Trong tuần này, có nhiều sự kiện diễn ra ở khu vực Bắc miền Trung. Một đoàn xe hơn 100 chiếc của các gia đình kéo lên trạm thu phí cầu Bến Thủy và dùng tiền lẻ để trả phí, nhân viên kiểm tiền phải tốn hàng giờ đếm tiền và cả một đoạn xe rồng rắn dài hàng ngàn mét nối đuôi để chờ. Bà con ngư dân xã Kỳ Lợi lên đèo Con, đoạn phía Bắc đèo Ngang, dùng ngư cụ như lưới, dầm chèo để chặn xe, bày tỏ thái độ bất bình bởi đền bù không thỏa đáng. Người dân hai xã Thạch Bằng và Thạch Kim đã kéo lên trụ sở ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà để yêu cầu Chủ tịch huyện đối chất về việc hai công an viên đã nổ súng đe dọa người trong xã. Và còn nhiều sự kiện khác đã và sắp diễn ra…
Tất cả những sự kiện trên đây buồn nhiều hơn vui và bi quan nhiều hơn lạc quan. Vì sao? Vì nếu như niềm vui của một con người chứng tỏ đất nước đã thay đổi, người dân đã biết tự mình nói lên tiếng nói của mình, cùng kết đoàn với nhau để đấu tranh cho lẽ phải thì cùng lúc nỗi buồn về một đất nước đang bị kéo ngược bởi một thứ chủ trương mơ hồ, nước đôi và khó định dạng cũng đến theo.
Thiết nghĩ, chuyện Formosa có thể đã giải quyết êm thấm từ lâu. Nếu như chính phủ và trung ương cộng sản Việt Nam làm quyết liệt ngay từ đầu, đừng dấm dúi và nói láo rằng cá chết, hải sản chết là do thừa amoniac, rồi do tảo đỏ, do tảo độc… Để cuối cùng, khi các nhà nghiên cứu độc lập vào cuộc, kết quả không thể chối cãi thì nhà cầm quyền trung ương mới tuyên bố biển nhiễm độc và tiếp tục dựng vở kịch “xin lỗi” của ban giám đốc Formosa cùng với gói đền bù đầy tính tượng trưng: 500 triệu Mỹ kim – một số tiền mà mới nghe tưởng lớn nhưng thực tế thì chẳng có ý nghĩa gì so với thiệt hại biển, thiệt hại con người, vạn vật thiên nhiên.
Và chưa dừng ở đó, thêm một vở kịch khác của chính phủ về việc “đã nỗ lực điều tra và buộc thế Formosa” càng làm cho mọi chuyện trở nên hợm hĩnh, tầm thường và dối trá. Nhưng, giá như mọi chuyện tệ hại chỉ dừng tại đây thì mọi chuyện vẫn còn có thể hi vọng vớt vát, xoa dịu được nỗi tức giận của ngư dân. Đằng này thì không, tiếp tục chuyện cơ quan chính quyền địa phương ăn chặn đền bù, gian dối đền bù. Thêm một lần nửa, chảo lửa bất bình trong nhân dân bùng phát.
Trong lúc hàng triệu gia đình lâm vào khốn khó, mất sinh kế, đội đơn đi hết nơi này đến nơi khác để yêu cầu đền bù nhưng không có hồi đáp, con cái phải bỏ học đi làm thuê tứ xứ… Thì có nhiều nhà quan chức không hề tổn thất trong vụ biển nhiễm độc lại được nhận đền bù tỉ này tỉ nọ, sắm thêm nhà cửa, xe cộ. Người dân bực tức, yêu cầu nhà cầm quyền trả lời cụ thể, giải trình rõ ràng thì bị làm ngơ, thậm chí bị công an mang súng đến nhà hù dọa. Sự việc có vẻ như khó bề dừng lại được khi sự phẫn nộ của nhân dân càng lúc càng cao, nỗi thất vọng về sự sòng phẳng của chính quyền càng ngày càng đầy và những gì nhân dân chứng kiến đều là chuyện nhà nước bao che, toa rập với Formosa, sẵn sàng tung công an, quân đội, hàng rào kẽm gai và bạo lực để đối xử với nhân dân hầu bảo vệ cho Formosa.
Tất cả những hành động cùng thái độ của nhà cầm quyền chỉ mang lại một hệ quả duy nhất: ngày càng làm mất niềm tin và thiện cảm của nhân dân, đẩy nhân dân vào thế phản kháng. Và dường như mọi thứ đang diễn ra đúng với luật nhân quả của nó. Điều này thật đáng buồn. Bởi chỉ vì bênh vực, toa rập với Formosa, vì những thứ thỏa hiệp có tính chất đấu đá nội bộ trung ương đảng cũng như vì những đòn loại nhau trong nội bộ trung ương đảng đã dẫn đến tình trạng xuất hiện hàng chục Trần Ích Tắc sẵn sàng rước voi về dày mả tổ, sẵn sàng rước kẻ xâm lược vào làm đồng bọn, cho chúng mặc sức tác oai tác quái trên quê hương; bỏ mặc hàng triệu người dân phải đau khổ, mất mát đất đai tài sản và gào khản tiếng, rên xiết vì bất công, vì bị đàn áp và tuyệt vọng!
Ở đây, khi người dân biết tự đấu tranh cho mình là tín hiệu vui nhưng lại quá buồn trong bối cảnh hiện tại. Bởi lẽ, một nhà nước, một đảng chỉ tồn tại được là hoàn toàn nhờ vào đồng thuế của dân thì họ phải có những hành động đền ơn, đáp nghĩa phải lẽ với nhân dân, phải tìm cách nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí và mở rộng dân chủ bằng mọi giá để đất nước được phát triển tốt đẹp. Đằng này, không những làm cho mọi chuyện trở nên ngột ngạt, người dân bức bách mà nhà nước còn đẩy nhân dân về một phía, phía còn lại là nhà nước và những nhóm lợi ích, trong đó gồm cả những nhóm lợi ích ngoại quốc, đặc biệt là Trung cộng, Đài Loan được ưu tiên hàng đầu.
Kiểu làm việc và hành xử như thế nhanh chóng đẩy nhân dân về phía cùng khổ, thù nghịch với nhà nước và điều này càng trở nên khốc liệt hơn khi nhà nước thẳng tay đàn áp người dân của mình chỉ vì quyền lợi của nhóm lợi ích nào đó. Hưng Nghiệp Formosa, FLC, VinCom, Hoàng Anh Gia Lai, kẽm Núi Pháo và hàng trăm tập đoàn, nhóm lợi ích khác đang dày xéo lên quyền sinh tồn của nhân dân. Nhà nước trắng trợn chống lưng cho bọn họ, đẩy nhân dân làm kẻ thù, kẻ phản động, như thế buộc lòng nhân dân phải nổi dậy.
Đây là điều đáng buồn, là chuyện không may của quốc gia, dân tộc. Bởi một quốc gia, một dân tộc may mắn sẽ có được hệ thống nhà nước tốt đẹp để phát triển, để bền vững. Ngược lại, một quốc gia, dân tộc không may mắn như Việt Nam, vẫn có một bộ máy nhà nước vững mạnh với cơ chế độc tài, toàn trị một cách đầy đủ của nó nhưng tự do, sự tiến bộ và dân chủ thì không có. Bởi sự vững mạnh của nhà nước Cộng sản Việt Nam ngược dấu với tự do, dân chủ và tiến bộ.
Cuối cùng, ở một quốc gia tử tế, người dân không phải mất công để đấu tranh cho những thứ không cần đấu tranh mà vẫn có như việc đền bù thỏa đáng, việc giữ gìn tài nguyên, môi trường; việc công lực nhà nước bảo đảm đối xử tử tế với công dân chẳng hạn! Rất tiếc, nếu xét trên khía cạnh này, người dân Việt còn phải đấu tranh lâu dài mới có được. Và càng đấu tranh lâu dài, càng lan rộng cuộc đấu tranh này thì chỉ cho thấy dân tộc Việt Nam không may mắn. Ít nhất là không may mắn vì phải cõng một nhà nước tồi tệ trên lưng. Thật đáng buồn!
VietTuSaiGon
No comments:
Post a Comment