Thursday, January 7, 2021

Công khai, minh bạch, không có vùng cấm… nhìn từ vụ mua bằng giả

Bình Luận

Quyền lực của đảng CSVN được xây dựng trên gian dối và bạo lực. Công khai, minh bạch không vùng cấm liên hệ đến tệ nạn mua bằng giả của cán bộ là đi ngược lại bản chất của chế độ và bất khả thi.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của JB Nguyễn Hữu Vinh với tựa đề: “Công khai, minh bạch, không có vùng cấm… nhìn từ vụ mua bằng giả” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Cái từ ngữ “công khai”, “minh bạch” và “không có vùng cấm” được những nhà lãnh đạo Việt Nam gần đây nhắc đi nhắc lại như những cỗ máy trên các cuộc họp, các diễn đàn. Họ nhắc nhiều đến mức người dân cứ thấy có điều gì đó không bình thường trong cái việc lẽ ra phải là rất bình thường trong một nhà nước pháp quyền, trong cuộc gọi là “chống tham nhũng” và “bình đẳng trước pháp luật”.

Mấy tháng nay, dư luận xôn xao về vụ trường Đại Học Đông Đô cấp bằng “chính quy” nhưng không đúng quy định, thậm chí cấp bằng nhưng không thông qua đào tạo, nghĩa là cấp bằng giả, hoặc nói chính xác hơn là bằng thật, nhưng học giả.

Theo quy định, Đại học Đông Đô không có chức năng tuyển sinh và đào tạo văn bằng 2 chính quy. Nhưng trường này đã cấp hàng trăm tấm bằng chính quy cho hàng trăm người sử dụng.

Vụ việc này nếu chỉ có trường Đại Học Đông Đô thì chắc không thể làm được, mà đã có sự tiếp tay từ cấp cao hơn, là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo Viện Kiểm Sát nhân dân tối cao, đã có 626 người được trường ĐH Đông Đô cấp văn bằng 2 tiếng Anh, nhưng chỉ có 216 trường hợp có thông tin để xác minh. Trong đó, Cơ quan An ninh điều tra đã làm rõ 193 trường hợp được cấp bằng không qua đào tạo.

Viện Kiểm Sát yêu cầu đơn vị chủ quản xử lý trách nhiệm đảng viên, công chức, viên chức với 193 trường hợp này. Viện Kiểm Sát cũng đề nghị cơ quan thẩm quyền xử lý hậu quả 60 trường hợp sử dụng bằng giả để thi tuyển công chức, bảo vệ luận văn thạc sĩ, tiến sĩ…

Đơn giản vậy, rõ ràng thế, mà tại sao người dân chỉ yêu cầu công khai rõ ràng ai đã mua những tấm bằng này để làm gì lại khó khăn đến thế?

Trong khi dư luận xã hội rất bức xúc trước hiện tượng gian dối đã quá nhiều trong xã hội, thì việc giấu diếm các thông tin này, chỉ càng làm cho mối nghi ngờ càng lớn hơn về hệ thống đào tạo, bằng cấp và phẩm chất của các quan chức nói chung.

Trong khi quan chức nhà nước, lãnh đạo đảng và chính phủ luôn công bố rằng: Chống tham nhũng, chống tệ nạn xã hội là không có vùng cấm, là công khai, là bình đẳng, là bất kể ai vi phạm cũng bị xử lý nghiêm… Đủ cả mọi ngôn từ rất kêu, rất mạnh mẽ.

Vậy thì tại sao việc công khai danh tính những người đã vi phạm này lại không được rõ ràng, minh bạch? Rõ ràng, hệ thống chính trị Việt Nam biết rất rõ, càng giấu diếm, càng có hại cho cái gọi là “uy tín” và lòng tin của người dân vào nhà nước, vào quan chức hiện nay.

Cũng mới đây, ông Nguyễn Xuân Phúc, trên cương vị Thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo, yêu cầu phải làm rõ số cá nhân được trường ĐH Đông Đô cấp, sử dụng văn bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh giả và các văn bằng, chứng chỉ khác… để thu hồi và xem xét xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Và đến nay, đã có thông tin cụ thể từ các cơ sở đào tạo về các trường hợp sử dụng bằng ngôn ngữ Anh giả của Đại học Đông Đô để học thạc sĩ, tiến sĩ: Đại học Quốc gia Hà Nội có 5 trường hợp, Học viện Khoa học xã hội có 7 trường hợp, Đại học Sư phạm Hà Nội có 8 trường hợp, Học viện Báo chí – Tuyên truyền có 4 trường hợp.

Vậy mà các cơ quan chức năng, hệ thống công quyền vẫn cứ im thin thít không hề đáp ứng yêu cầu của dư luận, của xã hội về việc họ cần biết ai đã sử dụng bằng giả của ĐH Đông Đô, và sử dụng vào việc gì cụ thể. Thậm chí, họ cũng chẳng coi cái chỉ đạo, yêu cầu của Thủ tướng là cái “đinh gỉ” gì.

Điều đó, tưởng như không có gì lạ, bởi như một tờ báo mới đây đã tiết lộ rằng: Những người sử dụng bằng giả của ĐH Đông Đô là những người có uy tín trong xã hội.

Cụ thể, 55 đối tượng đã mua bằng tiếng Anh giả để xét tuyển nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án Tiến sĩ nhằm chui sâu trèo cao ở các tổ chức Nhà nước và được xưng tụng là những người có uy tín xã hội, hẳn nhiên, họ phải là những quan chức cỡ bự, những người mà phải có tấm bằng tiến sĩ, thạc sĩ… cho đủ cái nhãn mác khi được cơ cấu vào Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch các Tỉnh… vì nếu chỉ chức chủ tịch Huyện thì chẳng cần đến mức phải có cái nhãn Tiến sĩ đến vậy.

Và hẳn nhiên, các quan chức đã ở cấp Tỉnh ủy, Bí thư, Chủ tịch tỉnh, thành phố… thì họ phải là Ủy viên hoặc Ủy viên trung ương dự khuyết. Và đầu dây, mối nhợ và sự liên hệ sẽ là hết sức chặt chẽ với các cấp cao nhất trong hệ thống Đảng, nhà nước.

Bởi, ngay cả đến chức vụ Chủ tịch nước như Trần Đại Quang, cũng đã từng khai man lý lịch, bằng cấp và gian dối ngày tháng năm sinh nhằm chiếm thêm một nhiệm kỳ giữ ghế. Mọi chuyện rõ rành rành, nhưng chỉ vì vướng vào vùng cấm nên phải im.

Và khi sự thân quen, thần thế đến mức đó, thì việc không có vùng cấm, việc công khai, minh bạch… chỉ là chuyện hài hước không hơn, không kém./.

Nguyễn Hữu Vinh

No comments:

Post a Comment