Cuộc biểu tình có tính chất đồng loạt ở Hà Tĩnh vào các ngày 2 và 3 tháng 4 năm 2017 mà đỉnh điểm là người dân của hai xã Thạch Bằng và Thạch Kim bao vây trụ sở huyện Lộc Hà yêu cầu nhà cầm quyền giải trình về vụ công an bắn người đêm trước đó. Một công an chìm cố tình lẫn vào đoàn người biểu tình để ném đá, xách động và bị người dân bao vây, bắt giữ. Kết quả là các quan chức tỉnh Hà Tĩnh phải đứng ra cam kết với đoàn biểu tình nhiều vấn đề và hứa sẽ thương thảo với người dân vào sáng ngày 4 tháng 4 năm 2017.
Mọi thứ vẫn còn mơ hồ
Một người dân xã Thạch Kim, tên Hưng, chia xẻ: “Bên phía cầm quyền hứa là 15 tháng 4 sẽ giải quyết nhưng đó là lời hứa, nói vậy thôi chứ không biết họ sẽ làm thế nào. Đó chẳng qua là họ nói vậy để giải quyết tạm thời thôi chứ nếu họ có lòng thật thì đã giải quyết mấy tháng này rồi, làm sao để đến nỗi nhân dân phải này nọ. Đó chỉ là nói vậy để giải quyết tạm thời thôi.”
Theo ông Hưng, vấn đề thương thảo vẫn chưa đưa đến kết quả nào rõ ràng. Bởi mọi lời hứa chỉ đóng vai trò làm xoa dịu bầu không khí bất bình đang nóng lên trong nhân dân và cuộc thương thảo này có vẻ như mang tính chiến thuật nhiều hơn là sự thực lòng, thông cảm của nhà nước với nỗi khốn khổ của nhân dân.
Bởi khi mà mọi thứ đều được ghi vào biên bản cùng với lời hứa “chúng tôi sẽ xem xét cụ thể, chi tiết và có quyết định” thì ai cũng nói được. Luận điệu này vốn dĩ rất quen thuộc với giới quan chức Việt Nam hiện tại. Mục đích của họ là để ngư dân trông đợi vào một lời hứa mơ hồ mà khỏi tiếp tục biểu tình, tránh đụng chạm với nhân dân.
Trong khi đó, mọi thứ bất công đã lộ rõ, sự gian lận của nhà cầm quyền trong vấn đề giải quyết họa nhiễm độc, điều tra và đền bù cũng đã lộ rõ. Nhân dân đã quá mệt mỏi với nhà cầm quyền và ước nguyện giản dị là có một môi trường sạch để làm ăn, sinh sống ngày càng rời xa họ. Chính vì vậy, nhân dân có thể nổi dậy bất kì giờ nào. Và cái lỗi ở đây nằm ở chỗ chính quyền vừa lơ là thiếu trách nhiệm, vừa bất hợp tác với nhân dân của họ.
Ông Hưng nói rằng giả sử như nhà cầm quyền sử dụng chiến thuật kéo dài thời gian, bắt nguội, bắt nóng và hù dọa hoặc làm thật để biến các cuộc biểu tình tại Việt Nam thành những Thiên An Môn Việt Nam thì e rằng câu chuyện sẽ rất xấu. Bởi lẽ, một khi sinh kế đã mất và hơn nữa, mọi thứ quyền lợi bị mất trắng, người đứng đầu gia đình, tộc họ, giáo xứ đã lên tiếng thì câu chuyện hoàn toàn khác. Và mỗi địa phương gồm cả nhà cửa, số phận của người dân gắn nhiều đời, nhiều dòng ở đó chứ không phải là cái quảng trường đề người ta muốn làm gì thì làm.
Nhưng ông Hưng cũng bày tỏ ước nguyện nhà cầm quyền thực hiện đúng lời hứa của họ, trục xuất Formosa ra khỏi Việt Nam để bảo vệ biển, bảo vệ nhân dân của mình.
Bao giờ cho hết tiếng kêu?
Điều này cũng trùng với ý kiến của một người phụ nữ tên Hồng ở Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, chị chia xẻ: “Họ đền bù giống như đợt một được một số người, đợt hai thì chưa có gì, tiền gì cũng không có. Như buôn bán thì cả dãy biển vắng khách, có ai đâu, bể nợ rồi. Chờ đền bù, chờ đọa luôn mà có gì đâu, đang căng thẳng lắm. Chứ biển chết gần năm nay rồi, buôn bán khó khăn lắm, khách không có, người ta vay mượn tùm lum nhưng giờ thì có gì đâu.”
Chị Hồng cho biết, hiện tại, nếu như nói về chuyện đền bù và nhận đền bù do Formosa gây ra thì người bị thiệt hại chỉ nhận được chừng 30% trên tổng số người thiệt hại. Nghĩa là 10 người thiệt hại thì có ba người được nhận đền bù. Và ba người nhận đền bù đó cũng chỉ nhận mang tính tượng trưng chứ chẳng giải quyết được bất kỳ việc gì.
Điều chị Hồng nói hoàn toàn chính xác bởi qua thời gian đi thu thập tin tức, làm phóng sự về biển ở khắp các tỉnh Bắc miền Trung, hầu như đi đâu cũng nghe ngư dân nói đúng một chuyện, đó là: ‘Đền bù kiểu nhỏ giọt như vậy thì mua gạo cũng không thấm vào đâu chứ đừng nói đến chuyện chuyển đổi nghề nghiệp. Mà chuyển đổi thì chuyển đổi như thế nào?’. Cái câu hỏi chuyển đổi nghề nghiệp như thế nào của các ngư dân vốn quen bám biển, sống chết với biển và đùng một cái đi tìm việc khác làm, phải bỏ biển là làm thế nào. Trong khi đó tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm đang tràn lan trên cả nước cứ như một nan đề xã hội.
Và chị Hồng cũng tỏ ra lo lắng bởi trong cuộc họp dân vừa qua, vấn đề phía nhà cầm quyền nêu ra hoàn toàn có tính chất lấp liếm chứ thiếu tính thực tiễn. Bởi lẽ họ chỉ để một số người đại diện đứng lên hỏi. Và cậu hỏi cũng chỉ xoay quanh các thiệt hại của một vài cá nhân như là thí dụ điển hình chứ không hề hứa hẹn về một chính sách đền bù có tính đồng nhất cho nhiều gia đình bị thiệt hại.
Và chị Hồng cũng tỏ ra tức giận khi giới chức cấp xã xử sự không sòng phẳng với gia đình chị và nhiều gia đình khác. Hầu hết các gia đình bị thiệt hại muốn được nhận đền bù thì phải xuống giọng, thiếu điều năn nỉ ỉ ôi cán bộ xã trong quá trình xác nhận thiệt hại để được đền bù. Và có vẻ như khi cầm gói tiền đền bù, cán bộ tự thấy họ là những người ban ân, người dân thiệt hại là những kẻ ăn xin của họ. Chính vì kiểu ban ơn như vậy nên hầu hết các gói đền bù đều bị tùng xẻo một cách tự tiện và người dân bị thiệt như chị Hồng càng thêm bất bình.
Như để kết thúc câu chuyện, chị Hồng nói rằng bao giờ Formosa đi khỏi Việt Nam và biển Việt Nam được hồi sinh, ngư dân được đền bù thỏa đáng thì tiếng kêu than từ các làng chài mới thôi rền rĩ, thảm thiết và cuồng nộ!
Một nhóm Phóng viên VN
No comments:
Post a Comment