Saturday, January 23, 2021

Tin Tức: Thứ Bảy 23.01.2021

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức  sẽ được Bảo Trân & Đồng Tâm trình bày sau đây.

THÊM MỘT NGƯỜI BỊ BẮT VÀ CÁO BUỘC TỘI LẬT ĐỔ CHẾ ĐỘ

Vào thứ Năm ngày 21/1, báo chí lề đảng đồng loạt đưa tin một người bị bắt giữ và cáo buộc tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chế độ”. Nạn nhân mới nhất là ông Trần Hữu Đức đã bị công an Nghệ An bắt giữ và điều tra về tội danh nói trên theo điều 109 của bộ luật hình sự CSVN.

Sau khi bắt giữ ông Trần Hữu Đức tại tư gia ở huyện Nam Đàn, Nghệ An, lực lượng công an đã lục xét tư gia và tịch thu nhiều tài liệu.

Ông Trần Hữu Đức là nạn nhân đầu tiên trong năm 2021 được báo chí lề đảng công khai đăng tãi. Vụ bắt giữ xảy ra chỉ vài ngày trước khi đại hội 13 của đảng csvn diễn ra tại Hà Nội từ ngày 25/1 đến 2/2 sắp tới.  

HÀ NỘI TRAO THẦU CHO TRUNG CỘNG VẬN HÀNH ĐƯỜNG SẮT TRÊN CAO CÁT LINH-HÀ ĐÔNG

Công ty Metro Bắc Kinh của Trung Cộng đã trúng thầu trong việc tư vấn, hỗ trợ quản lý vận hành khai thác tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông do Công ty Đường Sắt Hà Nội tiến hành. Với kết quả này, công ty đến từ Trung Cộng sẽ hỗ trợ Metro Hà Nội chuẩn bị và thực hiện công tác vận hành, khai thác tuyến đường sắt trên cao này.

Theo kế hoạch sau khi đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông được đánh giá an toàn, đủ điều kiện vận hành khai thác, Bộ Giao thông Vận tải sẽ bàn giao lại cho nhà cầm quyền thành phố Hà Nội để vận hành khai thác.

Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông đã nhiều lần bị gián đoạn và đội vốn so với dự toán ban đầu. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017 nhưng phải lùi thời hạn vận hành sang năm 2018, tiếp đó lại xin gia hạn tới tháng 4 năm 2019 và lần cuối là cuối tháng 3 năm nay.

 NHẬP CẢNG SẮT PHẾ LIỆU CỦA VIỆT NAM TĂNG KỶ LỤC THÁNG TRƯỚC

Lượng sắt phế liệu nhập cảng của Việt Nam đã tăng lên mức kỷ lục trong tháng 12 vừa qua khi thị trường sắt thép toàn cầu phục hồi, đẩy nhập cảng phế liệu sắt cả năm của Việt Nam lần đầu tiên tăng hơn 6 triệu tấn.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam được Argus Media trích dẫn gần đây, nhập cảng phế liệu sắt năm 2020 của Việt Nam tăng 11% so với năm trước, lên gần 6,3 triệu tấn, với lượng nhập cảng trong tháng 12 là gần 800 ngàn tấn.

Năm 2020, Việt Nam vượt qua Nam Hàn để trở thành quốc gia tiêu thụ phế liệu lớn nhất của Nhật Bản với số lượng 3,4 triệu tấn. Nhu cầu phế liệu cao hơn của Việt Nam là do công suất sản xuất thép của Việt Nam tăng lên.

Lượng theo phế liệu Việt Nam nhập cảng từ Hoa Kỳ, Hongkong và Úc cũng tăng trong năm 2020.

TRUNG CỘNG TIẾP TỤC TRÙNG TU ĐẢO PHÚ LÂM Ở HOÀNG SA

Trung Cộng đang bồi đắp đất và trùng tu bờ chống xói mòn trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, quần đảo của Việt Nam mà Trung Cộng xâm chiếm trong giai đoạn 1955-1974. Đây là tiền đồn chính của Hoa Lục hiện nay tại khu vực Bắc Biển Đông.

Những nỗ lực đó cho thấy quyết tâm giữ những căn cứ đảo của Trung Cộng tại Biển Đông, nơi mà tuyên bố chủ quyền bao trùm của Bắc Kinh bị các nước láng giềng phản bác.

Đảo Phú Lâm là thực thể tự nhiên lớn nhất mà Trung Cộng chiếm đóng ở Biển Đông. Đảo này thuộc quần đảo Hoàng Sa, và được sử dụng làm trụ sở chính cho thành phố Tam Sa cũng như căn cứ cho hải quân Trung Cộng.

Những nỗ lực này cho thấy rõ ý đồ của Trung Cộng muốn duy trì sự hiện diện thường xuyên trên những đảo và đá tranh chấp ở Biển Đông, bất chấp những chỉ trích ngày càng tăng về những tuyên bố chủ quyền và lãnh hải của trái luật quốc tế của Bắc Kinh.

TRUNG CỘNG CHO PHÉP HẢI CẢNH BẮN TÀU NƯỚC NGOÀI 

Vào thứ Sáu ngày 22.01, Trung Cộng thông qua một đạo luật, lần đầu tiên công khai cho phép hải cảnh nước này nổ súng vào các tàu nước ngoài, một động thái có thể làm dậy sóng các vùng biển đang trong vòng tranh chấp.

Trung Cộng đang tiến hành các cuộc cưỡng đoạt lãnh hải với Nhật Bản ở biển Hoa Đông, và trên Biển Đông với nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Trong nhiều năm gần đây, Bắc Kinh đã điều tàu hải cảnh đánh đuổi các tàu đánh cá của các nước khác, và đôi khi đánh chìm những tàu này.

Theo luật này, lực lượng hải cảnh Trung Cộng được phép sử dụng “mọi phương tiện cần thiết” để chặn hoặc tránh các mối đe dọa từ các tàu nước ngoài, bao gồm việc sử dụng vũ khí cầm tay, vũ khí gắn trên tàu, hoặc vũ khí từ phi cơ.

Luật này cho phép hải cảnh phá hủy các cấu trúc do các nước khác xây trên những đảo đá, bãi cạn mà Trung Cộng tuyên bố thuộc chủ quyền. Hải cảnh Trung Cộng cũng được phép lên tàu và lục soát các tàu nước ngoài đi lại trong các vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Ngoài ra, luật này còn mặc nhiên cho phép TC thành lập các khu cấm tạm thời để chặn các tàu khác, hay nhân sự nước khác xâm nhập.

No comments:

Post a Comment