GIÁO PHẬN VINH TUẦN HÀNH ĐÁNH DẤU 1 NĂM THẢM HỌA FORMOSA
Hàng ngàn giáo dân ở Vinh vào hôm qua đã xuống đường tuần hành đánh dấu 1 năm thảm họa môi trường do nhà máy Formosa gây ra ở vùng biển miền trung.
Cuộc tuần hành có trật tự đã hoàn toàn khác hẳn với sự chen lấn của hàng trăm ngàn người kéo về đền Hùng nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương trong mấy ngày qua. Người tuần hành đã giương cao cờ ngũ sắc tinh kỳ và các lá cờ màu đen in hình xương cá. Các biểu ngữ cũng được giương cao với nội dung yêu cầu đóng cửa nhà máy Formosa, truy tố tập đoàn này và những kẻ tiếp tay gây ra thảm họa kinh hoàng cho miền trung, với hàng triệu người dân đã lâm vào cảnh thất nghiệp suốt một năm qua.
Cuộc tuần hành diễn ra chỉ hai ngày sau khi nhà cầm quyền VN loan báo là nhà máy Formosa đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu và có thể tiếp tục sản xuất gang thép, mặc dù trong vòng 3 tháng qua, tại vùng biển Vũng Áng liên tục xuất hiện các dải nước đỏ sậm.
CÁC LINH MỤC QUỲNH LƯU BÁC BỎ YÊU CẦU CỦA NHÀ CẦM QUYỀN HUYỆN
Vào hôm qua, hai Linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục, đại diện cho các linh mục ở huyện Quỳnh Lưu, đã có cuộc họp với giới quan chức huyện này về một công văn yêu cầu các linh mục phải xin phép nhà cầm quyền khi làm thánh lễ ở những nơi không thuộc giáo xứ của mình.
Công văn này được nhà cầm quyền huyện Quỳnh Lưu gửi đến các linh mục vào ngày 17/3. Ngoài yêu cầu phải xin phép nói trên, công văn còn cáo buộc là các linh mục đã xúi giục giáo dân xuống đường phản đối nhà máy Formosa.
Theo tường thuật của LM Đặng Hữu Nam thì cuộc họp có sự hiện diện của chủ tịch và phó chủ tịch huyện Quỳnh Lưu. Hai linh mục đã đệ trình lá thư phản đối do 19 linh mục đại diện hơn 30 ngàn giáo dân, nội dung nhấn mạnh điều khoản số 11 của hiến pháp VN nêu rõ quyền thực hiện các nghi lễ tôn giáo và giảng đạo. Vì thế công văn của nhà cầm quyền huyện Quỳnh Lưu là vi hiến. Bị đuối lý, chủ tịch huyện Quỳnh Lưu cho biết sẽ sửa đổi lại công văn nói trên.
GIỚI CHỦ XE LẠI BIỂU TÌNH PHẢN ĐỐI TRẠM THU LỘ PHÍ Ở CẦU BẾN THỦY
Một lần nữa, giới chủ xe qua lại trên cầu Bến Thủy đã xử dụng phương thức trả bằng tiền lẻ khi qua trạm thu lộ phí, gây tắc nghẽn giao thông ở hai đầu cầu. Ngoài ra còn có hơn 100 chiếc xe đậu dọc theo chiếc cầu, giăng biểu ngữ phản đối mức lộ phí quá cao.
Cần nhắc lại cầu Bến Thủy, nối liền hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, do một công ty tư nhân xây dựng và được quyền thu lộ phí để lấy lại vốn bỏ ra. Tuy nhiên lộ phí quá cao khiến người dân sống quanh chiếc cầu này không thể chi trả nổi. Các cuộc bao vây phong tỏa trạm thu phí đã diễn ra suốt mấy tháng qua, nhưng không được giải quyết. Vào tuần trước, giới chủ xe đã áp dụng hình thức trả tiền lẻ, loại 200 và 500 đồng, khiến các nhân viên phải tốn nhiều thì giờ để đếm tiền và xe cộ phải xếp hàng dài trên cầu.
Chiến thuật phản đối này lại được áp dụng vào hôm qua, khiến nhà cầm quyền hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh phải điều động rất nhiều công an và cảnh sát giao thông đến giải quyết tình trạng kẹt xe.
BỘ CÔNG AN VN MUỐN TỊCH THU MỘT BIỆT THỰ CỦA TRỊNH XUÂN THANH
Một tháng sau khi tuyên án khiếm diện ông Trịnh Xuân Thanh, người đã đào tẩu ra ngoại quốc, bộ công an VN vừa đề nghị nhà cầm quyền tỉnh Vĩnh Phúc tịch thu một biệt thự của ông Thanh ở núi Tam Đảo.
Theo thông cáo của bộ công an thì cuộc điều tra đã đi kết luận là ông Trịnh Xuân Thanh đã “cố ý làm trái pháp luật, gây thất thoát nghiêm trọng cho tài sản nhà nước” khi nắm giữ ghế chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Xây lắp Dầu khí. Căn biệt thự nói trên hiện do ông Trịnh Xuân Giới, cha ruột của ông Trịnh Xuân Thanh, đứng tên. Trong thư gửi cho nhà cầm quyền tỉnh Vĩnh Phúc, bộ công an VN đề nghị không cho phép mua bán căn biệt thự có trị giá hơn 1 triệu Mỹ kim.
MỘT PHỤ NỮ GỐC VIỆT ĐƯỢC ĐỀ CỬ LÀM ĐẠI SỨ PHÁP TẠI CAMPUCHIA
Nếu được nhà cầm quyền Campuchia phê chuẩn, một phụ nữ gốc Việt sẽ trở thành tân đại sứ Pháp tại Campuchia.
Người phụ nữ này là bà Eva Nguyễn Bình, phu nhân của Đại sứ Pháp tại VN, ông Jean-Noel Poirier. Thân phụ của bà Eva là một người Việt du học tại Pháp vào thế kỷ trước. Vào hôm thứ Tư, Tổng thống Francoise Hollande đã bổ nhiệm bà Eva vào ghế đại sứ Pháp tại Campuchia.
Tuy nhiên bà Eva cần phải được quốc hội Campuchia chấp thuận trong khi làn sóng bài Việt đang dâng cao ở xứ này, đến từ các cáo buộc của phe đối lập là Thủ tướng Hun Sen đã dâng hiến một số vùng đất cho VN ở biên giới hai nước.
QUÂN ĐỘI PHI ĐƯỢC LỆNH TRÚ ĐÓNG TRÊN CÁC HÒN ĐẢO ĐANG TRANH CHẤP
Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, vào hôm qua ra lệnh cho quân đội cử binh sĩ đến trú đóng trên các hòn đảo đang tranh chấp ở Biển Đông, kể cả những hòn đảo không có ai trú ngụ.
Ông Duterte tuyên bố là đã đến lúc nước Phi phải xây dựng các căn cứ quân sự và cắm cờ nước trên các đảo thuộc chủ quyền của Phi để tránh bị kẻ khác nhòm ngó. Ông cho biết là có khoảng 9 hay 10 hòn đảo ở quần đảo Trường Sa là thuộc chủ quyền của Phi Luật Tân. Ông Duterte nói thêm là ông có ý định viếng thăm đảo Thị Tứ vào tháng 6 để cắm cờ trên đảo nhân dịp lễ quốc khánh của Phi.
QUỐC VƯƠNG THÁI LAN CHẤP THUẬN BẢN HIẾN PHÁP MỚI
Tân vương Thái Lan, Maha Vajiralongkorn, vào hôm qua đã ký thông qua hiến pháp mói, với những điều khoản gia tăng quyền hạn của triều đình và tập đoàn quân phiệt đang cầm quyền tại Thái Lan.
Đây là bản hiến pháp thứ 20 của Thái Lan, kể từ khi đất nước này chuyển sang thể chế quân chủ lập hiến vào năm 1932. Bản hiến pháp này có thêm những điều khoản mà Tân vương Thái Lan yêu cầu bổ sung nhằm tăng thêm quyền hạn cho mình, chẳng hạn như có quyền du hành ở hải ngoại mà không cần đề cử ai nhiếp chính trong thời gian vắng mặt.
Tuy nhiên quyền hạn lớn nhất vẫn thuộc về phe quân đội, hiện đang cầm quyền sau khi làm cuộc đảo chánh lật đổ chính phủ dân sự của bà Yinluck Shinawatra vào 3 năm trước. Theo loan báo của tập đoàn quân phiệt này thì cuộc tổng tuyển cử quốc hội sẽ diễn ra vào năm tới, thay vì năm nay như lời hứa vào năm ngoái.
No comments:
Post a Comment