng. Dù rằng, điều ấy (chửi bới) có thể khiến ta thỏa mãn những bực tức nhất thời nhưng sẽ chẳng có mấy ích lợi cho một văn hóa tương lai, mà nếu có được chút ít chăng nữa thì nó sẽ luôn kèm theo nhiều di chứng nặng hơn là điều đã đạt được. Ở đây, hai chữ “phê phán” theo đúng nghĩa khoa học và tiến bộ của nó phải được dùng thay thế cho những chữ khác trong tần suất cao nhất có thể.

Một tâm trạng nhẫn nại trường viễn gắn với những hoạt động thích đáng và hữu ích có lẽ là điều hệ trọng nhất cần xác lập trong bất cứ ai đang và sẽ có khát vọng về một sự đổi thay. Tất nhiên là cũng cần phải ghim vào đó cả cái tinh thần rằng, nó có thể chỉ đến sau khi thế hệ chúng ta đã qua đời.

 

No comments:

Post a Comment