Thursday, April 27, 2017

TRẦN THIỆN THANH TIẾNG CA HÒA TIẾNG SÚNG

ThiCaYêuNước

Trần Thiện Thanh quê tại Phan Thiết, sống tại Sài Gòn, là một trong những nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng giai đoạn trước 1975. Ông còn là ca sĩ với tên Nhật Trường và được xem như là một trong bốn giọng nam nổi tiếng của nhạc vàng gồm Hùng Cường, Duy Khánh, Chế Linh và Nhật Trường.

Đầu thập niên 1960, Nhật Trường lập ban Tứ Ca Nhật Trường gồm ông và 3 nữ ca sĩ: Như Thủy, Vân Quỳnh và Diễm Chi. Năm 1970, Ông đóng chung với Thanh Lan trong phim Trên Đỉnh Mùa Đông.
Năm 1993, ông di cư sang Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ gia đình ODP. Sau một thời gian sống tại Mỹ thì ông kết hôn với nữ ca sĩ Mỹ Lan. Tại Mỹ ông lập hãng đĩa riêng Nhật Trường Productions và đồng thời cộng tác với Trung tâm Asia, Trung tâm Làng Văn, Mây Productions, Hoàn Mỹ Productions…
Là một nhạc sĩ và là một ca sĩ, Nhật Truờng Trần Thiện Thanh đã nắn nót những nốt nhạc tình thật truyền cảm. Anh đã thắc mắc về tình yêu là gì, và tự trả lời là chẳng biết gì cả, chỉ biết nhớ thương, nhớ người, nhớ hoa và nhớ miền quê cháy nắng:
Biết làm sao mà hiểu được tình yêu
Người đi vào yêu mà thương nhớ nhiều
Yêu đôi hoa vàng bến vắng
Yêu quê hương miền cháy nắng
Ra đi mà quên cay đắng
Yêu quê hương cháy nắng, nhạc Trần Thiện Thanh rất đậm mùi thôn quê Việt Nam với áo bà ba, với chiếc nón lá lướt nhẹ trên sông rạch Hậu Giang như một bài thơ:
Chiếc áo bà ba trên giòng sông thăm thẳm
Thấp thoáng con xuồng bé nhỏ lướt mong manh
Nón lá đội nghiêng tóc dài con nước đổ
Hậu Giang ơi em vẫn đẹp ngàn đời
Nhớ chiếc xuồng xưa năm nào trên bến cũ
Thương lắm câu hò kêu gọi khách sang sông
Áo trắng xuồng đưa mắt cười em khẽ gọi
Người thương ơi em vẫn đợi chờ.
Yêu thôn làng sông nước với mái chèo nhẹ lướt, vơi tiếng hò đong đưa, Trần Thiện Thanh còn dành nhiều nốt nhạc đặc biệt cho tình lính, tình người em gái hậu phương dành cho người chiến sĩ xông pha nơi lửa đạn. Chính tình yêu thời chiến đó là nguồn an ủi lớn lao đối với người chiến sĩ cầm súng diệt thù:
Nếu em không là người yêu của lính
Ai sẽ nhớ em chiều dừng hành quân
Ai khẽ nhắc tên em muôn nghìn lần
Để thấy cánh sao gần
Không đẹp bằng hồ mắt giai nhân
Bước quân hành là bước gian nan, leo đèo vượt suối, lên thác xuống ghềnh, nhưng người chiến sĩ không nản lòng, vẫn hiên ngang bước tới, bởi lẽ tâm hồn nguời chiến sĩ luôn luôn ấp ủ mộng lớn. Đó là mộng mang lại thanh bình cho quê hương thân yêu:
Rừng lá xanh xanh núi đồi chạy quanh.
Ðời lính quen yêu gian khổ quân hành
Nghe từ ngày thơ tiếng súng triền miên
Ðánh giặc lâu bền cho non nước bình yên
Ôm súng diệt giặc mà mơ về hòa bình, Trần Thiện Thanh còn ghì siết bóng dáng giai nhân, để những một ngày trở về, với vòng tay nồng ấm, vơi những ngón tay đan lại ngọt mềm:
Nếu một mai khi hòa bình
Anh sẽ dìu em qua lối xưa
Cho từng ngón tay đan lại
Ái ân ngọt mềm
Dù mưa qua vùng giá rét
Trời xanh trong lòng đôi ta
Mình yêu nhau như khi vừa mới biết nghe em
Có lúc Trần Thiện Thanh như thể xuất thần. Tình yêu say đắm đã đưa anh vào ảo giác, thấy mình người điên và thấy người yêu mình là người say trong vườn tình ái:
Anh chỉ là người điên trong vườn hoa tình ái.
Em chỉ là người say bên đường em nhìn thấy.
Anh đi đi, người điên không biết nhớ
Và người say không biết buồn …
Yêu rồi mơ, rồi điên vì tình, nhưng Trần Thiện Thanh lại phải đối diện với thực tế lửa khói. Tiếng súng bên tai làm anh tỉnh thức, rồi anh phải chứng kiến thân người chiến sĩ gục ngã một cách tức tửởi trước mặt. Anh hốt hoảng la lên như người mất hồn:
Anh không chết đâu anh, người anh hùng mủ đỏ tên Đương
Tôi vẫn thấy đêm đêm một bóng dù sáng trên đồi máu
Nghe trong đêm kêu gào từng tiếng súng pháo đếm mau
Và tiếng súng tiếng súng hay nhạc chiêu hồn đưa anh đi anh đi
Không, anh không, anh không chết đâu em, anh chỉ vừa bỏ cuộc đêm qua
Tôi thấy mắt anh bên ngọn nến vàng hắt hiu niềm nhớ
Trên khăn tang cô phụ còn lóng lánh dấu ái ân
Giọt nước mắt nóng bây giờ và còn hằng đêm cho anh cho anh
Vâng! Anh không chết đâu anh, anh không chết đâu em. Anh sẽ biến thành ngôi sao mới, rực sáng nền trời Đông Á, chiếu rạng sử xanh Việt Nam:
Anh! Anh! Hỡi anh ở lại Charlie
Anh! Anh! Hỡi anh giã từ vũ khí
Vâng, chính anh là ngôi sao mới
Một lần này chợt sáng trưng
Là cánh dù đan bằng tiếc thương vô cùng
Anh không chết, mà còn bay mãi như cánh chim Việt Điểu, tung cánh ngang trời làm dậy con tim Việt Nam kiêu hùng:
Này anh! Anh! Hỡi anh ở lại Charlie
Anh! Vâng, chính anh là loài chim quý
Ôi, cánh chim trùng khơi vạn lý
Một lần dậy cánh bay
Người để cho người nước mắt
Anh là cánh dù tung gió, là chim bay cao, cao mãi, là niềm hãnh diện của dân tộc Việt. Linh hồn anh đạp gió xe mây bay vào cõi không gian vô tận. Anh đã mang về trời theo tuổi trẻ Việt Nam, tuổi trẻ Phù Đỗng. Anh đã mang về trời quê hương Việt Nam, Việt Nam muôn năm:
Cao bay lên cao bay lên cao đi anh
Như trong kỷ niệm, anh đạp gió xé mây trôi
Cao bay lên cao bay lên cao đi anh
Xin linh hồn anh, lên trời cao bay thật mau
Xin cho cao thêm cho thêm lên cao lên
Cao câu nguyện cầu cho tuổi trẻ sớm đi xa
Xin cho cao lên cho cao lên cao lên
Hãy ngước nhìn không gian Việt Nam cao diệu vợi
Nay Trần Thiện Thanh đã lìa xa chúng ta trong cõi trần. Nhưng tiếng hát của anh còn mãi mãi văng vẳng bên tai như tiếng súng diệt thù, và linh hồn anh đang bay cao, bay cao giữa khung trời xanh bao la, mắt rưng rưng nhìn xuống dân Việt đang ngậm ngùi tuởng niệm Quốc Hận 30 tháng 4.
NQS, MN và HS tạm biệt quí thinh giả, xin hẹn gặp lại trong TCYN lần tới.

Ngô Quốc Sĩ

No comments:

Post a Comment