Thứ Hai, 20.06.2016
Biến cố môi sinh xày ra trầm trọng và vẫn tiếp diễn tại VN đe dọa lớn lao đến đời sống sinh mạng của toàn dân Việt mà lại bị những kẻ có chức quyền đao to búa lớn cũ mới đem ra làm trò đùa. Họ có nghĩ đến an nguy của chính họ và gia đình thân thuộc của họ hay không vì chất độc trong nước không thể lựa chọn cá sống chung trong một môi trường.Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: "Tiến sĩ đây chứ đâu!" của Phạm Thanh Nghiên sẽ được chính tác giả trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
Ngay khi xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt và thảm họa môi trường,
nhiều người dân đã đặt câu hỏi: Cá chết, hơn 24 ngàn tiến sĩ ở đâu? Câu
hỏi (rất chính đáng) này còn xuất hiện trên những băng rôn, khẩu hiệu
của những người biểu tình hiền lành. Song, dù hiền lành (và chính đáng)
như thế nhưng chuyện bị ăn đòn hoặc ngay tại "hiện trường" biểu tình,
hoặc sau khi bị bắt về đồn công an hay nhà tù trá hình mang tên "Trung
tâm bảo trợ xã hội", vẫn là chuyện đương nhiên.
Thôi, chuyện biểu tình tạm thời không nhắc ở đây nữa.
Trở lại với câu chuyện "lùm xùm" của các quan to và những ông bà mang hàm tiến sĩ quanh vụ hơn 30 tấn cá nhiễm độc.
Đến hôm nay, cuộc tranh cãi giữa các "cơ quan chức năng" về "chuẩn
Phenol" vẫn chưa ngã ngũ. Giữa cơn giằng co "độc- không độc; được
phép-không được phép sử dụng" thì người dân chỉ còn biết thở dài tiếc
đồng tiền đóng thuế và suy tính làm sao để mình và gia đình mình không
trở thành những người gặp phải "tai nạn ăn uống".
Vậy chất Phenol là gì?
Xin trích nguyên văn định nghĩa về chất Phenol trên trang Khoahoc.TV:
"Phenol là một loại hóa chất độc hại, cấm dùng trong thực phẩm. Đây là
chất rắn, tinh thể không màu, có mùi đặc trưng, nóng chảy ở 43°C, rất
độc, gây bỏng nặng khi rơi vào da".
Cuộc họp (lại họp) ngày 14/06/2016 giữa các "cơ quan chức năng" do
UBND tỉnh Quảng Trị chủ trì, vẫn là cuộc tranh cãi xem phenol có phải là
chất độc bị cấm trong thực phẩm theo quy chuẩn Việt Nam hay không. Và
mọi sự vẫn kết thúc bằng việc... tranh cãi. Điều này khiến người ta liên
tưởng tới cuộc họp báo của Chính phủ hôm 2/6/2016. Đây là cuộc họp báo
được người dân chờ đợi để được nghe công bố về nguyên nhân cá chết hàng
loạt ở miền Trung. Cuộc họp kết thúc, ông Bộ trưởng Thông tin và Truyền
thông Trương Minh Tuấn (một trong 3 đại diện chủ trì) tuyên bố dõng dạc
và xanh rờn "đã xác định nguyên nhân cá chết nhưng chưa thể công bố".
Đại bộ phận dân chúng rơi vào trạng thái thất vọng, cảm giác như bị lừa
và chỉ còn biết chửi thề vài câu trong sự bất lực. Có người ví von, đang
đói đưa tiền nhờ một đứa mua giúp cái bánh. Mua xong "nó" rất tử tế bóc
sẵn rồi đòi đút cho mình, nhưng khi vừa há miệng ra thì "nó" cho tọt
miếng bánh vào miệng "nó" rồi nuốt ực một cái.
Thôi, chuyện chính phủ cũng chả muốn bàn ở đây.
Trở lại chuyện hơn 30 tấn cá nhiễm độc và cuộc tranh cãi chưa phân
định thắng thua giữa các ông to bà lớn. Công luận lại thoáng chút giật
mình chứng kiến phát ngôn của một cựu quan chức. Vậy là thêm phần đa
dạng, phong phú khi bổ sung trong thành phần lãnh đạo có cả cũ lẫn mới,
thể hiện rõ nét hai chữ "vì dân", thế còn đòi hỏi gì nữa.
Người mới vào cuộc là bà Nguyễn Thị Hồng Minh, cựu Thứ trưởng Bộ Thủy
sản (nay đã sáp nhập vào Bộ NN&PTNT). Lưu ý, bà là tiến sĩ, trí
thức hẳn hoi. Bà tiến sĩ khẳng định: "với hàm lượng 0,037 mg/kg Phenol
có trong cá nục, thì một người dân bình thường phải ăn tới khoảng 1,5
tấn cá này trong 1 ngày mới bị ảnh hưởng."
Bà cựu quan chức còn tỏ ra khá coi thường mấy ông đương kim quan chức
bằng cách "đưa ra khuyến cáo là người tiêu dùng, dư luận xã hội không
nên quá hoang mang, lo lắng trước thông tin cá nục chứa chất Phenol mà
cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị công bố mới đây"- tường thuật từ trang
Dân Trí.
Bà tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, cựu Thứ trưởng Bộ Thủy sản.(Hình: Nguyễn Dương).
Đấy, một khi mà Tiến sĩ đã phán, thì dân cứ yên tâm mà ăn cá mỗi
ngày. Ăn thoải mái, ăn thả phanh nhé. Sống ở xứ thiên đường xã hội chủ
nghĩa, sung sướng thế đâu dễ chết. Ngay cả khi một người ăn 1 tấn rưỡi
cá nhiễm Phenol mỗi ngày cũng chỉ bị ảnh hưởng, chứ nói chi chuyện chết.
Và một khi bà Tiến sĩ này và hơn 24 ngàn tiến sĩ khác chưa lên tiếng
về thảm họa môi trường, về hiện tượng cá chết hàng loạt ở Miền Trung,
thì dân ta cũng cứ bình tĩnh, không nên hoang mang lo lắng làm gì, cho
mệt.
Đấy, như thế là đã rõ rồi nhá. Cá chết, tiến sĩ ở đây chứ đâu.
Phạm Thanh Nghiên
No comments:
Post a Comment