Thứ Ba, 07.06.2016
Thưa quý thính giả, Biển VN là kho thực phẩm hải sản để nuôi dân Việt, đây cũng là nơi để VN giao thương với quốc tế nhưng biển VN cũng chính là nơi xảy ra biết bao thảm trạng não lòng, là mối hận ngàn đời cho thân phận VN. Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình hôm nay, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: "Biển- và phận người Việt Nam" của Phạm Thanh Nghiên sẽ được chính tác giả trình bày để tiếp nối chương trình phát thanh tối nay.
Cuộc đời có những phút quá lạ. Những phút lạ ấy thường hay hiện diện
trong tâm trí khi ngồi nghĩ đến hôm nay, hôm mai. Hôm nay, hôm mai và cả
hôm qua nữa, chung quy vẫn cứ là nỗi buồn thế sự.
Tôi nghĩ đến Biển. Xin được viết hoa chữ ấy để tỏ tình yêu thương, để
nâng niu nỗi kinh hoàng, để xoa dịu niềm tuyệt vọng và nuôi dưỡng chút
hy vọng dù mỏng manh, với Biển.
Có người yêu Biển lắm. Làm thơ về Biển. Nhưng sau biến cố năm 1975,
thì những trang thơ ấy bị xé tan tành. Những vần thơ vỡ vụn, tình yêu
dành cho Biển cũng vỡ vụn.
Năm 1975, có quá nhiều đau thương và uất hận. Nhắc đến Biển, là nhắc
đến nỗi kinh hoàng và những ký ức không bao giờ muốn lưu giữ. Biển đã
chia cắt những cha mẹ, con cái, những vợ chồng, anh em và bạn hữu.
Chính chúng ta cũng không thể biết có bao nhiêu người đồng bào của
mình đã phải bỏ mạng trên Biển trong hành trình tìm đến Tự do.
Hơn 40 năm trôi qua, có bao nhiêu người Việt Nam biết đến trận Hải
chiến Hoàng Sa 1974? Biết đến sự hy sinh anh hùng của 74 chiến sĩ Việt
Nam Cộng Hòa?
Bao nhiêu trong số hơn 90 triệu người Việt biết đến trận Gạc Ma năm
1988? Người ta gọi đó là cuộc thảm sát 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam.
Một trận "đánh" không được bắn trả vào kẻ thù. Gạc Ma (Trường Sa) về tay
Trung cộng từ đó.
Xa hơn nữa ở quá khứ, mấy ai biết đến công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng dâng nhượng biển đảo cho Trung cộng?
Sự kiện 1958 và nhất là từ sau biến cố năm 1975, định mệnh của người
Việt đã mang tên là Biển. Định mệnh ấy không chấm dứt, nó kéo lê hàng
chục năm và hiện diện đến bây giờ.
Nó hiện diện trong mỗi bán án tù của những con người khẳng định chủ
quyền trên Biển và hô vang "Trường Sa-Hoàng Sa là của Việt Nam".
Và hôm nay, định mệnh mang tên gọi là Biển, lại đang réo rắt, cồn cào trong mỗi người dân Việt.
Biển, trong vành khăn tang đội trên đầu những ngư dân khốn khổ, trong
những chiếc tàu buồn tủi nằm dài trên triền cát. Biển, là trắng tràn
những con cá chết phơi xác dọc những bãi bờ.
Người dân Nghệ An đeo khăn tang biểu tình ôn hòa trên bãi biển.
Photo: Paul Trần Minh Nhật
Là câu hỏi "Vì sao cá chết?" của người dân dành cho kẻ cầm quyền để
đối lấy sự im lặng ghê người. Là mong muốn chính đáng và rõ ràng "Hãy
cứu lấy Biển", "Cá cần nước sạch- Nước cần minh bạch" để nhận lấy những
đòn thù.
Biển bây giờ không còn những xác người lênh đênh bỏ xứ đi tìm Tự do.
Nhưng nỗi đau hôm nào vẫn thật, vẫn tươi rói như vừa mới đây thôi. Hôm
nay, giữa đường phố Sài Gòn và Hà Nội, hàng ngàn người lại xuống đường
vì Biển. Trong số hàng ngàn con người ấy, có hàng trăm người bị kéo lê
đến các đồn công an, mang theo vị mặn mòi của biển. Máu, nước mắt, những
vết thương trên da thịt cũng mang tên gọi là Biển. Cả những tia giận
dữ, những trận đòn thù của những tên công an mật vụ trút lên thân thể
của người yêu nước, cũng cùng một tên gọi như thế.
Ngày mai, ngày mai nữa, sẽ vẫn có những tiếng khóc than cho số phận Biển khơi, cho phận người bé nhỏ mang tên Việt.
Dù thế, hãy cứ Hy Vọng. Xin viết hoa hai chữ Hy Vọng để đủ sức đi đến
tương lai. Tương lai với tiếng cười hân hoan của phận người trước cuộc
hồi sinh của Biển cả.
Ngày mai....ngày mai...
No comments:
Post a Comment