Chủ Nhật, 12.06.2016
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Dian.
Thưa quí vị đảng viên cộng sản lâu năm và các bạn công an, bộ đội thân mến,
Sau chuyến thăm của Tổng thống Mĩ Obama tới Việt Nam đã có một cuộc
tranh luận sôi nổi và gay gắt về ông Bob Kerry, người nắm giữ chức Chủ
tịch Hội đồng Tín thác của trường Đại học Fulbright mới khai trương tại
Sài Gòn. Đây là một trường đại học phi lợi nhuận, cơ bản được tài trợ từ
Nhà nước Mĩ.
Vấn đề gây ra cuộc tranh luận gay gắt là quá khứ chiến trận tại Việt
Nam của ông Bob Kerry vào năm 1969. Khi đó ông Bob Kerry là một sĩ quan
của lực lượng biệt kích Mĩ trợ giúp Việt Nam Cộng Hòa, đã chỉ huy tấn
công quân cộng sản tại Thạnh Phong-Bến Tre, gây ra cái chết của khoảng
20 dân thường, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Sự vụ đã bị chính báo
chí Mĩ điều tra, lên án và bản thân ông Bob Kerry đã lên tiếng thừa
nhận đó là sai lầm, là tội ác của bản thân ông. Ông Bob Kerry đã công
khai xin lỗi những nạn nhân chiến tranh do hành động của ông và mong
muốn sẽ làm mọi khả năng để bù đắp cho hành động 'tội ác' đó của bản
thân ông.
Vì quá khứ đau thương đó, dư luận Việt Nam đang chia làm hai phe: Một
phe chống và phe kia ủng hộ ông Bob Kerry làm Chủ tịch đại học
Fulbright.
Phe chống cho rằng một người có quá khứ đẫm máu như Bob Kerry không
xứng đáng để giữ chức Chủ tịch một trường đại học. Phe chống còn khơi
lại những 'tội ác' của Mĩ đối với nhân dân Việt Nam trong thời gian
chiến tranh. Trong số những người chống có cả những trí thức Tây học,
những nhà văn, luật sư đang sống tại Việt Nam. Điển hình cho phe chống
là bà Tôn Nữ Thị Ninh từng giữ chức Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của
cái gọi là 'quốc hội Việt Nam' và là cựu Đại sứ của chính quyền cộng sản
Việt Nam tại Liên minh châu Âu. Bà Ninh sinh trưởng tại Việt Nam Cộng
Hòa từng du học tại Anh, Pháp và ủng hộ chính thể miền Bắc cộng sản từ
trước năm 1975.
Phe ủng hộ dựa vào lí do không thể chỉ dựa vào quá khứ để đánh giá
con người hiện tại, vì ông Bob Kerry là người đã tích cực đóng góp vào
quan hệ hữu nghị Mĩ-Việt từ sau 1975. Ngoài ra, bản thân ông Bob Kerry
là người đã dũng cảm dám thừa nhận những điều ông cho là sai lầm, là tội
ác của bản thân trong chiến tranh. Trong số những người ủng hộ Bob
Kerry có rất nhiều người đã từng thuộc phía miền Bắc cộng sản trước 75,
nhiều người từng cầm súng đánh chiếm miền Nam Việt Nam Cộng Hòa. Điển
hình cho những người này là Nhà văn Nguyên Ngọc, một người từng giữ
nhiều chức vụ quan trọng về văn nghệ của chính quyền cộng sản Việt Nam.
Nguyên Ngọc từng là một chiến binh Việt Cộng theo sự chỉ đạo của miền
Bắc nằm vùng nhiều năm tại Việt Nam Cộng Hòa để chiến đấu, sáng tác văn
chương chống lại Việt Nam Cộng Hòa.
Thưa quí vị, quí bạn, chỉ sơ lược như thế chúng ta có thể thấy hệ lụy
của cuộc chiến 54-75 còn rất nặng và phức tạp đối với xã hội Việt Nam.
Tuy nhiên, qua đây chúng ta cũng thấy một tiến bộ rõ rệt về nhận thức
của xã hội: có nhiều người đã nhận ra sự thật và dũng cảm bày tỏ công
khai chính kiến ngược lại những gì chính quyền cộng sản vẫn đang tuyên
truyền.
Để đáp lại những người cho rằng lính Mĩ trong chiến tranh đã thảm sát
nhiều dân thường, trong đó có cả đàn bà, con trẻ, Nhà văn Nguyên Ngọc
lần đầu tiên đã công khai thừa nhận thế này:
"Còn riêng với chúng tôi thì sao, chúng tôi, những người từng là lính
Việt Cộng thời thảm khốc ấy, khi chúng tôi vẫn từng 'nấp' trong nhân
dân vô tội, để họ có thể cùng chết với chúng tôi? Kể cả, ngày ấy, như
chính tôi từng được trải nghiệm, có bao bà mẹ, và cả các em bé nữa, sẵn
sàng chết để che chở cho chúng tôi? Hóa ra tự chúng tôi cũng còn một câu
hỏi..."
Thưa quí vị, quí bạn, đây có thể coi là lời tự thú muộn màng rất đáng
hoan nghênh. Lời tự thú này là một khẳng định gián tiếp cho thấy nguyên
nhân sâu xa của những vụ "thảm sát" ở "Mỹ Lai" hay "Thạnh Phong, Bến
Tre" năm xưa là nằm ở chính sách thâm độc và tàn nhẫn của chính quyền
cộng sản miền Bắc. Họ lấy dân thường miền Nam làm bia đỡ đạn, làm lá
chắn sống cho họ rồi đổ hết tội lỗi cho "Mĩ , Ngụy".
Chính sách thâm độc đó đã từ lâu không còn là bí mật đối với giới
nghiên cứu lịch sử, chính trị thế giới và hoàn toàn không xa lạ đối với
những người cầm súng cho phía Bắc như Nhà văn Nguyên Ngọc. Nhưng có lẽ
những thông tin đó chưa đến được với công chúng Việt Nam nên nhiều người
vẫn chưa nhận ra được tội ác sâu xa của chế độ Hồ Chí Minh. Ở đây chúng
ta không nói tới những nhân vật đã biết đủ thông tin nhưng cố tình bóp
méo sự thật để vinh thân phì gia như bà Tôn Nữ Thị Ninh.
Cuộc tranh luận Bob Kerry còn cho thấy có những người đã ủng hộ Bob
Kerry nhưng vẫn còn nhầm lẫn coi cuộc chiến 54-75 là cuộc chiến tranh
Việt-Mĩ. Điển hình là ông Lương Hoài Nam, một trí thức có học vị cao,
từng làm lãnh đạo Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Ông Nam đã lên tiếng
phản đối sự hận thù đang nhằm vào ông Bob Kerry nhưng lại coi cuộc
chiến tranh 54-75 là "cuộc chiến tranh với Mĩ".
Nhận định sai lầm này có thể xuất phát từ nhiều lí do khác nhau.
Nhưng sai lầm này sẽ gây ra những trở ngại không nhỏ cho sự phát triển
của Việt Nam. Đó sẽ là chủ đề chính trong chuyên mục tuần tới của chúng
ta.
Dian và Tiến Văn kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong chương trình tuần tới.
Tiến Văn
12/6/2016
No comments:
Post a Comment