Báo Tuổi Trẻ ngày 3-9-2017 cho biết, “Trong một năm qua, tại Saigon có một vụ tham nhũng được phát hiện qua kiểm tra, giám sát nội bộ là vụ liên quan đến cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP”.
Thật thế không? Chỉ “một vụ” thôi? Bất cứ ai sống ở Sài Gòn đều biết, chẳng nơi nào ở Việt Nam mà tham nhũng tồi tệ bằng Sài Gòn, không nơi nào mà đời sống người dân “gần gũi” với cái gọi là “văn hóa hối lộ” bằng Sài Gòn, không nơi nào mà hầu như tất cả cơ quan và nhân viên công quyền đều “ăn” bạo bằng Sài Gòn. Tôi nhớ, hồi làm thủ tục sang tên căn nhà ở Bình Thạnh, khi đến Chi cục thuế, tôi chứng kiến các anh cò nhà đất kẹp tờ 500 ngàn vào hồ sơ đưa qua ô kính để được đóng dấu giấy tờ. Mọi việc diễn ra bình thường và công khai trước sự chứng kiến của bao nhiêu người đang ngồi mòn mỏi xếp hàng. Không chi thì cứ ngồi đó. Rồi sẽ bị làm khó đi, làm khó lại nhiều lần…
Em mới xin được cho Saphia vào Trường Lê Ngọc Hân, chi 6 ngàn đô đó anh – một người bạn kể với tôi. Cái gì ở Sài Gòn mà không có cái “giá” của nó. Phụ huynh biết rõ giá đút lót từng trường. Trường điểm Chu Văn An (Bình Thạnh) giá bao nhiêu, Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm quận 1 bao nhiêu. Giá vào trường trái tuyến còn tùy hộ khẩu. Từ Bình Thạnh lên quận 1 là một giá. Từ quận 4 vào quận 1 chênh lệch đôi chút. Từ Gò Vấp “bon chen” lên quận 1 thì “hơi cao chút xíu, chịu thì làm ha”. Các anh chị đi xe hơi cũng nắm rõ “giá”. Cùng một lỗi nhưng nếu bị “bắt” ở đường Trần Hưng Đạo thì “đưa nó” 500 ngàn; nếu bị “thổi” ở Nguyễn Du thì “bốn trăm thôi mày”.
Cách đây nhiều năm, khi dịch vụ cho thuê băng đĩa phim còn bùng nổ, một người bạn thân, chủ một cửa hàng ở Phan Đăng Lưu (Phú Nhuận), cho biết, anh phải “cúng” định kỳ cho công an khu vực. Một hôm tôi vào tiệm khi một người mặc thường phục vừa đi ra, bạn tôi nói, nó là “khu vực” đó, tui mới đưa 2 triệu; ban đầu đưa 1 triệu nhưng nó đòi thêm, nó nói Tết nhất phải cho anh em vui vẻ chút, “về nhà” còn chia lại cho mấy sếp chứ có ăn một mình đâu!… Khắp Sài Gòn, quận nào cũng có bia ôm, karaoke, quán nhậu… Không chỗ nào mà không “cúng” cho công an khu vực. “Cúng” định kỳ hàng tháng. Khó có thể biết chính xác mỗi tháng bọn “khu vực” của một phường nhận được bao nhiêu “trợ cấp xã hội” bằng cách này. Lễ lạc hay Tết nhất thì nhích lên chút. Dịch vụ nào có mức độ “nhạy cảm” càng cao, chẳng hạn “hớt tóc thanh nữ”, thì “tiền cúng cô hồn” càng nhiều. Mức độ tham nhũng trở nên “minh bạch” đến mức, một người bạn học chung hồi phổ thông của tôi sau đó “làm công an” rồi sau đó “ra ngành”, thuật rằng, mỗi tuyến đường, mỗi khu vực, đều có “quota” cả. Mỗi tháng phải thu đủ “sở hụi”. Thu không đủ, về sếp chửi, sếp nói, “mày ăn bớt hả?”.
Công khai. Ăn công khai. Không nơi nào ăn mạnh và ăn công khai bằng Sài Gòn. Không nơi nào có nhiều “cô hồn các đảng” bằng Sài Gòn. Tiểu thương phải cúng cho “quản lý chợ”, nhà hàng phải cúng cho “an toàn thực phẩm”, công ty phải cúng cho nhân viên thuế, du khách phải cúng cho hải quan sân bay… Thậm chí nhà trường, đặc biệt trường tư, cũng phải cúng cho “thanh tra giáo dục”… Cả cái “Ủy ban nhân dân thành phố” cũng không tử tế gì. Các bạn nào làm việc ở lĩnh vực PR (public relation) đều biết rõ “biểu giá” các viên chức trong cái ủy ban ấy. Trong một sự kiện (chẳng hạn cắt băng khánh thành), nếu mời chủ tịch thành phố thì giá bao nhiêu, bí thư thành ủy giá bao nhiêu, phó chủ tịch giá bao nhiêu. Mức giá còn tùy sự kiện. Cắt băng khánh thành, chụp hình quay phim xong, rồi về, thì là một giá. Có phát biểu thì cao hơn chút. Có mặt đến lúc bế mạc thì cao hơn nữa. Không công ty PR nào không nắm được số điện thoại “thư ký trực” của các vị này. Vì muốn mời các vị thì phải thông qua thư ký. Muốn được thư ký “hỏi coi ảnh có rảnh không”, bạn phải biết điều mà dúi vào tay thư ký một ít đã.
Chẳng ai sống ở Sài Gòn mà không biết những chuyện này. Một năm qua, “nhân dân thành phố” chỉ mới “bị” có một vụ tham nhũng thôi! Ồ…!
Mạnh Kim
No comments:
Post a Comment