Lần thứ 2 trong vòng 2 tháng, có người chết bất thường trong trại tạm giam công an Phan Rang – Tháp Chàm:
Báo chí đều đưa tin rất ngắn: “Sáng 8/9/2017, Minh được di lý về nhà tạm giữ Công an TP. Phan Rang – Tháp Chàm. Tuy nhiên đến chiều cùng ngày, các cán bộ công an phát hiện bị can bị thương nặng trong phòng giam nên chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận cấp cứu và tử vong sau đó.”
Thế nhưng theo video do người nhà nạn nhân cung cấp thì nạn nhân có nhiều vết đánh, trên người, vết còng sâu trên tay. Phía công an cho rằng đã có đánh nhau trong trại tạm giam, và đang trích xuất camera theo dõi để làm rõ:
Lần trước ngày 6/7/2017 anh Nguyễn Hồng Đê (25 tuổi) cũng chết trong tư thế treo cổ trong đồn công an Phan Rang – Tháp Chàm. Người nhà nạn nhân bức xúc đã đem quan tài diễu phố. Công an Ninh Thuận hứa điều tra nhưng đến nay không có câu trả lời.
Thật khó tưởng tượng được rằng, khi chứng kiến đồng loại với những dấu vết bị trói và đánh đập đến chết nhưng ông Nguyễn Tiến Hải, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Thuận lại nhanh chóng đưa ra một kết luận đơn giản rằng “đã xảy ra một vụ đánh nhau” tại nhà tạm giữ công an của TP Phan Thiết.
Ông Hải nói rằng “trích xuất” qua camera an ninh của nhà giam (chứ không là nguyên bản), cho thấy. Nhưng nghe sao mà khó tin đến vậy. Một nghi phạm bị đưa đi vào nhà giam của công an, sau đó lại bất ngờ xảy ra một “vụ đánh nhau” không xác định – lời của ông Hải mô tả – khiến người ta rùng mình. Vì bởi nếu có một vụ đánh nhau như vậy, nạn nhân Võ Tấn Minh, 25 tuổi, chắc chắn đã bị không ít người tổ chức cùng đánh đến chết. Các dấu vết để lại cho thấy có từ phía sau đầu, đánh vào chân, ngực, tay đầy chủ đích… Đồn công an của nhà nước Việt Nam sao lại có sẳn một lực lượng “đánh nhau” sẳn sàng và chuyên nghiệp để kết liễu con người đến vậy?
Còn nếu trại giam không có “đánh nhau”, anh Võ Tấn Minh chỉ có thể bị trói và đánh đập đến chết. Vì qua video gia đình của anh quay lại vào ngày 10/9/2017, rất chi tiết, cho thấy hai cổ tay anh Minh bị xiết chặt và hằn đầy máu bầm của dây trói. Ông Nguyễn Tiến Hải nhân danh sự nghiệp của mình, hay bằng “lương tâm” loại gì để tuyên bố thật nhanh cho một nghi án mà bất kỳ người dân thường ít học, xem qua vẫn có được các suy đoán khác?
Mà bất luận là lý do gì đi nữa, cái chết của một công dân chưa bị kết án trong sự quản thúc của công an, là trách nhiệm và danh dự của ngành này. Giải thích như thế nào đi nữa, một khi đồn công an đưa người sống vào, trả xác chết ra là một dấu hiệu suy đồi và đen tối của ngành, mà cụ thể lúc này, trách nhiệm của công an tỉnh Ninh Thuận phải chia đủ cho từng người.
Tính từ đầu năm đến nay, ở Việt Nam, trung bình mỗi tháng có một vụ chết người đầy ẩn ức trong trại tạm giam. Nhưng riêng nhà tạm giam tạm giữ ở Phan Rang, Ninh Thuận gần đây đã tỏa sáng bất thường trên đất nước, trong việc góp 2 nạn nhân trong vòng 2 tháng. Nhắc lại cho rõ, đó là cái chết của anh Nguyễn Hồng Đê, 25 tuổi, vào tháng 7 vừa rồi. Và nay là đến anh Võ Tấn Minh, 25 tuổi, mà công an nói miệng là nghi can có chứa heroin trong người.
Cũng chưa có ai quên nổi chuyện cái chết rùng rợn đau thương của anh Nguyễn Hữu Tấn vào ngày 3/5/2017. Khi công an trả xác về, gia đình anh Tấn nhìn thấy trên cổ của anh chi chít những vết cắt bất thường không thuận tay. Dĩ nhiên, một kịch bản được dựng nên để diễn giải cho sự vô can, nhưng không ai tin nổi lời giải thích của các điều tra viên ở Vĩnh Long là anh Tấn chết do tự cắt cổ, từ dao rọc giấy của họ.
Tôi chỉ là dân thường. Thậm chí rất tầm thường. Nên tôi không bao giờ có thể đi qua nổi cảm giác đau đớn và tức giận khi nhìn thấy đồng loại của mình chết nghẹn ngào và oan khuất. Đặc biệt là nghẹn ngào và oan khuất từ chốn công quyền.
Lâu nay, những vụ chết người, khổ nạn như vậy nếu như không có tin tức từ cộng đồng mạng dấy lên, thì thường báo chí nhà nước cũng chỉ đưa tin qua loa lấy lệ. Các quan chức liên đới, đại biểu quốc hội… thì chỉ dám mở miệng bàn chuyện gái mại dâm hay quần bò, bất chấp những chuyện như bị thương nặng, chết người trong đồn công an diễn ra đều đặn, quặn căm lòng xã hội.
Tiếng khóc từ video của gia đình anh Võ Tấn Minh vang vọng, gào thét “anh thức dậy đi anh ơi” khiến tim tôi thắt lại. Không có loại âm nhạc nào mô tả được nỗi đau, kinh hoàng bằng tiếng khóc của mẹ, của vợ, của chị… Tiếng kêu gào của người dân tuyệt vọng tận đáy xã hội cứ nhắc tôi về những hình ảnh đẹp đẽ của các nhà lãnh đạo, quan chức cao cấp của Việt Nam, kể cả trong ngành công an, vẫn cung kính thắp nhang cúng chùa, xây đền, góp tiền cho tượng tháp… Mọi thứ đó trong thoáng chốc đã bật ra sự lố bịch, rẻ rúng. Đồng loại thì khốn khổ, trò mua hình bán dạng ấy, liệu có ích gì?
Tôi không tin rằng chuyện cái chết của anh Võ Tấn Minh, anh Nguyễn Hữu Tấn… hay còn nhiều người khác nữa sẽ sớm được minh bạch, oan hồn của người đã khuất khó mà sớm được thảnh thơi. Vì những lời nói dối vẫn luôn chực chờ đâu đó. Thậm chí, những hàng hàng dùi cui và khiên chắn vẫn luôn được chuẩn bị để bảo vệ cho những lời nói dối như thế.
Nhưng dù sao đi nữa, xin mọi người đừng quên ghi lại. Mọi sự kiện vẫn cần được ghi lại về ngày đen đúa, tuyệt vọng của đất nước. Xin đừng để mọi thứ bị lãng quên. Những học trò ở Hàm Dương truớc khi bị chôn sống, vẫn ghi lại mọi thứ, để triều đại cao ngất của Tần Hủy Hoàng mãi mãi không bao giờ thoát khỏi lời nguyền rủa của nhân loại về sau. Nỗi đau và oan khiên cũng cần được trở thành lịch sử. Kẻ ác có thể dựng nên những loại lịch sử để ca tụng và lừa dối. Nhưng nhân dân cũng có những phiên bản lịch sử của sự thật được ghi xuống và lưu truyền. Lịch sử truyền đời từ hôm nay, nhắc rằng nền văn minh nhân loại không bao giờ lãng quên, không bao giờ dung thứ cho kẻ ác.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh
No comments:
Post a Comment