Sunday, February 23, 2025

Việt Nam Tuần Qua: Chủ Nhật 23.02.2025

Việt Nam Tuần Qua

Kính thưa quí thính giả, sau đây phóng viên Bảo Trân và Hướng Dương sẽ điểm lại những sự kiện nổi bật tại Việt Nam trong tuần qua

BảoTrân:  Bảo Trân xin kính chào quí thính giả của đài DLSN và chào anh Hướng Dương, rất vui được cùng anh điểm qua những tin VN đáng chú ý trong tuần.


Hướng Dương: Hướng Dương cũng xin kính chào quí thính giả của đài DLSN và chào chị Bảo Trân.


Bảo Trân: Thưa anh, tuần này BT muốn cùng anh điểm qua 5 tin liên quan đến VN.

Hướng Dương: Vâng, mời chị.


  1. Bảo Trân: Thưa anh tin thứ nhất liên quan đến việc Công an tỉnh Quảng Nam triệu tập một người dân chỉ vì bình luận của ông trên facebook cho rằng Nghị định 168 là “ác tàn sát” .  Sự kiện này cho thấy sự đàn áp khắc nghiệt đối với tiếng nói phản biện. Ông N.H.S, cư trú tại Điện Bàn, Quảng Nam, bị cáo buộc "xuyên tạc, sai sự thật" và buộc phải gỡ bỏ bình luận sau khi làm việc với công an. Tuy nhiên, không rõ ông có bị áp dụng hình phạt nào khác hay không, thưa anh.

Hướng Dương: Thưa chị, nghị định 168, có hiệu lực từ đầu năm, đã gây tranh cãi trong công luận vì tạo ra rất nhiều khó khăn cho đời sống người dân. Dù vậy, nhà cầm quyền vẫn khẳng định nghị định giúp nâng cao ý thức và giảm tai nạn giao thông. Bất chấp sự phản đối đông đảo người dân, những ai khẳng khái lên tiếng phê phán nghị đinh đều bị triệu tập hoặc thậm chí bị khởi tố.

Việc trấn áp những ý kiến phản biện như trên cho thấy tính chất độc đoán của nhà cầm quyền, đi ngược lại các giá trị dân chủ, nhân bản. Trong một xã hội văn minh và tiến bộ, lẽ ra dân mình phải có quyền tự do bày tỏ quan điểm mà không sợ bị đàn áp, thưa chị. 


  1. Bảo Trân: Tin thứ hai thưa anh, liên quan đến việc Công an Việt Nam đưa tổ chức chức Uỷ ban cứu người vượt biển gọi tắt là BPSOS vào danh sách khủng bố chỉ vài ngày sau Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRF) tại Washington DC. Điều này cho thấy nhà cầm quyền VN lo ngại ảnh hưởng tiêu cực mà BPSOS gây ra cho họ trên trường quốc tế. BT nghĩ rằng việc đưa BPSOS vào danh sách khủng bố  là một hạ sách của CSVN nhằm bịt miệng tiếng nói của tổ chức này tố cáo chính sách đàn áp  tôn giáo tại VN, ngay cả ngoài lãnh thổ Việt Nam, thưa anh.

Hướng Dương:  Đúng vậy thưa chị, Hà Nội cáo buộc BPSOS lợi dụng danh nghĩa cứu trợ người tị nạn để hỗ trợ các tổ chức bị xem là chống đối nhà nước VN, nhưng không đưa ra bằng chứng cụ thể nào. Tổng giám đốc BPSOS, ông Nguyễn Đình Thắng, bác bỏ cáo buộc này và cho rằng bạo quyền Việt Nam đang ở “bước đường cùng.”

Việc CS VN gán cái mác khủng bố cho BPSOS, cùng với việc ngăn chặn đại diện tôn giáo Việt Nam tham gia hội nghi thưởng đỉnh ở Washington DC lần này là nỗ lực ngăn chận những tố cáo vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Việt Nam. Điều này càng làm rõ bản chất đàn áp của chính quyền, đồng thời phản ánh sự sợ hãi của họ trước tác động của BPSOS trong việc vạch trần các hành động đàn áp dân lành tại VN với cộng đồng quốc tế, thưa chị.


  1. Bảo Trân: Cũng liên quan đến tình trạng đàn áp tiếng nói bất đồng tại VN, BT muốn đề cập đến tin thứ ba liên quan đến việc Liên Hiệp Quốc yêu cầu bạo quyền VN giải trình về vụ bắt cóc blogger Đường Văn Thái.

Liên Hiệp Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc bắt giữ và xét xử tùy tiện blogger Đường Văn Thái, yêu cầu Hà Nội giải trình về thủ tục tố tụng đầy bất bình đẳng. Ông Thái bị bắt cóc tại Thái Lan, cưỡng bức mất tích trước khi bị đưa ra xét xử và bị tuyên án 12 năm tù cùng 3 năm quản chế với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước.”, thưa anh.

Hướng Dương: Thật vậy thưa chị, bốn chuyên gia nhân quyền LHQ nhấn mạnh rằng sự mập mờ trong quá trình dẫn độ và giam giữ đã làm suy yếu hoàn toàn tính chính đáng của phiên tòa. Gia đình ông Thái bị ngăn cản tham dự phiên xử kín, trong khi luật sư bào chữa không được cấp phép bảo vệ thân chủ.

LHQ kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho ông Thái, đồng thời yêu cầu Hà Nội giải thích cơ sở pháp lý của việc giam giữ kéo dài và kết án này. HD cho rằng việc bắt bớ và xét xử tùy tiện như vậy tiếp tục làm dấy lên lo ngại nghiêm trọng của cộng đồng quốc tế về tình trạng đàn áp quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam, thưa chị.


  1. Bảo Trân: Bàn về truyền thông mạng tại VN, BT xin điểm qua tin thứ tư liên quan đến việc Quốc hội bù nhìn Việt Nam vừa thông qua nghị quyết cho phép Starlink của tỷ phú Elon Musk cung cấp dịch vụ internet tại Việt Nam mà không yêu cầu liên doanh với công ty trong nước.  Đây là bước đi chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, BT hoài nghi rằng đây không hẳn là tín hiệu đổi mới tích cực của nhà cầm quyền mà chỉ là bước đi bắt buộc trong thế bí, khi Việt Nam đối mặt với nhu cầu cải thiện hạ tầng viễn thông và sức ép đầu tư, thưa anh.

Hướng Dương:  Thưa chị, Nghị quyết nhấn mạnh nguyên tắc đảm bảo quốc phòng, an ninh.  Mặc dù cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu toàn bộ công ty con nhưng bạo quyền vẫn duy trì quyền kiểm soát trong nước. Cũng như  chị đã hoài nghi, mặc dù nghị định mở ra cơ hội thu hút đầu tư, nhiều người lo ngại chính quyền sẽ tìm mọi cách để hạn chế tác động tích cực của Starlink trong việc mở rộng không gian mạng cho người dân.

Linh mục Anton Lê Ngọc Thanh nhận định rằng nghị quyết có thể tạo niềm tin cho nhà đầu tư, đồng thời giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào cáp quang biển vốn thường xuyên bị đứt, gây gián đoạn thông tin và tổn thất kinh tế. Tuy nhiên, câu hỏi lớn vẫn là liệu chính quyền có thực sự chấp nhận một không gian mạng cởi mở hơn hay không cho người dân trong nước, thưa chị.


  1. Bảo Trân: Liên quan đến tình hình đầu tư kinh doanh từ nước ngoài không mấy khả quan tại VN, BT muốn điểm qua tin thứ năm cũng là tin cuối cùng cho tuần này đó là việc Hơn 80% công ty Mỹ tại Việt Nam lo ngại VN bị Hoa Kỳ áp thuế cao lên hàng nhập cảng từ VN.

Khoảng 81% doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam lo sợ Mỹ sẽ áp thuế cao lên hàng hóa Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, nơi hơn 92% công ty bày tỏ quan ngại. Việc này có thể khiến chi phí tăng cao, làm đứt gãy chuỗi cung ứng và buộc doanh nghiệp phải xem xét lại hoạt động của họ tại VN, thưa anh.


Hướng Dương: Thật vậythưa chị, hơn 75% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng thuế quan sẽ tác động tiêu cực đến tài chính và khả năng tiếp cận thị trường. Đáng lo ngại hơn, 85% nhận định nền kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, với trao đổi thương mại suy giảm và quan hệ kinh doanh lâu dài gián đoạn.

Dư luận chỉ trích về sự bất công trong chính sách đối ngoại về kinh tế của Việt Nam, trong khi nhà cầm quyền chủ trương dành nhiều ưu đãi, đặc quyền đặc lợi cho Trung Quốc, ngược lại có khuynh hướng gia tăng gây khó khăn cản trở cơ hội kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp Mỹ. Điều này làm gia tăng nguy cơ các công ty Mỹ phải đóng cửa, gây tổn thất nghiêm trọng cho nền kinh tế Việt Nam. HD cho rằng sự đối xử bất công của nhà cầm quyền đối với doanh nghiệp Mỹ, thêm vào đó mức thặng dư thương mại kỷ lục 123 tỷ USD với Mỹ, việc Việt Nam bị áp thuế là khó tránh khỏi.  Điều này sẽ kéo theo hậu quả nặng nề cho xuất khẩu và đầu tư nước ngoài tại VN, thưa chị.


Bảo Trân:  Bảo Trân xin cảm ơn anh Hướng Dương đã cùng điểm qua những tin VN quan trọng trong tuần.  Và, tiết mục VNTQ đến đây là chấm dứt, Bảo Trân xin kính chào quí thính giả của đài phát thanh DLSN, chào anh Hướng Dương. 

Hướng Dương: Hướng Dương cũng xin kính chào quí thính giả và chị Bảo Trân, hẹn gặp lại chị và quí thính giả vào tuần tới cũng trong tiết mục VNTQ.

No comments:

Post a Comment