Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Mỹ Linh & Đồng Tâm trình bày sau đây.
1) NHÀ BÁO HUY ĐỨC SẮP BỊ ĐƯA RA XÉT XỬ
Nhà báo Trương Huy San, người được công luận biết đến với bút danh Huy Đức
(hay Osin Huy Đức), sẽ bị đưa ra xét xử vào 27/2 tới, truyền thông quốc doanh
vừa loan tin.
Nhà báo Huy Đức, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Bên thắng cuộc” bị cáo buộc
tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Ông Huy Đức bị bắt hôm 7/6/2024, cùng thời điểm với luật sư Trần Đình
Triển, người vừa bị kết án 3 năm tù giam với cùng tội danh cáo buộc như vừa
nêu.
Truyền thông “lề đảng” trích Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao,
nêu, xin trích: “trong thời gian từ năm 2015 đến 2024,
bị cáo Trương Huy San đã tự thu thập thông tin, tài liệu, soạn thảo và đăng
trên Facebook cá nhân “Truong Huy San (Osin Huy Duc)” nhiều bài viết, trong đó
có 13 bài viết có nội dung xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích
hợp pháp của tổ chức, cá nhân." – hết trích
Cùng với các điều luật 117, 109, điều 331 được nhà cầm quyền sử dụng để
tước đoạt quyền tự do biểu đạt cũng như bỏ tù bất cứ công dân nào dám lên tiếng
về hiện tình đất nước hoặc cổ vũ cho các giá trị nhân quyền, dân chủ.
Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế đã đồng loạt lên án Hà Nội bỏ tù nhà báo
Huy Đức và kêu gọi trả tự do cho ông.
2.VIỆT NAM TUYÊN BỐ BẢN ĐỒ ĐƯỜNG CƠ SỞ VỊNH BẮC BỘ VÀ ĐẢO BẠCH LONG VĨ
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 21/2 công bố đường cơ sở ở khu vực Vịnh Bắc Bộ,
đảo Bạch Long Vĩ và khu vực cửa sông Bắc Luân là dòng sông biên giới chảy giữa
thành phố Móng Cái thuộc tỉnh Quảng Ninh và thành phố Đông Hưng thuộc tỉnh
Quảng Tây của Hoa Lục.
Hà Nội công bố bản đồ này chưa đầy một năm sau khi Bắc Kinh tuyên bố xác
lập đường cơ sở ở khu vực phía bắc Vịnh Bắc Bộ bằng phương pháp đường thẳng cơ
sở mà Việt Nam phản đối.
Tuyên bố nói rằng việc xác định này “phù hợp với quy định của Luật Biển
Việt Nam.”
Trong tuyên bố này, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, đường cơ sở "tạo
thêm cơ sở pháp lý để bảo vệ và thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài
phán của Việt Nam, phục vụ phát triển kinh tế, quản lý biển và thúc đẩy hợp tác
quốc tế." Đây đồng thời là “căn cứ để xác định ranh giới và phạm vi các
vùng biển của Việt Nam theo các quy định của UNCLOS (Công ước Liên hợp quốc về
Luật Biển) và Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc ký
năm 2000.”
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với hầu như toàn bộ Biển Đông và bác bỏ các
tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hôm 19/2, Bộ Ngoại giao Trung quốc đưa ra phản đối trước hoạt động xây dựng của Việt Nam trên một
đảo có tranh chấp trên vùng biển này.
Cho đến thời điểm bản tin này lên sóng, Bắc Kinh chưa đưa ra phản ứng công
khai nào trước việc công bố bản đồ đường cơ sở của Hà Nội.
3.NHIỀU CHUYẾN BAY GIỮA ÚC VÀ TÂN TÂY LAN PHẢI ĐỔI ĐƯỜNG DO TÀU CỘNG TẬP TRẬN “BẮN ĐẠN THẬT”
Nhiều chuyến bay hàng không giữa Úc và Tân Tây Lan hôm 21/2 đã phải đổi đường do hải quân Trung cộng tập trận ngoài khơi bờ
biển tiểu bang New South Wales, thuộc vùng biển
quốc tế, ngoài vùng đặc quyền kinh tế của hai quốc gia nói trên.
Bên lề Hội nghị ngoại trưởng G20 đang diễn ra ở Nam Phi, Ngoại trưởng Penny
Wong cho biết sẽ có phản ứng với người đồng cấp Vương Nghị về cuộc tập trận mà
ông cho rằng thiếu thông tin “minh bạch”.
Trước đó, Bắc Kinh đã thông báo với chính quyền Úc về “khả năng” tiến hành
tập trận bắn đạn thật tại vùng biển Tasman, và yêu cầu các phi cơ dân dụng
không tiếp cận khu vực này.
Cơ quan Kiểm soát Không lưu Úc đã liên lạc với các hãng hàng không để cảnh
báo về cuộc tập trận của nhóm tàu tác chiến của hải quân Trung Hoa.
Nhóm tàu Trung cộng gồm một khinh hạm, một tàu tuần dương và một tàu tiếp
tế đã đi vào vùng biển gần với nước Úc vào tuần trước và di chuyển dọc theo bờ
biển phía đông của Úc trong tuần này. Hải quân và không quân của Úc và Tân Tây Lan đã giám sát chặt các hoạt động của đội tàu này.
No comments:
Post a Comment