Sunday, February 23, 2025

TÔ LÂM: SỰ THẬT CỦA DỐI TRÁ ĐỘC QUYỀN

Nói Với Người Cộng Sản

Tiếp theo đây, mời quí thính giả theo dõi chuyên mục ”Nói Với Người Cộng Sản”. Đây là diễn đàn để trình bày với các đảng viên đảng csVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. ”Nói Với Người Cộng Sản” do Tiến Văn biên soạn qua sự trình bày của Hoàng Ân.

Tiến Văn

23/02/2025 


Thưa quí vị đảng viên lão thành cùng các bạn công an, bộ đội thân mến,

Chúng ta có thể nói rằng Tô Lâm đang cố hết sức để dựng ra một hình ảnh mới, một bộ mặt mới với nhiều hấp dẫn và hi vọng trước công luận cho chính y. 

Sự cố gắng của Tô Lâm cũng là điều thường tình và dễ hiểu đối với một kẻ suốt cả đời chỉ chuyên tâm, mẫn cán cho những việc có tính võ biền tàn ác của bộ công an trong một chế độ độc tài toàn trị. Nay bỗng dưng, kẻ võ biền đó lại ngồi vào vị trí đầu đảng của một tổ chức chính trị độc tôn thống trị cả một đất nước, một dân tộc.


Sự thay đổi vị thế có tính thách thức này là yếu tố cơ bản khiến Tô Lâm, và bộ sậu, phải cố tạo ra một hình ảnh mới cho phù hợp với vị thế mới, chiếc ghế mới đòi hỏi nhiều mưu lược hơn võ biền, yêu cầu phải có nhiều trí não hơn súng đạn. 


Không những thế, việc được ngồi vào vị trí đầu đảng của Tô Lâm không phải là một việc chính danh đối với công luận tiến bộ vì chế độ hiện nay vẫn hoàn toàn là chế độ độc tài bất chấp ý nguyện của dân. Ngay cả đối với các đồng đảng, chiếc ghế tổng bí thư của Tô Lâm cũng hoàn toàn không chính đáng vì những tội lỗi, những vi phạm điều lệ đảng của Tô Lâm không hề nhẹ hơn những đối thủ đã bị Tô Lâm cho kỉ luật - về vườn đột ngột.


Thưa anh chị em và quí vị, với tất cả những lí do chưa đầy đủ vừa kể chúng ta đã thấy cái nhu cầu tự đánh bóng, tô vẽ, làm đẹp cho bộ mặt của bản thân Tô Lâm lớn tới mức nào. 


Chưa hết, Tô Lâm lại còn là “con đẻ”, “con ruột”, từ trong gia đình ra tới xã hội, của một thể chế chính trị vốn lấy dối trá, lừa mị làm phương tiện để giành lấy sự ủng hộ, tin cậy của quần chúng trong tham vọng quyền lực độc tôn, độc tài.


Vì vậy nếu chúng ta có thấy Tô Lâm lại phát biểu hay tung ra những thông tin gì có tính chất khác biệt, lạ lẫm, thậm chí có hơi hướng tiến bộ một cách khó tin, chúng ta cũng không nên ngạc nhiên hay sửng sốt. 


Tuy nhiên, trong truyền thông có một qui luật khá tiêu cực tác động tới nhận thức nói chung của con người. Đó là qui luật nếu một điều dối trá được lặp lại nhiều lần, đến một lúc nào đó người nghe sẽ tự kỉ ám thị và tin điều dối trá đó là “sự thật” và tự để bản thân bị lôi kéo bới cái “sự thật” giả dối đã được lặp lại nhiều lần. Chúng ta tạm gọi đây là qui luật “sự thật của dối trá độc quyền”.


Từ qui luật tiêu cực này chúng ta sẽ thấy sự khác biệt giữa hai chế độ dân chủ và chế độ độc tài ở chỗ, trong chế độ dân chủ, chính quyền tìm mọi cách để hạn chế “qui luật sự thật của dối trá độc quyền”. Còn trong chế độ độc tài, nhất là độc tài cộng sản, chính quyền luôn duy trì “qui luật sự thật của dối trá độc quyền” cho chính kẻ cầm quyền.


Trong chế độ dân chủ, biện pháp đơn giản, rẻ tiền và hiệu quả nhất để phòng, chống “qui luật sự thật của dối trá độc quyền” là cho phép và duy trì báo chí tự do cho tất cả mọi người, hội nhóm, đảng phái. Không ai được phép độc quyền làm báo.


Còn trong chế độ độc tài, như chúng ta có thể suy ra, bọn cầm quyền đều dùng mọi cách để ôm khư khư quyền kiểm soát báo chí, làm báo chí chỉ cho riêng chúng mà thôi. Như tại Việt Nam ta hiện nay. Với quyền độc tôn này, chúng tha hồ nói xuôi, nói ngược, nói thật, nói dối, nói nửa thật nửa dối tùy ý theo nhu cầu vụ lợi tự thân của chúng vì chúng không chỉ an tâm không sợ bị công luận lật tẩy mà còn tin rằng dân chúng sẽ tin chúng vì công luận trước sau cũng bị ép-phê bởi “qui luật sự thật của dối trá độc quyền”.


Nhìn những phản ứng của công luận Việt Nam trước những màn diễn đánh bóng của Tô Lâm, chúng ta phải thừa nhận một cách không vui vẻ rằng đã có nhiều người bị ép-phê quá nhanh của “qui luật sự thật của dối trá độc quyền”. 


Sau khi Tô Lâm có những lời nói xa xôi có tính chất ngưỡng mộ Việt Nam Cộng Hòa về kinh tế, về chăm sóc y tế, nhiều người đã tỏ ra hi vọng, kì vọng ở sự tử tế muốn thay đổi, cải cách theo chiều hướng dân chủ của Tô Lâm.


Đối với những người có kì vọng, hi vọng này, chúng ta chỉ cần đặt ra một câu hỏi đơn giản:


Nếu Tô Lâm thực có ý hướng học hỏi theo Việt Nam Cộng Hòa, cải cách theo dân chủ, vậy tại sao Tô Lâm, và bộ sậu, vẫn ngoan cố ngăn cấm báo chí tư nhân?


Còn nhiều vấn đề khác, hoàn toàn không cần tiền bạc và công sức như Nghĩa Trang Biên Hòa, Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa, Tô Lâm có thể thực hiện ngay, nhưng tại sao Tô Lâm vẫn không?


Hoàng Ân cùng Tiến Văn tạm biệt và xin hẹn quí vị, quí bạn trong chương trình tuần sau.


23/02/2025 

No comments:

Post a Comment