Kính thưa quý thính giả, hơn 5 ngàn năm trước, thời An Dương Vương có một vị tướng dũng mãnh, tài trí hơn người, được Tần Thủy Hoàng nễ phục, chọn làm võ tướng để trấn giữ biên thùy đánh đuổi quân Hung Nô. Ông được sách sử ghi lại là một vị tướng tài, nổi danh ở 3 nước: Việt, Trung Hoa và Hung Nô. Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Danh Tướng Lý Ông Trọng” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Việt Thái
Văn Lang thành cổ sơn trùng điệp,
Ông Trọng từ thâm vân đạm nùng.
Tạm dịch
Văn Lang thành cổ non trùng điệp,
Ông Trọng đền thiêng mây nhạt nồng.
Đó là 2 câu thơ của tác giả Phạm Sư Mạnh viết về đền thờ Lý Ông Trọng.
Lý Ông Trọng tên là Lý Thân, người huyện Từ Liêm, quận Giao Chỉ, sinh vào thời Hùng Vương thứ 18. Lý Thân có thân hình to lớn, sức mạnh vạn năng, do lỡ tay làm chết người, Lý Thân bị kết tội tử hình. Vua Hùng thấy tiếc cho một người trí dũng, hiếu nghĩa, tánh tình cương trực nên không nỡ giết, phong chức Chỉ huy sứ trong đoàn quân Văn Lang.
Năm 221 trước Công Nguyên, thời Tần Thủy Hoàng, nước Tần hùng mạnh gồm thâu lục quốc ở Trung Nguyên, lên ngôi Hoàng đế.
Sau khi Hùng Duệ Vương nhường ngôi cho An Dương Vương, Tần Thủy Hoàng muốn xua quân sang chiếm nước Việt, An Dương Vương bèn đưa Lý Thân đi xứ.
Khi ấy, giặc Hung Nô đánh phá phía Bắc Trung Hoa, mặc dù Tần Thủy Hoàng đã có Vạn Lý Trường Thành nhưng vẫn không ngăn chận được. Nhân có Lý Thân sang sứ, vua Tần thấy ông tướng mạo cao lớn lại có dũng khí, liền mời ông giúp quân Tần trừ giặc Hung Nô và phong cho ông làm Tư lệ Hiệu úy, thống lãnh quân Tần giữ bờ cõi ở vùng Lâm Thao (tức vùng Cam Túc hiện nay).
Ông cầm quân giữ vùng đất Lâm Thao, đánh tan nhiều cuộc tấn công của
quân Hung Nô. Quân Hung Nô trông thấy thân hình khổng lồ của Lý Thân đều
khiếp sợ, không dám quấy nhiễu và từ đó không dám mang quân xâm phạm
biên cương nhà Tần. Tần Thủy Hoàng phong cho Lý Thân làm Vạn Tín Hầu, gả
công chúa và cho ông trở về phương Nam thăm xứ sở.
Khi nghe tin Lý
Thân đã về nước, quân Hung Nô lại kéo sang đánh Tần. Vua Tần sai sứ sang
Âu Lạc mời Lý Thân. Lý Thân không muốn đi nên vua Thục nói rằng ông đã
mất. Vua Tần không tin, dọa sẽ đem quân tấn công nước Việt nếu không
thấy xác Lý Thân. Cuối cùng, Lý Thân phải tự tử để được chết trên mảnh
đất quê hương.
Vua Tần cho đúc một pho tượng bằng đồng đen khổng lồ giống như Lý Thân, đem dựng ở cửa thành Tư Mã thuộc vùng đất Hàm Dương, gọi là tượng Lý Ông Trọng. Tượng cao 2 trượng, thân hình khổng lồ, bụng rất to nhưng rỗng có thể chứa được nhiều người, 2 tay và đầu có tay quay làm chuyển động. Mỗi khi có người nước ngoài đến thăm viếng, người ở trong bụng tượng quay cho tượng cử động. Giặc Hung Nô lầm tưởng Lý Thân lại sang giúp Tần, khiếp sợ uy danh nên không dám xâm phạm biên giới.
Năm 864, khi tướng Cao Biền của nhà Đường sang làm An Nam đô hộ Sứ, thường bị quân Nam Chiếu đưa quân quấy phá, Lý Ông Trọng hiển linh trợ giúp Cao Biền tạo ra nhiều chiến thắng. Cao Biền kính sợ, cho tạc tượng ông bằng gỗ sơn son thiếp vàng, đồng thời trùng tu lại ngôi đền tráng lệ hơn và đặt tên là đền Lý Hiệu Úy. Đền này tọa lạc ở làng Thị Hiện, huyện Từ Liêm, ngay bên sông Hồng, ở phía Tây, cách thành Đại La (Hà Nội ngày nay) trên năm mươi dặm.
Năm 1285, vua Trần Nhân Tông sắc phong cho Lý Ông Trọng là Anh Liệt Vương. Đến năm 1312, vua Trần Anh Tông gia phong cho ông là Phụ Tín Đại Vương.
Người dân Âu Lạc lập đền thờ ông và tôn ông là Đức Thánh Chèm. Đền thờ Đức Thánh Chèm được xây dựng từ năm 603 ở Thị Điềm, Thụy Phương (Hà Nội ngày nay). Mỗi năm, 3 làng Thụy Phương, Hoàng Mạc và Liên Mạc đều tổ chức lễ hội đền Chèm trong 3 ngày, từ ngày 14 đến 16 tháng 5 (âm lịch), để tưởng nhớ công đức của một danh tướng được Bắc phương dựng tượng và là Thành Hoàng sau khi mất.
*****
Cho dù truyền thuyết ghi lại thế nào chăng nữa thì phải khẳng định rằng, Lý Ông Trọng là nhân vật có thật, được con dân nước Việt cảm phục, hàm ân công đức của ông được ghi vào sử sách. Ông thường hiển linh cứu dân giúp nước, khi nhà Minh đưa quân sang xâm lược, ông báo mộng cho đức Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn vào đất Lam Sơn, phò tá Bình Định Vương Lê Lợi đánh tan quân giặc ngoại xâm.
Công lao của Đức Thánh Chèm được Tiến sĩ Nghiêm Xuân Quảng viết trên bia đình Thụy Phương vào năm 1917 như sau:
“Nước càng văn minh thì người dân càng biết yêu nước tổ, càng biết yêu nước tổ thì càng phải nhớ người xưa, nhớ sinh kính, kính sinh thờ, thờ phải có tượng, có đền. Người trước làm, người sau sửa, đều bởi thờ phượng sùng bái anh hùng mà ra… Nước ta trên dưới hơn bốn nghìn năm, đệ nhất anh hùng xuất hiện ra, làm cho nòi giống mình vẻ vang, sử sách mình rõ ràng, không ai hơn Đức thánh Chèm… ngài sinh ra tại nước ta mà công nghiệp ở cả nước Tàu, chẳng khác gì một ngôi sao mọc ở phương Nam mà soi sáng phương Bắc”.
Lý Ông Trọng và những nhân vật nổi danh nơi xứ người như Lý Long Tường, Nguyễn An .v.v. đều là biểu tượng và là niềm tự hào của con dân nước Việt, tên tuổi những vị này vẫn được ghi vào trang sử cùng với các vị anh hùng và anh thư của nòi giống Tiên Rồng./.
No comments:
Post a Comment