Sunday, November 19, 2023

Việt Nam Tuần Qua: 19.11.2023

Việt Nam Tuần Qua

Kính thưa quí thính giả, sau đây phóng viên Vân Hà và Miên Dương sẽ điểm lại những sự kiện nổi bật tại Việt Nam trong tuần qua

Vân Hà:Thưa anh Miên Dương, qua vụ việc TNLT Trương Văn Dũng bị chuyển trại, anh có thể cho biết thêm về diễn biến này không, thưa anh?

Miên Dương:Thưa chị và quí thính giả, ông Trương Văn Dũng, 65 tuổi, nổi tiếng với biệt danh “Trương Tráng sĩ”, là một trong những nhà hoạt động quả cảm sinh sống tại Hà Nội, ông bị bắt vào tháng 5/2022 vì các hoạt động cổ võ cho nhân quyền. Ông Dũng hôm 9/11 đã bị chuyển từ Trại giam An Điềm (Quảng Nam) đến Trại giam Gia Trung (Gia Lai), nơi cách xa nhà ông hơn 1 ngàn cây số.

Vào tháng 9/2023, ông Dũng cùng ba TNLT khác đã thực hiện hai cuộc biểu tình phản đối Tàu cộng xâm phạm lãnh hải, phản đối nhà cầm quyền CSVN vi phạm nhân quyền ngay tại nhà tù An Điềm. Cả bốn người sau đó đều bị cai tù lôi đi đánh đập.

Thưa chị và quí thính giả, việc chuyển ông Dũng đến một nhà tù xa gia đình của ông là nhằm để trả thù nhà hoạt động dũng cảm này. Đồng thời gây khó khăn cho vợ con ông trong vấn đề thăm nuôi. Đây là phương thức CSVN vẫn sử dụng để đối phó với những người bất đồng chính kiến.

 Vân Hà:Tin tức tuần qua cũng đề cập đến việc TNLT Bùi Tuấn Lâm bị cùm chân sau tòa phiên tòa phúc thẩm, anh có thêm chi tiết về tin này không thưa anh?

Miên Dương:Thưa chị, vào ngày 20/10/2023, TNLT Bùi Tuấn Lâm, người được biết đến với biệt danh “Thánh rắc hành” đã bị chuyển từ trại giam Hòa Sơn (Đà Nẵng) tới Trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai). Kể từ sau phiên phúc thẩm hồi tháng 8, ông Lâm bị tước quyền gặp thân nhân một cách trái phép.

Theo quy định, ông Lâm phải được thông báo về phiên tòa xét xử mình. Tuy nhiên, sáng ngày 30/8, nhà cầm quyền đã đưa ông ra xét xử mà không báo trước. Ông Lâm phản đối hành vi vi phạm pháp luật này và cho rằng đây là hành động khuất tất của nhà cầm quyền nên từ chối ra tòa. Tuy nhiên, ông đã bị công an dùng vũ lực cưỡng chế đưa ra kết án. Ông bị kết án 8 năm tù giam với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước”. Sau phiên xử, ông bị tống vào buồng biệt giam, bị cùm cả hai chân trong 7 ngày.

 Vân Hà:Một trong những tin tức đươc nhiều người quan tâm trong tuần qua là việc CSVN tăng cường theo dõi giám sát các nhà đấu tranh nhân dịp báo cáo vien của LHQ sang thăm VN, xin anh cho biết thêm chi tiết về vụ việc này.

Miên Dương:Thưa chị, nhiều nhà đấu tranh và gia đình họ ở VN đã bị công an mật vụ theo dõi và canh giữ suốt thời gian báo cáo viên nhân quyền LHQ sang thăm VN.

Bà Huỳnh Thị Kim Nga, vợ tù nhân lương tâm Ngô Văn Dũng, từ Ban Mê Thuột cho biết là từ ngày 9/11, công an đã canh gác ở gần tư gia của bà cho đến ngày 12/11.

Bà Lê Thị Hà, vợ của tù nhân lương tâm Đặng Đăng Phước cũng ở thành phố Ban Mê Thuột, cho biết bà bị an ninh thành phố theo dõi nhất cử nhất động trong liên tiếp mấy ngày. Tại Sài Gòn, nha đấu tranh Nguyễn Hoàng Vi cho biết là bị công an theo dõi và bám sát mọi hoạt động của bà. Tình trạng sách nhiễu nói trên cũng diễn ra với bà Đỗ Lê Na, vợ tù nhân Lê Trọng Hùng.

Vân Hà:Trong chuyến viếng thăm lần này, báo cáo viên của LHQ có nêu lên những quan ngại của họ về vấn đề nhân quyền ở VN không thưa anh?

Miên Dương:Thưa chị tất nhiên là có, sau 10 ngày viếng thăm VN, báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của LHQ, ông Deva đã nêu lên nhiều vi phạm của VN trong lãnh vực nhân quyền.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của báo cáo viên đặc biệt LHQ tới Việt Nam kể từ năm 2017. Trong buổi họp báo, ông Deva xác nhận là một số thành phần xã hội đã bị bỏ lại phía sau, điển hình là các dân tộc thiểu số.

Ông Deva cũng nêu lên những hạn chế đối với báo chí và cho rằng đó là những hạn chế liên quan đến quyền tự do ngôn luận và biểu đạt trên mạng.

Đánh giá chung của ông Deva sau chuyến viếng thăm là nhà nước Việt Nam đã áp dụng pháp luật một cách thiếu nhất quán và không theo chuẩn mực của luật pháp thế giới. Ông cho biết là nhận được báo cáo về nhiều vụ cưỡng chiếm đất đai cho các dự án phát triển, nhưng chỉ bồi thường với giá rẻ mạt và bán lại cho các công ty với giá đắt đỏ.

Trong cuộc họp báo tại văn phòng LHQ ở Hà Nội vào hôm 15/11, báo cáo viên Deva cho biết là nhà nước CSVN đã xử dụng các điều luật “có chọn lọc” để nhắm vào những người bất đồng chính kiến. Ngày làm việc cuối cùng của ông Deva ở VN trùng hợp với biến cố bắt giam ông Lưu Bình Nhưỡng, phó trưởng ban dân nguyện của quốc hội, với cáo buộc “cưỡng đoạt tài sản”.

Vân Hà:Anh có thể cho quí thính giả biết thêm chi tiết về vụ bắt giam ông Lưu Bình Nhưỡng không thưa anh?

Miên Dương:Thưa chị, ông Lưu Bình Nhưỡng là một đại biểu nổi tiếng về những phát ngôn thẳng thừng tại quốc hội, ông đã bị công an bắt giam vào tối ngày 14/11 với cáo buộc “cưỡng đoạt tài sản”.

Ông Nhưỡng là đại biểu quốc hội khóa 14  thuộc đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre, và gần đây ông đã có cuộc gặp gỡ với gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng. Vào tháng 10 năm 2018, ông Nhưỡng gây sốc trong dư luận khi tuyên bố các vi phạm của cơ quan điều tra công an là “rất khủng khiếp”.

Ông Nhưỡng có bằng tiến sĩ luật khoa cũng như có hơn 20 năm làm giảng viên tại đại học Luật Hà Nội. Ông từng khẳng định trên trang cá nhân là không hề nói sai, không hề bịa đặt và không xử dụng bất kỳ thông tin, tài liệu nào "ngoài luồng".

No comments:

Post a Comment