Tượng đài của cộng sản không thuộc truyền thống của dân tộc và đó chỉ là một cơ hội cho cán bộ tham nhũng ăn chận ăn bớt, rúc rỉa máu xương của người dân khiến họ nghèo đói thêm mà thôi.
Để tiếp nối chương trình hôm nay qua tiết mục Đất Nước Đứng Lên, mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi bài viết: “Tiền dành xây tượng đài để học sinh chịu rét” của Trần Trung Đạo qua sự trình bày của Khánh Ngọc.
Nhìn cảnh học sinh miền núi run rẩy trong cơn rét, một người có lương tâm không khỏi xót xa. Trong khi đó, theo VN Express: (xin trích) “Đề án Quy hoạch hệ thống tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030 được Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xây dựng, đang xin ý kiến cấp trên, có đề xuất xây thêm 14 tượng đài ở các tỉnh… Nguồn vốn đầu tư xây dựng tượng đài bao gồm: vốn ngân sách Nhà nước Trung ương và địa phương, vốn tự có của các ngành và các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp trong và ngoài nước hỗ trợ, nhân dân đóng góp” (hết trích).
Dù vốn của nguồn nào, nói cho cùng cũng chỉ là xương máu của người dân. Đảng cs VN không làm ra được đồng nào, họ chỉ nặn ra chức tước để có lý do “lãnh lương”. Đó chẳng qua là một cách “tham nhũng hợp pháp”.
Nhật, cường quốc lớn thứ ba trên thế giới, có 13 bộ trưởng, cs VN có 22 bộ trưởng, 110 thứ trưởng, 201 phó chủ tịch UBND tỉnh. Ngoài việc “trả lương” cho người sống, người dân Việt Nam còn phải “trả lương” cho người chết qua hình thức tượng đài.
Nhưng tại sao phải xây tượng đài lãnh tụ cs trong thế kỷ 21 này?
Gần như quốc gia nào cũng có xây một số tượng đài để tưởng niệm các danh nhân, các anh hùng dân tộc của quốc gia họ như George Washington, Abraham Lincoln của Hoa Kỳ, Simon Bolivar, Manuel Carlos Piar của Venezuela, Trần Hưng Đạo, Quang Trung của Việt Nam v.v… nhưng chỉ có dưới các chế độ cs, tượng đài các lãnh đạo cs được sử dụng như một phương tiện tuyên truyền gây tác hại vô cùng độc hại, nhất là đối với các thế hệ trẻ.
Tượng đài CS không phải là biểu tượng văn hóa của một dân tộc
Để binh vực việc xây tượng đài Hồ Chí Minh, ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt nam, phát biểu: “Tôi cho rằng, không nên đặt vấn đề xây dựng những tượng như thế đắt hay rẻ. Trước khi phán xét phải nhìn nhận tổng thể giá trị văn hóa. Tượng đài sẽ là động lực cho sự phát triển, nên không thể nói vì còn nhiều người đói thì phải mua cơm trước. Đôi khi văn hóa cũng phải đi trước.”
Ông Đào Ngọc Nghiêm không hiểu văn hóa là gì mà nói sảng, tượng đài Hồ Chí Minh không có liên hệ gì đến văn hóa Việt Nam.
Văn hóa được định nghĩa khác nhau ít nhiều tùy thuộc vào mục đích nghiên cứu nhưng tựu chung là đời sống vật chất và tinh thần đặc thù của một dân tộc. Trong tuyên bố về các dạng văn hóa thế giới vào ngày 2 tháng 11, 2001, UNESCO định nghĩa văn hóa là “tập hợp của các đặc điểm cảm xúc, trí thức, vật chất, tinh thần riêng biệt của một xã hội hay một nhóm xã hội trong đó bao gồm cách sống, hệ thống các giá trị, truyền thống và niềm tin.”
Bàn về văn hóa thì tượng đài Hồ Chí Minh không phải là biểu tượng văn hóa hay một phần của văn hóa dân tộc Việt Nam vì hai lý do chính:
- Tượng đài cs không mang tính văn hóa đặc thù.
Với định nghĩa của UNESCO, các tượng đài cs, trong trường hợp này là tượng đài Hồ Chí Minh, không phải là biểu tượng văn hóa đặc thù của một dân tộc mà chỉ là sản phẩm tuyên truyền phát xuất từ một nguồn gốc cs do Lenin đề ra vào ngày 12 tháng Tư, 1918 tại Nga và đã được áp dụng giống nhau một cách chính xác tại hầu hết các quốc gia cs.
Lấy hình tượng các lãnh tụ cs hôn nhi đồng làm một thí dụ. Để che giấu tội ác, bộ máy tuyên truyền Liên Xô giới thiệu một Stalin hiền từ yêu nhi đồng. Ngay sau đó, Hồ Chí Minh ở Việt Nam cũng yêu nhi đồng, Mao Trạch Đông ở Trung Cộng yêu nhi đồng, Todor Zhivkov ở Bulgary yêu nhi đồng, Kim Nhật Thành ở Bắc Hàn yêu nhi đồng. Lãnh tụ khác nhưng cách thức, nội dung và mục đích đều giống hệt nhau.
- Tượng đài cs không tồn tại với thời gian và truyền thống dân tộc.
Như lịch sử thế giới cận đại chứng minh, tượng đài các lãnh đạo cs được dựng lên vì mục đích tuyên truyền nên phải bị phá hủy sau khi cơ chế chính trị tồn tại nhờ tuyên truyền và khủng bố sụp đổ. Như hai tác giả W. Logan và K Reeves viết trong tác phẩm biên khảo “Những nơi đau nhức và nhục nhã: đương đầu với một “gia tài nan giải” (Places of pain and shame: dealing with “difficult heritage”), chế độ cs sụp đổ để lại những tượng đài như một gia tài không ai muốn nhận.
Tiền bạc của cải dù thiếu thốn bao nhiêu cũng có ngày làm lại được, tương tự, các phương tiện khoa học kỹ thuật dù tiến bộ bao nhiêu cũng có thể học được nhưng giá trị văn hóa dân tộc rất khó phục hưng.
Cuộc tranh đấu để chống lại các tư tưởng cs ngoại lai, vong bản, vì thế, là một cuộc đấu tranh đầy khó khăn, đòi hỏi nhiều hy sinh, kiên nhẫn và phải bắt đầu ngay hôm nay chứ không phải đợi đến khi chế độ cs sụp đổ.
Trần Trung Đạo
No comments:
Post a Comment