Độc tài CSVN luôn coi trọng sự duy trì chế độ hơn là quyền lợi quốc gia dân tộc. Hậu quả tất yếu là chính quyền tồi tệ, tham nhũng tràn lan và bất công xã hội. Trong tiết mục CNNM hôm nay, Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe bài viết của TS Phạm Đình Bá với tựa đề:Góp ý về tham nhũng, bất bình đẳng và lòng tin vào thể chế chính trị sẽ được Bảo Trân trình bày để tiếp nối chương trình phát thanh DLSN tối hôm nay.
Trước thềm đại hội đảng, tôi xin có vài ý kiến từ suy nghĩ và đắn đo về tương lai đất nước. Đầu tiên, dân tin tưởng vào chính phủ khi họ tin rằng chính phủ có năng lực, chính phủ cung cấp các dịch vụ cơ bản, chính phủ giữ cho đất nước toàn vẹn và thịnh vượng, và các quyết định của chính phủ là công bằng. Công bằng dựa trên sự trung thực và bình đẳng trong cách chính phủ đối xử với dân. Tham nhũng nằm ở trung tâm của sự mất lòng tin vào chính phủ bởi vì dân phải đối đầu với cán bộ tham nhũng trong đời sống hàng ngày.
Các lãnh đạo tham nhũng làm giàu cho bản thân với chi phí và thuế của dân. Không có đồng thuận giữa kẻ cầm quyền và dân bị trị khi dân coi lãnh đạo là nói láo, ăn chặn, thụt quỹ và làm giàu trên xương máu của dân. Lãnh đạo tham nhũng thâm thụt quỹ công, chuyển tiền từ quỹ công vào tài khoản ngân hàng của chúng (thường là ngân hàng ở nước ngoài) thay vì chi tiêu vào lợi ích xã hội, như xây bệnh viện, trường học và đường sá.
Làm sao dân biết lãnh đạo có tham nhũng? Khi tham nhũng được ‘làm tốt’, dân khó có thể quan sát được. Nhưng dân ở nhiều mức kinh tế xã hội khác nhau thường có nhận thức chung về mức tham nhũng trong chính phủ, bao gồm từ dân oan, dân đen, dân nghèo, dân giàu cho đến dân có mức thu nhập kinh tế và địa vị cao trong xã hội – tất cả tầng lớp dân khác nhau đều bị hại bởi tham nhũng theo nhiều cách khác nhau. Tham nhũng thúc đẩy sự đồng thuận giữa các giai tầng khác nhau trong xã hội về cố gắng làm đẹp xã hội.
Một số lượng lớn các cuộc điều tra trên khắp thế giới đã đặt câu hỏi với dân về nhận thức tham nhũng trong chính phủ của họ. Và dân thường cũng như giới tinh hoa trong xã hội thường đều đồng ý rằng: có mối tương quan chặt chẽ giữa nhận thức của dân thường và giới tinh hoa về tham nhũng. Cả dân thường và giới tinh hoa trong xã hội có đồng thuận về mức tham nhũng trong chính phủ, cũng như có cảm nhận sâu sắc về tác hại của tham nhũng lên đời sống hàng ngày và giá trị đời sống.
Nhiều người có thể không xác định được chính xác tham nhũng ở đâu, nhưng mọi người dường như biết mức tác hại của tham nhũng và có thể xác định tương đối về mức tham nhũng của đất nước của họ so sánh với các nước có định chế khác nhau về mức độ nhân quyền và tự do lựa chọn lãnh đạo. Hiện tượng cảm nhận và quan sát về tham nhũng thường khi được so sánh với cách đánh giá khiêu dâm. Bạn có khi không thể khẳng định khiêu dâm giả dạng dưới hình thức cao – nhưng bạn biết điều đó khi bạn nhìn thấy nó. Tương tự như vậy, khi bạn thấy một lãnh đạo đến thăm nhà máy khi nhà máy này đang cố giấu thảm họa môi trường mà rồi bị lộ sau đó, bạn có thể hiểu mối liên hệ giữa lãnh đạo, nhà máy và tiền tỉ chảy vào ngân hàng bí mật ở nước ngoài.
Mối liên hệ giữa tham nhũng và lòng tin chính trị tồn tại ở các khu vực khác nhau trên thế giới – không có gì văn hóa về mối liên hệ này. Tham nhũng và bất bình đẳng là một phần của hội chứng chính phủ tồi. Bất bình đẳng có hại cho sự an toàn của quyền sở hữu tài sản và do đó làm chậm đi sự phát triển đất nước trong so sánh giữa những nước với mức bất bình đẳng xã hội khác nhau. Ở các nước với mức bất bình đẳng cao như Trung Quốc, Việt Nam và Hoa Kỳ, người giàu có khả năng khuynh loát thể chế chính trị, khuynh loát quản lý công và chà đạp luật pháp của xã hội cho lợi ích của họ.
Nếu một người đủ giàu hơn một người khác, và các tòa án có thể bị tha hóa, thì hệ thống pháp luật sẽ ưu tiên người giàu chứ không phải người nghèo. Tương tự như vậy, nếu các thể chế chính trị và quản lý có thể bị khuynh loát bởi sự giàu có hoặc ảnh hưởng chính trị hay xã hội, thì các thể chế này đặt ưu tiên trên an toàn cho lãnh đạo và tùy tùng của chúng, thay vì đặt ưu tiên lên năng suất, hiệu quả kinh tế và như trường hợp ở Việt Nam và Trung Quốc, việc duy trì thể chế được coi trọng hơn cả toàn vẹn lãnh thổ, kinh tế và các vấn đề quan trọng khác theo quan điểm của toàn dân.
TS Phạm Đình Bá
No comments:
Post a Comment