Linh cảm quá xấu của người dân về một “chế độ móc túi” chẳng còn là trừu tượng. Ngân sách rỗng ruột cùng các nguồn ngoại tệ cạn kiệt đã khiến đảng chính phủ xem dân như “vật tế thần” duy nhất.
“Rút kinh nghiệm sâu sắc” từ các chiến dịch vận động tăng giá điện và xăng dầu mà vẫn thường bị dư luận phản ứng quyết liệt khi ý đồ tăng giá bị lộ ra, vào lần này chính quyền đã âm thầm, hoặc lén lút tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp gấp 3-4 lần mà không thông báo trước cho dân.
Vụ việc tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp lén lút xảy ra vào đầu Tháng Tám và kéo dài cho đến nay. Dường như chưa có “chủ trương thực hiện trên phạm vi toàn quốc,” mà Sài Gòn đã trở thành địa phương đầu tiên được “thí điểm.”
Nhưng kinh khủng hơn, từ năm 2019, hàng chục triệu người dân sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực túi tiền còm cõi khi thuế VAT (giá trị gia tăng) tăng lên 12%. Tháng Tám năm nay, cơ quan tham mưu đắc lực cho chính phủ về các chính sách “thu cùng diệt tận” là Bộ Tài Chính đã “phát minh” tiếp cơ chế tăng thuế sử dụng đất và VAT cùng hàng loạt sắc thuế khác được “nâng lên một tầm cao mới” hay “thế nước đang lên” – nói theo từ ngữ của giới tuyên giáo đảng vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán.
VAT là một loại thuế gián thu, tiền thuế được cấu thành trong giá cả hàng hóa và dịch vụ, người tiêu dùng là người cuối cùng chịu thuế, người nộp thuế chỉ là người thay thế người tiêu dùng thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước. Thuế giá trị gia tăng có phạm vi tác động rộng, đánh vào hầu như tất cả hàng hóa dịch vụ trên thị trường.
Thuế gián thu (trong đó có thuế VAT) lại chiếm tới 50% tổng thu ngân sách. Công ty chứng khoán Sài Gòn ước tính thuế giá trị gia tăng tăng 2% sẽ giúp ngân sách có thêm 59,000 tỷ đồng, từ đó tỷ trọng thuế giá trị gia tăng trong thu ngân sách sẽ tăng lên khoảng 33%.
Khi đó, người tiêu dùng cứ mua một sản phẩm nào đó là phải trả thêm 12% “chênh lệch.” Số tiền này không thuộc về người bán hàng mà chui vào ngân khố quốc gia dùng để chi xài cho chế độ.
Việc thu thuế này sẽ làm dịu cơn đói khát của ngân sách trong thời buổi “loạn lạc.”
Bảy tháng đầu năm 2017 lại chứng kiến một cơn túng quẫn hiếm có của ngân sách trung ương. Trong khi tỉ lệ bội chi vẫn duy trì ở mức 5.5 – 6% GDP mà không hề giảm đi, tỉ lệ thu ngân sách lại sụt giảm đáng kể. Với đà thu thuế như hiện nay, rất có thể đến cuối năm 2017 ngân sách trung ương sẽ bị hụt thu đến 11% so với dự toán đầu năm- một tỉ lệ rất cao và sẽ khiến ngân sách này không biết tìm đâu ra hàng trăm ngàn tỷ đồng (trừ việc ồ ạt in thêm tiền) cho một đội ngũ công chức gần ba triệu người mà trong đó có đến 30% bị dư luận xem là “không làm gì cả những vân đều đều lãnh lương.”
Trong khi đó, các nguồn “ngoại viện” đều hầu như đóng cửa với Việt Nam. Trừ “kênh Nhật” còn đôi chút hy vọng về nguồn ODA, còn lại các chủ nợ lớn nhất của Việt Nam là Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu đều bắt Việt Nam phải vay với lãi suất và thời gian ân hạn theo mặt bằng thị trường từ Tháng Bảy năm nay.
Khó chồng khó. Mới đây, một dự báo của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew (Pew Research Center) của Mỹ lại cho thấy kiều hối về Việt Nam năm 2017 có thể chỉ là $5.4 tỷ.
Nếu dự báo của Pew là chính xác, đây sẽ là một cú giáng rất nặng nề không chỉ đối với nền kinh tế Việt Nam vốn đang lặn ngụp trong năm suy thoái thứ chín liên tiếp tính từ 2008, mà còn khiến phá sản hàng loạt động tác của chính quyền Việt Nam nhằm kêu gọi “khúc ruột ngàn dặm” gửi tiền về.
Vào giữa năm 2017, một lần nữa giới chuyên gia nhà nước và quan chức lại khơi gợi “làm sao để huy động vàng và đô la trong dân đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa”…
“Không có gì sướng bằng đè đầu dân thu thuế” – mấy cán bộ hưu trí than vãn với nhau tại phòng thuế. Nhưng khác với những lần trước, vào lần này thái độ họ còn có cả phẫn nộ.
Nhưng rồi vẫn… đóng tiền.
Nhiều cuộc thăm dò bỏ túi và nhiều bài viết phân tích tâm lý xã hội trên mạng xã hội đã cho biết đại đa số người dân Việt Nam bàng quan, thờ ơ với hoàn cảnh người khác. Nói cách khác là vô cảm, và vô cảm đang trở thành căn bệnh ghê gớm thống trị não trạng và cả trái tim con người.
Một ít trường hợp phản kháng chính quyền đã chỉ xảy ra ở những người hoặc nhóm người bị thiệt hại trực tiếp bởi chính sách. Trong khi đó, những “con cừu” khác vẫn bình an vô sự và vẫn chỉ dửng dưng quan sát, cho đến khi chính họ bị vặt trụi lông.
Chính quyền đã nắm được tâm lý tan đàn xẻ nghé đó và đã áp dụng chiến thuật “đánh tỉa.”
Tiếp theo các “phát minh” thu thuế bán hàng trên mạng, thu thuế “bảo vệ môi trường” và kể cả muốn thu thuế bằng bán… sim số đẹp, cơn bĩ cực ngân sách đang đánh thẳng vào hầu bao của giai tầng trung lưu và một phần “hạ lưu” qua thuế xăng dầu, thuế sử dụng đất, thuế VAT, và có trời mới biết còn bao nhiêu loại thuế khác – tình cảnh mà ngày càng nhiều người dân và cả quan chức phải thốt lên “sưu cao thuế nặng thế này thì còn hơn cả thời thực dân!”
Chỉ nghĩ đến tăng thuế, không đoái hoài đến giảm chi – đó là não trạng của giới quan chức buổi chợ chiều thể chế và tận thu giai đoạn cuối chính thể. 76% chi ngân sách cho lương thưởng của đội ngũ gần 3 triệu công chức vẫn giữ nguyên không suy suyển. Hơn 90 triệu người dân phải è cổ để đội lên đầu số công chức đó.
Thế nhưng sự thể ngơ ngác đến đau đớn là cho đến nay, chiến dịch “thu cùng diệt tận” của chính quyền vẫn đang tương đối có triển vọng bởi “đàn cừu” dân chúng mới chỉ kêu be be tan tác mà chưa hề biết hay dám chụm đầu với nhau để phản kháng.
Phạm Chí Dũng
No comments:
Post a Comment