Sau đây mời quí thính giả theo dõi bản tin tóm lược với Khánh Ngọc & Miên Dương
1) BÌNH LUẬN NGHỊ ĐỊNH 168 LÀ “ÁC TÀN SÁT” TRÊN FACEBOOK, MỘT NGƯỜI DÂN BỊ TRIỆU TẬP
Phòng An ninh chính trị - Công an tỉnh Quảng Nam vừa triệu tập một người dân chỉ vì người này viết Nghị định 168 là “ác tàn sát” trong phần bình luận trên một diễn đàn Facebook.
Người bị triệu tập có tên viết tắt là N.H.S (SN: 1993, cư trú tại La Thọ 2, Điện Hòa, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), đã bị triệu tập với lý do có “hành vi đăng tải bình luận xuyên tạc, sai sự thật ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức.”
Truyền thông Quảng Nam cho hay, sau khi làm việc với công an, ông N.H.S “đã nhận thức được hành vi sai phạm của bản thân và tự nguyện xin gỡ bỏ ngay lập tức nội dung bài viết bình luận sai phạm nêu trên”, tuy nhiên, không nói rõ ông bị áp dụng hình phạt nào.
Nghị định 168 được ban hành và có hiệu lực từ đầu năm đã gây ra sự chỉ trích dữ dội trong công luận, gây xáo trộn và khó khăn cho đời sống người dân. Mặc dù vậy, Cục Cảnh sát giao thông vẫn khẳng định nghị định mới đã phát huy tác dụng là nâng cao ý thức người dân và giảm tai nạn giao thông.
Một số người đã bị
mời, triệu tập hoặc bị khởi tố vì lên tiếng phản đối Nghị định nay.
2) BPSOS BỊ HÀ NỘI ĐƯA VÀO DANH SÁCH KHỦNG BỐ SAU HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH TỰ DO TÔN GIÁO QUỐC TẾ
Bộ Công an hôm 14/2 thông báo đưa tổ chức Uỷ ban cứu người vượt biển (BPSOS) có trụ sở chính tại Mỹ vào danh sách khủng bố, chỉ vài ngày sau khi “Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do tôn giáo quốc tế” (IRF) tại Washington DC kết thúc mà tổ chức này đồng tham gia tổ chức.
Hà Nội cáo buộc: “BPSOS hoạt động dưới danh nghĩa “cứu trợ người tị nạn” nhưng thực chất là lợi dụng hoạt động này để móc nối, trợ giúp các tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động chống phá Việt Nam, trong đó có số đối tượng tham gia tổ chức “Người Thượng vì công lý - MSFJ” - tổ chức đã tiến hành vụ khủng bố ngày 11/6/2023 tại Đắk Lắk."
Ông Nguyễn Đình Thắng, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch tổ chức BPSOS vào cùng ngày lên tiếng phản bác cáo buộc này của chính quyền CSVN, đồng thời nói rằng Hà Nội đang “ở bước đường cùng, không còn cách nào khác hơn.”
Theo người đại diện BPSOS, với việc đưa tổ chức của ông và trước đó là tổ chức Người Thượng vì công lý - MSFJ vào danh sách khủng bố, Bộ Công an Việt Nam đang hy vọng đe doạ những người dám lên tiếng tố cáo các hành động đàn áp ở trong nước với quốc tế thông qua các tổ chức xã hội dân sự ở nước ngoài.
Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do tôn giáo quốc tế (IRF) tại Washington DC từ ngày 4 - 5/2 với sự tham dự của hơn một ngàn đại biểu từ nhiều nước trên thế giới ghi danh tham dự, trong đó có hơn 40 nghị sỹ đến từ nhiều quốc gia. Ba đại diện tôn giáo của Việt Nam được mời đi dự hội nghị đã bị chặn tại phi trường ở Việt Nam vì lý do an ninh.
Trả lời phỏng vấn đài
Á Châu Tự Do, ông Nguyễn Đình Thắng nói “Khi họ tuyên bố là BPSOS và cá nhân
tôi là thành phần khủng bố thì họ kỳ vọng là người trong nước sẽ không dám liên
lạc, không dám cung cấp thông tin về vi phạm để chúng tôi chuyển cho quốc tế.”
.
3) THÊM 3 CON TIN ĐƯỢC HAMAS TRAO TRẢ ĐỂ ĐỔI LẤY 369 TÙ NHÂN PALESTINE
Phiến quân Hamas đã thả thêm ba con tin để đổi lấy hàng trăm tù nhân Palestine sau một tuần mà thỏa thuận ngừng bắn có vẻ bị đe dọa.
Sagui Dekel-Chen, người Mỹ gốc Do Thái, 36 tuổi, Yair Horn, người Á Căn Đình gốc Do Thái, 46 tuổi và Alexander Troufanov người Nga gốc Do Thái, 29 tuổi, đã được trả tự do. Để trao đổi, 369 người Palestine bị giam giữ trong các nhà tù của Do Thái cũng đã được trao trả cho phía Hamas.
Cho đến nay, 19 con tin và hơn 1.000 tù nhân Palestine đã được trả tự do trong giai đoạn đầu của thỏa thuận ngừng bắn bắt đầu từ ngày 19/1.
Việc trao đổi diễn ra vài ngày sau khi Hamas cho biết họ sẽ tạm dừng thả con tin, cáo buộc Do Thái vi phạm các điều khoản của thỏa thuận - một cáo buộc bị Do Thái bác bỏ.
Do Thái, được sự hậu thuẫn của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho biết giao tranh "dữ dội" sẽ tiếp tục trừ khi các con tin được giao nộp. Trong khi đó, phiến quân Hamas cho biết họ vẫn tuân thủ cam kết ngừng bắn và Do Thái sẽ "chịu trách nhiệm về bất kỳ sự phức tạp hoặc chậm trễ nào".
No comments:
Post a Comment