Chế độ cs VN rất là lưu manh trong việc áp dụng các cam kết chung có liên quan đến lao động khi ký kết các hiệp định quốc tế.
Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: “Tổ chức đại diện người lao động: vẫn chỉ là ước mong! ” của Bùi Thiện Tri sẽ được Bảo Trân trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
Cho đến hết ngày 31/12/2020, số lượng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Bộ luật Lao động năm 2019 được ban hành mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Thậm chí, nghị định quy định về tổ chức đại diện người lao động và một số nghị định khác còn chưa được công bố dự thảo để lấy ý kiến theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ngày 03/12/2019, ông Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Cộng hoà XHCN Việt Nam đã ký Lệnh số 08/2019/L-CTN về việc công bố Bộ luật Lao động.
Nội dung thay đổi quan trọng nhất trong Bộ luật Lao động được ban hành lần này, theo đánh giá của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), là có thể người lao động tại doanh nghiệp được quyền thành lập hay tham gia một tổ chức đại diện do họ lựa chọn, không nhất thiết phải là thành viên của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Giám đốc ILO Việt Nam giải thích: “Tự do hiệp hội là một quyền cơ bản được nêu trong Tuyên bố về các Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong Lao động năm 1998 của ILO. Tự do hiệp hội giúp cải thiện quá trình thương lượng tập thể, cho phép người lao động được hưởng lợi ích công bằng hơn và cho phép doanh nghiệp thỏa thuận với những thay đổi năng suất cần thiết.”
Theo đó, Bộ luật Lao động năm 2019 có một chương riêng về Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bên cạnh tổ chức Công đoàn (chương XIII). Chương này thay cho chương quy định về Công đoàn cơ sở trong Bộ luật Lao động năm 2012. Tuy nhiên, luật mới chỉ quy định cấu trúc về Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, quy định chi tiết sẽ do Chính phủ ban hành.
Tuy nhiên, cho đến hết ngày 31/12/2020, số lượng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Bộ luật Lao động năm 2019 được ban hành mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay thay vì phải ban hành trên 20 văn bản theo kế hoạch.
Để tìm câu trả lời về nguyên nhân của sự chậm trễ ban hành các quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung quan trọng của Bộ luật Lao động năm 2019, tác giả đã tìm hiểu thêm các cam kết về lao động của Việt Nam trong các Hiệp định EVFTA và CP-TPP.
Tham gia CP-TPP, Việt Nam có thời gian 3-5 năm để đáp ứng các điều kiện về lao động theo cam kết. Theo đó, nếu Việt Nam có vi phạm các cam kết chung liên quan tới lao động, các nước không áp dụng các biện pháp cắt giảm ưu đãi thương mại trong thời hạn 3 năm từ ngày hiệp định có hiệu lực. Nếu Việt Nam có vi phạm với quyền tự do lập hội và thương lượng tập thể, các nước không áp dụng biện pháp đình chỉ ưu đãi thương mại trong thời gian 5 năm đầu. Trong thời gian năm thứ 5 đến năm thứ 7 CP-TPP có hiệu lực, các bên sẽ rà soát về các vi phạm của Việt Nam (nếu có) về quyền tự do hiệp hội.
Về lao động trong EVFTA, các bên cam kết tiếp tục và duy trì các nỗ lực nhằm phê chuẩn các công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và xem xét việc thông qua các công ước khác được ILO phân loại là phù hợp với thời điểm hiện tại, có tính đến điều kiện trong nước. Ngoài ra, các bên tái khẳng định cam kết của mình về việc thực hiện có hiệu quả luật pháp và quy định trong nước và các Công ước của ILO đã được phê chuẩn. Tuy nhiên, Việt Nam dự kiến phê chuẩn Công ước 87 về tự do hiệp hội và bảo vệ quyền tổ chức vào năm 2023.
Phải chăng Chính phủ Việt Nam đang tận dụng khoảng thời gian không bị chế tài đối với các vi phạm các cam kết chung liên quan tới lao động trong các Hiệp định thương mại tự do nói trên ít nhất cho đến năm 2023 để trì hoãn việc thi hành trên thực tế các điều khoản trong chương XIII của Bộ luật Lao động năm 2019 về Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở? Nếu vậy thì mong ước của người lao động Việt Nam được thành lập hay tham gia một tổ chức đại diện tại cơ sở do chính mình lựa chọn vẫn còn khá xa vời.
Bùi Thiện Tri
No comments:
Post a Comment