Saturday, January 16, 2021

Danh Sĩ Hàn Thuyên

Danh Nhân Nước Việt

Kính thưa quý thính giả, hàng năm vào ngày 17 tháng 5 âm lịch, người dân huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh đều tổ chức lễ hội để tôn vinh và tưởng nhớ đến người đầu tiên dùng luật thơ Đường vào thơ Nôm. Và người này được xem là có công trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa Việt. Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Danh Sĩ Hàn Thuyên  của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Việt Thái

Duyên gặp gỡ tương tri thuở nọ,
Khúc nam huân ngọn gió khéo đưa.
Cung đàn dìu dặt tiếng tơ,
Hàn Thuyên Đại Việt hồn xưa bàng hoàng.

Đó là bài thơ Xuân phong ngâm” trong tập thơ “Đào lý xuân phong” của cụ Đông Hồ nhắc đến danh sĩ Hàn Thuyên.

Hàn Thuyên tên thật là Nguyễn Thuyên, người làng Lai Hạ, huyện Thanh Lâm, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang, nay là xã Lai Hạ, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Ông là người đầu tiên dùng luật thơ Đường vào thơ Nôm, nên đời sau gọi thơ Nôm theo Đường luật là Hàn luật. Do đó, ông được xem là người có công trong việc phổ biến và phát triển chữ Nôm.

Nhà nghiên cứu Dương Quảng Hàm viết trong Việt Nam văn học sử yếu, cho rằng: “Ông là người đầu tiên làm thơ phú bằng Quốc Âm, nên có thể xem là ông Tổ của văn Nôm”.

Tập thơ nổi tiếng của ông là tập “Phi sa giản tập”, một tập thơ được nhiều người khen ngợi. Phi sa giản tập viết về làng cảnh, thiên nhiên, đa số là thơ cách luật.

Thơ Nôm theo kiểu Đường luật từ ông, về sau được nhiều người hưởng ứng làm theo như Nguyễn Sĩ Cố, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến, Chu Văn An.v.v.

Ông đỗ Tiến sĩ năm 1247, giữ chức Thượng thư Bộ Hình dưới thời vua Trần Nhân Tông.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mùa thu năm Nhâm Ngọ 1282, khi quân Nguyên đang ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta lần thứ 2, bấy giờ có cá sấu đến sông Hồng. Vua sai Nguyễn Thuyên làm văn ném xuống sông, con cá sấu tự nhiên đi mất. Vua xem việc này giống như việc Hàn Dũ (đời Đường, Trung Hoa), cho đổi thành họ là Hàn.

Còn theo Việt sử cương mục ghi lại: “Tháng 8 năm 1282, đời vua Trần Nhân Tông, Nguyễn Thuyên đang là Hình bộ Thượng thư, theo vua đến sông Phú Lương thì gặp cá sấu nổi lên trước thuyền. Vua sai ông làm bài thơ vứt xuống sông. Cá sấu bỏ đi. Vua Trần cho việc này giống Hàn Dũ bên Trung Hoa nên ban cho ông họ Hàn.

Bài thơ này về sau được nhiều người nhắc đến vì, ngoài việc dùng chữ Nôm thành thạo, mà còn có nội dung tràn đầy tinh thần tự tôn dân tộc. Hiện nay, tại đền thờ ông ở Lai Hạ vẫn còn treo bài thơ này. Về sau, khi nhắc đến Hàn Thuyên, người ta nhớ đến bài Văn tế đuổi cá sấu như sau:

Ngặc ngư kia hỡi! Mày có hay!

Biển Đông rộng rãi là nơi này.

Phù Lương, đây thuộc về thánh vực,

Lạc lối đâu mà lại đến đây.

Há chẳng nhớ rằng nước Việt xưa,

Dân quen chài lưới chẳng tay vừa.

Đời Hùng vẽ mình vua từng dạy,

Xuống nước, giao long cũng phải chừa.

Thánh thần nối dõi bản triều nay,

Dấy từ Hải ấp ngôi trời thay.

Võ công lừng lẫy bốn phương tịnh,

Biển lặng sông trong mới có rày.

Hùm thiêng xa dấu dân cày cấy,

Nhân vật đều yên đâu ở đấy.

Ta vâng đế mạng bảo cho mày,

Hãy vào biển khơi mà vùng vẫy.

Sau khi ông qua đời người dân địa phương nhớ ơn, biến nơi thờ phật tại gia thành đền thờ tưởng niệm với tên gọi là “Thiên Mỗ Tự”. Đền thờ này tọa lạc tại thôn Lai Hạ, xã Lai Hạ, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Nơi đây được xem là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân địa phương và cũng là một di tích lịch sử về văn hóa tiêu biểu nhất của huyện Lương Tài cho đến ngày nay.

Hàng năm lễ hội được tổ chức vào ngày 17 tháng 5 âm lịch để tôn vinh và tưởng nhớ đến Hàn Thuyên, một danh nhân nước Việt có công gìn giữ văn hóa Việt đượm đầy bản sắc dân tộc. Hiện nay, tên của ông được đặt cho nhiều đường phố ở Huế, Sài Gòn, Hà Nội… và nhiều trường học được mang tên ông.

*****

Thời gian gần đây có một bài thơ ca tụng ông như sau:

“Hàn Thuyên” – tên gọi tiếng vang đây,

Dụng chữ Quốc Âm tỏa nghĩa đầy.

Giỏi thật bởi dùng văn đuổi giặc,

Mượn thơ lùa “sấu” tuyệt vời thay.

Danh nhân Hàn Luật – người cao chí,

Nguồn cội thơ Nôm – cụ đại tài.

Để nhớ muôn miền treo bức họa,

“Hàn Thuyên”, tên gọi quả là hay.

Nếu người Việt nhớ đến giáo sĩ Alexandre de Rhodes với công trình biên soạn chữ Quốc ngữ và ấn hành cuốn tự điển tiếng Việt đầu tiên, thì cũng nhớ đến Hàn Thuyên, người có công trong việc phát triển chữ Nôm.

Ít nhiều thì danh sĩ Hàn Thuyên cũng được sự kính trọng và lòng thương mến của nhiều người Việt, xứng đáng được hậu thế ca tụng trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa Việt hơn là Phó tiến sĩ Bùi Hiền, theo lệnh Nga – Tàu đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ với mục đích hủy hoại nền văn hóa, để các thế hệ về sau không tìm được cội nguồn qua sử sách. Và nhất là thay vì kêu gọi mọi người noi theo gương sáng của các bậc Tiền nhân trong công cuộc chống ngoại xâm, thì đảng CSVN lại hô hào học tập theo gương gian hùng của một người tự biên soạn tiểu sử của mình và ký tên là Trần Dân Tiên. Đây là một sỉ nhục vô cùng tồi tệ trong trang sử Việt./.

No comments:

Post a Comment