“Dù ai đi ngược về xuôi,
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba.
Khắp miền truyền mãi câu ca,
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.”
Câu ca dao đậm đà tình nghĩa đã đi vào lòng mỗi người dân Việt từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hàng ngàn năm qua, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương luôn là biểu tượng tôn kính, là nơi quy tụ và gắn bó của toàn dân tộc.
Từ xa xưa, ngày Giỗ Tổ đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Bản ngọc phả viết thời nhà Trần vào năm 1470, đời vua Lê Thánh Tông sao chép đóng dấu, đang lưu tại đền Hùng, viết rằng: “…Từ nhà Triệu, Đinh, Lê, Lý, Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi…”.
Về sau, ngày Giỗ Tổ đã trở thành ngày trọng đại của dân tộc, mùng 10 tháng 3 âm lịch đã in đậm trong lòng mọi người. Dù ở phương trời nào, người Việt cũng đều hướng về vùng đất cội nguồn để tưởng nhớ, tôn vinh công lao của các Vua Hùng và các bậc Tiền nhân đã dầy công dựng nước và giữ nước.
Ngoài ra, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương còn nhằm mục đích nhắc nhở, dạy dỗ con cháu về truyền thống trì thủ ân nghĩa, uống nước nhớ nguồn, một truyền thống cần được duy trì và phát huy mãi mãi.
Con người có tổ có tông,
Như cây có cội, như sông có nguồn.
Cây có cội, mới nẩy cành xanh ngọn,
Nước có nguồn, mới biển rộng sông sâu.
Măc dù thời Hùng Vương đã trở thành huyền sử, còn sót lại chỉ là những câu ca dao, tục ngữ và truyền thuyết lưu truyền trong dân gian. Nhưng ngày Giỗ Tổ vẫn in sâu vào tâm linh người Việt. Trải qua hơn ngàn năm Bắc thuộc, dưới ách đô hộ của phương Bắc, tiếp theo là một ngàn năm hưng quốc với bao thăng trầm lịch sử, tấm lòng của người Việt vẫn luôn nhớ về cội nguồn.
Tiền nhân chọn ngày mùng 10 tháng 3 là vì:
– Theo Âm lịch, tháng Giêng là tháng Dần, tháng 2 là tháng Mẹo, tháng 3 là tháng Thìn, biểu hiệu của Rồng.
– Theo Địa chi, mùng 10 là ngày Dậu. Dậu là gà, thuộc loài chim, chim là biểu hiệu của Tiên. Ngày mùng 10 tháng 3 là ngày Tiên, tháng Rồng. Ngày này được chọn là ngày Giỗ Tổ để giúp con cháu nhận thức về nguồn gốc dân tộc mình là con Rồng cháu Tiên.
Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, sử gia Ngô Sĩ Liên viết vào năm 1479 cho rằng, dân tộc Việt lập quốc vào năm 2879 trước Công Nguyên. Năm 2879 là năm thứ nhất của Việt Lịch, tính đến nay thì dân tộc Việt có 4896 năm văn hiến.
Nước Việt được thành lập do nhiều vị Quốc Tổ, với 18 đời Hùng Vương chứ không phải một vị vua đầu tiên như nhiều quốc gia khác. Và cũng theo quan niệm này, dân tộc Việt đã chú trọng việc hình thành một nền văn hiến hơn là thành lập một quốc gia theo nghĩa chính trị đương thời.
Ngày lễ Giỗ Tổ đã xuất hiện rất sớm, cách đây hơn 2000 năm. Dưới thời Thục Phán – An Dương Vương, cột đá thề trên núi Nghĩa Lĩnh đã chứng minh điều này.
Theo truyền thuyết thì vua Hùng là con của Tổ phụ Lạc Long Quân và Tổ mẫu Âu Cơ.
Ngày xưa, vua Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần phương Nam đến núi Ngũ Lĩnh gặp một nàng tiên, lấy nhau, đẻ ra người con tên là Lộc Tục. Về sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc và phong cho Lộc Tục làm vua ở phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỉ.
Kinh Dương Vương lấy con gái Thần Long sinh một con trai đặt tên là Sùng Lãm, về sau nối ngôi xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai là bà Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng, một trăm trứng nở ra một trăm người con là tổ tiên của giòng Bách Việt.
Một hôm, Lạc Long Quân bảo bà Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa tương khắc, chung hợp thật khó”. Và chia năm chục đứa con theo mẹ lên núi, năm chục người con theo cha đi về phía biển. Lạc Long Quân giao cho con trưởng nối ngôi lấy hiệu là Hùng Vương, đặt quốc hiệu là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu. Sau đó tiếp tục truyền ngôi, tổng cộng được 18 đời.
Trong nước, mỗi năm cứ đến mùng 10 tháng 3, hàng trăm ngàn đồng bào kéo nhau về Đền Hùng để thể hiện lòng tôn kính bằng cách dâng hương, lễ bái, tưởng nhớ 18 đời Hùng Vương và các bậc Tiền nhân đã sản sinh ra một dân tộc không bao giờ khuất phục ngoại xâm.
Quốc Tổ là biểu trưng cho tinh thần, cho sức sống, cho Hồn Thiêng Sông Núi, là nguồn gốc, cũng là sự sống còn, là niềm hy vọng và là tụ điểm của dân tộc. Đây chính là nền tảng đích thực cho công cuộc Cứu Nguy Tổ Quốc thoát khỏi bạo lực của cường quyền phương Bắc.
Lễ Giỗ Tổ không chỉ là ngày hội quần tụ của cả dân tộc, còn là ngày để con dân Việt khẳng định sức mạnh của giống nòi, và sức trường tồn mãnh liệt của văn hóa dân tộc.
Ngày giỗ Quốc Tổ giúp cho mọi người nhớ về cội nguồn, để từ đó gắng sức đắp xây đất nước ngày càng phồn thịnh hơn. Chính ý nghĩa thiêng liêng này, nên cho dù có bận trăm công nghìn việc thì hàng triệu người Việt đều nhớ đến ngày mùng 10 tháng 3, để tưởng nhớ công ơn dựng nước của vua Hùng và góp phần vào việc gìn giữ truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Dầu ai buôn bán nơi đâu,
Nhớ ngày Giỗ Tổ rủ nhau ta về.
Dầu ai buôn bán trăm nghề,
Tháng ba, lễ Tổ ta về cho đông.
Việt Thái
No comments:
Post a Comment