Thứ Bảy 11.06.2016
Kính thưa quý thính giả, Sử sách ghi lại hơn một ngàn năm trước, nước Việt không thiếu các tướng có thừa dũng lực phá thành, chém tướng. Đặc biệt nhất có một vị tướng quân dù đã 79 tuổi, vẫn xin vua cho ra chiến trường đánh đuổi quân Bắc Tống. Trong tiết mục Danh nhân nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Danh tướng Phạm Bạch Hổ" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.
"Bá chủ hùng đồ, thập nhị sơn hà dư cổ luỹ,
Thần cao linh khí, bán phân tinh vũ thử tiền giang."
Đó là hai câu đối ca ngợi danh tướng Phạm Bạch Hổ trong đền Đằng Châu.
Tạm dịch là:
Anh hùng, làm chủ trong mười hai vùng sông núi,
Phạm Bạch Hổ sinh ngày 10 tháng Giêng năm Canh Ngọ (910), tại Đằng
Châu, xã Ngọc Đường, nay thuộc thôn Đằng Châu, phường Lam Sơn, thành phố
Hưng Yên. Ông nội là Phạm Chí Dũng vốn là Hồng châu tướng quân. Anh
trai Phạm Man là Tham chính Đô đốc đời Nam Tấn vương Ngô Xương Văn. Các
cháu Phạm Hạp và Phạm Cự Lạng đều là các tướng giỏi thời nhà Đinh, được
người đời sau ca tụng là "Giao Châu thất hùng".
Từ nhỏ Phạm Bạch Hổ đã nổi tiếng thông minh, học giỏi, có sức khoẻ
hơn người, tính tình cương trực thẳng thắn. Lớn lên, ông làm Hào trưởng
đất Đằng Châu, theo giúp Dương Đình Nghệ.
Năm 931, ông giúp chủ tướng đánh đuổi Lý Tiến, thứ sử Giao Châu, và
sau đó đánh bại đạo quân của tướng Trần Bảo, được nhà Nam Hán cử sang
cứu viện. Khi Dương Đình Nghệ xưng Tiết độ sứ, ông được phong tướng.
Năm 937, Phạm Bạch Hổ đem 1.000 quân đến hợp binh với Ngô Quyền tại
thành Gia Viễn, ông được Ngô Quyền tin yêu, giao nắm binh quyền. Chính
ông có công lớn trong việc bảo vệ vương triều nhà Ngô.
Khi Kiều Công Tiễn phản bội, giết Dương Đình Nghệ là cha vợ của Ngô
Quyền, Phạm Bạch Hổ điều 5000 quân đến thành Đại La, tấn công tiêu diệt
Kiều Công Tiễn.
Phạm Bạch Hổ đã phò tá chủ tướng Ngô Quyền trong chiến thắng năm Mậu
Tuất (938), đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, mở ra thời kỳ độc
lập tự chủ cho dân tộc sau gần 1000 năm Bắc thuộc.
Năm 944, khi Ngô Vương mất, Dương Tam Kha (em vợ Ngô Quyền) cướp
ngôi, Phạm Bạch Hổ đã giúp Ngô Xương Văn (con trai của Ngô Quyền) đoạt
lại ngôi vị, lấy đế hiệu là Hậu Ngô Vương.
Khi triều Ngô suy tàn, ông đón Ngô Xương Văn về quê hương của mình ở đất Đằng Châu.
Năm 965, khi Hậu Ngô Vương mất, các hào kiệt nổi lên khắp nơi, Phạm
Bạch Hổ là một trong 12 sứ quân, cai quản Đằng Châu, trấn giữ vùng cửa
biển sông Hồng, một vùng đất rộng lớn và là cửa ngõ quan trọng của thành
Đại La. Khi Đinh Bộ Lĩnh được sứ quân Trần Lãm giao toàn bộ binh quyền,
liền mang quân dọn dẹp "12 sứ quân", Phạm Bạch Hổ đưa quân về Hoa Lư
gia nhập Đinh Bộ Lĩnh, và được phong làm Thân vệ Đại tướng quân vào đầu
năm 966.
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong "12 sứ quân", lên ngôi ở kinh đô Hoa
Lư, xưng là Đinh Tiên Hoàng. Khi vua Đinh bị hại, thiếu đế nhà Đinh còn
nhỏ tuổi, nhà Tống lại lăm le xâm lược, tướng sĩ đã tôn Thập đạo tướng
quân Lê Hoàn lên ngôi hoàng đế, tức vua Lê Đại Hành. Thân vệ đại tướng
quân Phạm Bạch Hổ lúc bấy giờ tuy tuổi đã cao, nhưng vẫn tâu với vua xin
được ra chiến trường.
Vua Lê Đại Hành can ngăn, nhưng Phạm Bạch Hổ khẳng khái tuyên bố:
"Thần lúc tráng niên theo tiền Ngô Vương đánh giặc Nam Hán có chút công
lao, nay tuy tuổi cao, nhưng mỗi bữa còn ăn hết vài đấu gạo, rong ruổi
trên lưng ngựa cả ngày không mệt, gân cốt còn mạnh thì sợ gì quân Bắc
Tống". Vua khen ông có dũng khí, phong làm Bình Tống đô liệu lương quan,
mang quân ra vùng Thiên Bản lo việc quân lương.
Ngày 16 tháng 11 năm Nhâm Thân (972), Phạm Bạch Hổ mất tại quê nhà, thọ 62 tuổi.
Các triều đại về sau đều phong ông là "Khai thiên hộ quốc tối linh
thần" và lập đền thờ phượng ở nhiều nơi, lớn nhất là đền Mây thuộc thôn
Đằng Châu, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên. Ngôi đền Mây nổi tiếng
với câu ca: "Trăm cảnh nghìn cảnh, không bằng bến Lảnh, đò Mây". Đền này
được xây dựng vào thời Đinh - Tiền Lê và được trùng tu vào thời nhà
Nguyễn. Ngôi đền có nhiều giá trị văn hóa còn lưu giữ đến ngày nay với
27 pho tượng cổ thời Hậu Lê thờ bên trong.
* * *
Có thể nói, Phạm Bạch Hổ là một thí dụ điển hình để đả phá quan niệm
"tôi trung không thờ hai chúa", vốn được dùng để vinh danh những trung
thần. Phạm Bạch Hổ không chỉ thờ "hai chúa", mà là tận tụy phò tá liên
tiếp 3 vị minh quân sáng lập ba triều đại là Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh và
Lê Hoàn. Ông đã góp sức mình vào cuộc chiến giành lại nền tự chủ cho dân
tộc của đức Ngô Vương, về đầu quân cho vua Đinh để chấm dứt cuộc nội
loạn 12 sứ quân, và dù đã lớn tuổi ông vẫn cống hiến hết sức mình trong
cuộc chiến đấu chống quân Tống xâm lược của vua Lê Đại Hành.
Chắc chắn Phạm Bạch Hổ phải là một người yêu nước thương dân cao độ,
mới được cả ba vị vua tín cẩn, và chắc chắn rất được dân chúng yêu mến
mà ngôi đền Mây thờ ông là một bằng chứng rõ rệt nhất.
Bằng chứng rõ rệt hơn nữa, mặc dù cũng là một trong 12 sứ quân, nhưng
ông sẵn sàng đứng dưới cờ sứ quân Đinh Bộ Lĩnh trẻ tuổi hơn mình, chỉ
với mục đích duy nhất là chấm dứt sự hỗn loạn của đất nước Đại Việt,
mang lại sự thanh bình cho toàn dân. Chỉ bằng điểm này, tướng quân Phạm
Bạch Hổ rất xứng đáng để được hậu thế ca tụng.
Hơn một ngàn năm trước, xã hội VN rất rối ren nhưng may mắn xuất hiện
hàng loạt minh quân và hào kiệt như Ngô Quyền và Phạm Bạch Hổ với tâm
nguyện "cứu quốc an dân". Thế nhưng trong bối cảnh xã hội VN hiện nay
đang rối ren còn hơn thời loạn 12 sứ quân, chỉ thấy một đám xôi thịt
đang dâng hiến "rừng vàng biển bạc" cho giặc Hán, để đổi lấy vinh hoa
phú quý, bất chấp dân tộc Việt Nam đang chết dần mòn vì các thảm họa môi
trường. Không hiểu là có bao nhiêu người dân, đặc biệt là trong số 4
triệu đảng viên cộng sản, còn nhớ được câu thành ngữ "quốc phá gia vong"
của tiền nhân?
Việt Thái
No comments:
Post a Comment