Người Pháp khi đến đô hộ Việt Nam, họ đã nghiên cứu rất kỹ địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng đất. Nơi này trồng cây gì cho phù hợp, vùng kia trồng cây gì là lợi thế. Nhưng các quan nông nghiệp ở xứ ta, với tầm nhìn ngắn hạn nên bị mắc kẹt trong lối suy nghĩ chụp giật, “ăn xổi ở thì”, đánh bừa. Thành ra nền nông nghiệp nước nhà mới nát như tương. Và tất nhiên hậu quả đổ đầu dân.
Với cây cao su, người Pháp cũng đã nghiên cứu cẩn thận các vùng miền để trồng và họ đã không trồng cây cao su ở miền Trung vì do thời tiết phức tạp, bão tố thường xuyên trong khi cây cao su lại giòn, dễ gãy (nếu trồng cao su, nhất thiết vùng đất đó phải cách xa bờ biển ít nhất trên 70km). Thế nhưng bất chấp cảnh cáo, khoảng hơn 10 năm trở lại đây cây cao su lại được trồng ồ ạt ở duyên hải miền Trung. Và hiện nay, mặc dù thiệt hại rất lớn do mưa bão gây ra nhưng các địa phương vẫn tiếp tục quy hoạch, phát triển mới diện tích trồng cao su. Đó thực sự là một điều đáng lo ngại.
Con số 16 ngàn ha cây cao su bị thiệt trong cơn bão Doksuri (số 10) vừa qua đã thêm một lần nữa chứng minh, không chỉ Quảng Bình mà cả miền Trung không phải là vùng đất thích hợp để trồng cây cao su.
Còn nhớ, năm 2011, tỉnh Quảng Bình phê duyệt Quy hoạch phát triển cao su tỉnh Quảng Bình đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Theo đó, năm 2015 diện tích cao su toàn tỉnh đạt 18 ngàn ha, đến năm 2020 phải đạt 23 ngàn ha. Thế nhưng đề án quy hoạch chỉ có những con số “hứa hẹn” về sự phát triển, tuyệt không có một dòng nào viết về sự tác động khí hậu chính yếu là bão đối với cây cao su. Nghĩa là những rủi ro.
Xin nói thêm, đây không phải lần đầu tiên cây cao su bị thiệt hại do bão, mà những năm trước đã từng xảy ra và mức độ khác nhau. Ví dụ: cơn bão số 9, năm 2009 đổ bộ vào Quảng Nam, Quảng Ngãi khiến Quảng Ngãi mất trắng 50% trong tổng số 1 ngàn 260 ha. Cuối năm 2013, cơn bão số 10 và cơn bão số 11 quét qua, tỉnh Quảng Bình có 12 ngàn 174 ha/18 ngàn 220 ha cây cao su bị thiệt hại với tổng diện tích bị mất trắng khoảng 5 ngàn ha. Hay mới tháng 7 đây, cơn bão số 4 đổ bộ vào miền Trung, tỉnh Quảng Trị thiệt hại đến hơn 1 ngàn ha cây cao su, trong đó hơn 300 ha bị thiệt hại nặng không thể hồi sinh được.
Ở một vùng đất năm nào cũng có bão, trồng cao su có khác nào đánh bạc với ông trời. Nhưng người dân vẫn liều mình đánh cược với thiên nhiên. Thừa Thiên Huế, năm 2006, bão Xangsane làm gãy đổ gần 1 ngàn ha cao su của huyện Nam Đông. Bảy năm sau, người dân bắt đầu trồng mới lại. Khi cây cao su vừa cho mủ thì năm 2013 cơn bão số 11 quét qua làm 200 ha cây cao su đang thời kỳ khai thác mủ bị đổ gãy hoàn toàn, khiến người dân ở đây điêu đứng. Và cứ sau cơn bão, người dân lại trồng, rồi bão lại phá, dân lại trồng. Cái vòng tròng luẩn quẩn ấy, có cách nào để thoát đây?
Cây cao su là cây kỹ nghệ lâu năm, cần vốn đầu tư dài. Tính từ khi trồng cho đến khi thu hoạch mủ là khoảng từ 5 đến 7 năm. Bao nhiêu công sức, vốn liếng đổ vào đấy sau một đêm mất trắng vì bão, thử hỏi ai không đau sót. Đó là chưa kể nhiều nông dân phải vay vốn ngân hàng để đầu tư. Thoát nghèo đâu chưa thấy, giờ lại gánh thêm khoản nợ.
Bao nhiêu tiền của, công sức đổ vào, có thể sau một cơn bão tất cả trở lại điểm xuất phát. Lời cảnh cáo này đã được đưa ra từ lâu và hậu quả cũng hiện ra trước mắt nhưng những kẻ đứng đầu các bộ, ngành, cấp chính quyền, viện, trung tâm nghiên cứu vẫn không có cách nào để người nông dân miền Trung thoát nghèo bền vững thay vì thoát nghèo trong canh bạc với cây cao su như hiện nay.
Dương Ngạn
No comments:
Post a Comment