Saturday, February 22, 2025

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Danh Nhân Nước Việt

Thưa quý thính giả,

Một nhạc sĩ tài hoa đã đi vào huyền thoại khi ông sáng tác ca khúc “Dạ Cổ Hoài Lang”, một bài ca độc đáo nổi tiếng nhất trong nghệ thuật cải lương. Bài ca này có ảnh hưởng đến nền âm nhạc dân tộc, trở thành một di sản mang tính biểu tượng, và là niềm tự hào của người dân miền Nam, đặc biệt là vùng đất Bạc Liêu.

Trong chuyên mục Danh nhân nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Nhạc sĩ Cao Văn Lầu” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.

Đó là mấy câu trong bài “Dạ Cổ Hoài Lang” của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, do ca sĩ Hương Lan trình bày, một ca khúc đã đi vào lòng người suốt nhiều thập niên qua.

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu, còn được gọi là Sáu Lầu, sinh ngày 22/12/1890 tại xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Thân phụ là ông Cao Văn Giỏi xuất thân trong gia đình nghèo, do cuộc sống khó khăn phải di chuyển nhiều nơi để sinh sống.

Ngay từ thời niên thiếu, Cao Văn Lầu theo cha sống đời cơ cực, hết nơi này lại dời sang nơi khác. Khi đến Bạc Liêu, gia đình ông may mắn được Hương sư Chơn ở làng Vĩnh Lợi cho một cái chòi và 8 công đất, gần chùa Vĩnh Phước An để mưu sinh. Có lẽ, chính cuộc sống bần hàn đã tạo cho Cao Văn Lầu một ý chí kiên cường để vượt qua gian khổ.

-Năm 1908, Cao Văn Lầu theo học đàn với thầy Lê Tài Khí (nghệ danh là Nhạc Khị), nhờ ưa thích và siêng năng, ông dần dần sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ như: đàn tranh, đàn cò, đàn kìm và trống lễ. Nhờ tài nghệ ngày càng điêu luyện, ông trở thành một nhạc sĩ nồng cốt trong một ban nhạc ở Bạc Liêu. 

-Năm 1912, Cao Văn Lầu bắt đầu nổi tiếng với nghệ danh Sáu Lầu, khi hát chung với Sáu Thìn và cô Phấn trong bài “Tứ đại oán”, chủ ý nói về Bùi Kiệm thi rớt.

-Năm 1913, vâng lệnh mẹ cha, ông kết hôn với cô Trần Thị Tấn. Thời gian này, ông sáng tác một khúc nhạc ngắn đặt tên là Bá Điểu, về sau đổi lại là Thu Phong, gồm 8 câu nhịp bốn.

-Năm 1916, qua 3 năm chung sống mà không có con, cha mẹ buộc ông phải trả vợ về nhà cha mẹ ruột. Vì chữ hiếu, ông ngậm ngùi đành chia tay với người bạn đời mà ông hết lòng yêu thương.

-Năm 1917, do nhớ thương vợ, hằng đêm ông mượn tiếng đàn để vơi đi phần nào cơn phiền muộn, chính nhờ vậy mà ông sáng tác một khúc nhạc theo chủ đề “Chinh phụ vọng chinh phu” của thầy Lê Tài Khí.

-Năm 1918, khúc nhạc này được nhà sư Nguyệt Chiếu đặt tên là “Dạ Cổ Hoài Lang”, nghĩa là “Nghe tiếng trống đêm nhớ chồng” vì nó diễn tả được tâm tư của nàng Tô Huệ. Từ đó, ca khúc này được loan truyền nhanh chóng, và được xem là bản tình ca bất hủ, làm thay đổi cuộc đời ông cùng sân khấu cải lương. Từ năm 1918 năm 1974, ông sáng tác thêm 10 ca khúc, nhưng đa số chỉ lưu hành tại Bạc Liêu.

-Ngày 13/8/1976, ông từ trần tại Sài Gòn, hưởng thọ 86 tuổi.

Hiện nay, tại thành phố Bạc Liêu có Khu lưu niệm “đờn ca tài tử” và hình tượng ông.

****

Ai cũng biết trên sân khấu cải lương, các bài ca vọng cổ luôn có sức thu hút khán giả. Ca vọng cổ đã trở thành thuật ngữ trong làng âm nhạc Việt Nam, từ khi ca khúc “Dạ Cổ Hoài Lang” ra đời, tác phẩm này được nhiều nhạc sĩ khác sử dụng rộng rãi trên sân khấu cải lương và các tụ điểm “đờn ca tài tử”.

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác hàng chục bài ca vọng cổ được giới mộ điệu ưa chuộng, trong đó bài “Dạ Cổ Hoài Lang” ra đời nhờ vào tấm lòng chung thủy của ông, nó được xem là suối nguồn cảm xúc, khai sinh ra những câu vọng cổ ở miền Nam. Bài ca này nói lên số phận long đong và cũng là mẫu mực cho thế hệ sáng tác cổ nhạc kế thừa.

Bạc Liêu được xem là cái nôi của nghệ thuật “đờn ca tài tử” hình thành và phát triển mạnh nhất miền Nam. Bài “Dạ Cổ Hoài Lang” do ông sáng tác vào năm 1919 có sức sống lâu dài. Đến nay đã hơn trăm năm, bài ca này vẫn còn và luôn vang vọng những thanh điệu thương yêu trong làng cổ nhạc. 

Tuy nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã về cõi vĩnh hằng, nhưng công lao của ông trong việc bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, nhất là làm tăng giá trị nghệ thuật “đờn ca tài tử”, mãi đến nay vẫn còn in đậm nét. Kính chào vĩnh biệt ông Sáu Lầu, một nghệ sĩ tài hoa của miền Nam, đặc biệt là vùng đất hiền hòa chơn chất mang tên Bạc Liêu.

 

No comments:

Post a Comment