Tuesday, December 28, 2021

Tin Tức, Thứ Ba 28.12.2021

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức với Mỹ Linh & Thiên An .

1)  CÔNG AN ĐÀN ÁP TANG LỄ CỦA GIÁO CHỦ DƯƠNG VĂN MINH

Hàng chục tín đồ của giáo phái Dương Văn Minh đã bị đánh đập tàn bạo và hơn 40 người bị bắt giam khi tham dự lễ chôn cất ông Minh vào ngày 12/12 vừa qua.

Tin tức này chỉ mới được tiết lộ và đưa hình ảnh lên mạng vào hôm qua sau hai tuần xảy ra cuộc đàn áp thô bạo nói trên. Theo tiết lộ của gia đình, hàng trăm công an tỉnh Tuyên Quang đã kéo đến trấn áp những tín đồ của ông Minh, người qua đời vào ngày 11/12 vì bị ung thư. Qua hôm sau, lễ an táng được tổ chức tại tư gia ở thôn Ngòi Sen, xã Yên Lâm, tỉnh Tuyên Quang. Lấy lý do chống dịch Vũ Hán, hơn 300 công an và nhân viên y tế đã bao vây tư gia và ngăn cản không cho tín đồ vào làm lễ, đồng thời ép buộc các thân nhân ông Minh phải đi xét nghiệm, dẫn đến cuộc xung đột giữa hai bên khi gia đình muốn dời ngày xét nghiệm vào hôm sau.

Tổng cộng có 48 người H'mong theo đạo Dương Văn Minh bị bắt giam với cáo buộc "kháng cự lực lượng thi hành công vụ".

Cần nhắc lại, ông Dương Văn Minh sáng lập giáo phái mang tên ông vào năm 1989, chủ trương thờ phụng Chúa và hủy bỏ tập tục giết trâu bò để làm ma chay cho người chết. Ông Minh bị bỏ tù nhiều năm với cáo buộc chống phá nhà nước và có ý định thành lập vương quốc H'mong.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hundreds-of-vn-police-raid-the-funeral-of-religious-founder-duong-van-minh-12272021042535.html

2)  HƠN 40 GIÁO VIÊN VÀ HỌC SINH SÀI GÒN BỊ NHIỄM DỊCH VŨ HÁN SAU 2 TUẦN ĐẾN TRƯỜNG

Trong cuộc họp báo vào chiều thứ Hai 27/12, ông Phạm Đức Hải, phó ban phòng chống dịch tại Sài Gòn, cho biết là 40 học sinh và 7 giáo viên đã bị nhiễm dịch sau 2 tuần tái nhập học ở trường.

Các trường hợp bị nhiễm này được ghi nhận ở 15 quận huyện của Sài Gòn. Tuy nhiên ông Hải khẳng định là các bệnh nhân đều được điều trị đúng theo quy định và giới phụ huynh đều rất an tâm khi cho con đến trường. 

Cần biết là từ ngày 13/12, theo lệnh của sở giáo dục Sài Gòn, các học sinh từ lớp 9 đến lớp 12 phải theo học tại các trường trong vòng 2 tuần thí điểm. Trả lời câu hỏi của báo chí về kế hoạch sắp tới sau khi chấm dứt hai tuần thí điểm, ông Hải cho biết là nhà cầm quyền thành phố sẽ công bố những lớp nào sẽ được đến trường trong vài ngày tới.

Tuy nhiên khác với lời tuyên bố đầy lạc quan của ông Hải, một kết quả thăm dò trên mạng cho thấy là giới phụ huynh học sinh Sài Gòn rất lo sợ về việc nhiễm dịch khi con cái đến trường.

 https://thanhnien.vn/40-hoc-sinh-tp-hcm-mac-covid-19-sau-2-tuan-hoc-truc-tiep-post1415665.html

3)  TRUNG CỘNG ĐỀ NGHỊ 2 BIỆN PHÁP GIẢI QUYẾT HÀNG HÓA BỊ KẸT Ở LẠNG SƠN

Trước lời kêu gào của phía VN, bạo quyền Trung Cộng vừa đề nghị 2 biện pháp nhằm giải tỏa hơn 5 ngàn xe tải chở hàng hóa VN đang năm chờ hơn một tháng ở các cửa ải biên giới

Biện pháp đầu tiên là vận chuyển toàn bộ hàng hóa sang Hoa Lục nhưng tài xế và lơ xe phải ngồi yên trong cabin, không được xuống xe cho đến khi hoàn tất việc giao hàng và quay đầu trở về đất Việt. Biện pháp thứ nhì là bốc dở hàng ngay tại các cửa ải, phía Trung Cộng sẽ tự vận chuyển vào Hoa Lục.

Tuy nhiên, mặc dù chấp nhận cả hai biện pháp nói trên, nhưng theo tính toán thì từ hôm nay cho đến Tết Nhâm Dần cũng chỉ giải uyết được khoảng 2 ngàn xe hàng. Có nghĩa là khoảng 6 ngàn tài xế và lơ xe tiếp tục sống vật vã tại ải Lạng Sơn hơn một tháng nữa mà nguyên nhân chính yếu là vì Trung Cộng cương quyết đóng cửa ải để chống dịch Vũ Hán.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-59754698

4)  NGHỆ AN ĐỨNG ĐẦU VỀ TỐC ĐỘ PHÁ RỪNG VÀ CHÁY RỪNG

Theo số liệu của tổ chức Giám sát Rừng rậm Toàn cầu (Global Forest Watch), các tỉnh miền trung nắm kỷ lục về tốc độ phá rừng và cháy rừng cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Theo đúc kết của tổ chức nói trên, trong vòng từ năm 2010 đến năm 2020, có 11 khu vực tại VN mất đến hơn một nửa diện tích rừng, với tỉnh Nghệ An co đến hơn 203 ngàn mẫu rừng bị hủy diệt, kể đó là tỉnh Quảng Nam 200 ngàn mẫu, Kon Tum 171 ngàn mẫu, trong khi Gia Lai và Quảng Ngãi có khoảng 150 ngàn mẫu bị tàn phá.

Tính tổng quát, trong 10 năm qua, VN mất gần 700 ngàn mẫu rừng nguyên sinh, chiếm hơn một phần năm tổng diện tích rừng trên toàn quốc. Tuy nhiên tổ chức Giám sát Rừng rậm Toàn cầu ghi nhận nỗ lực phục hồi của VN với 564 mẫu rừng được trồng trở lại từ năm 2001 đến nay.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-59759202

5)  ÚC GHI NHẬN NGƯỜI TỬ VONG ĐẦU TIÊN VÌ BIẾN THỂ OMICRON

Vào hôm thứ Hai 27/12, nước Úc ghi nhận một bệnh nhân tử vong đầu tiên vì biến thể Omicron, tuy nhiên chính phủ nước này không áp đặt thêm các biện pháp khắt khe mặc dù số người nhiễm vượt hơn 2 ngàn người mỗi ngày.

Trường hợp tử vong đầu tiên là ở tiểu bang New South Wales, với nạn nhân là một cụ ông 80 tuổi đang có bệnh nan y và sống trong một viện dưỡng lão ở thành phố Sydney. Nạn nhân là một trong số 6 trường hợp tử vong vào hôm qua.

Cần biết là nước Úc phải tạm đình chỉ một số kế hoạch mở cửa giao dịch với thế giới sau gần 2 năm bế môn tỏa cảng vì đại dịch Vũ Hán. Tuy nhiên theo các chuyên gia y tế Úc, mặc dù tốc độ lây lan của biến thể Omicron rất cao nhưng chỉ gây bệnh nhẹ so với các biến thể trước đây. Chính vì thế rất ít bệnh nhân phải nhập viện đề điều trị.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-59799079

6)  CAMPUCHIA GHI NHẬN SỐ NGƯỜI NHIỄM OMICRON TĂNG VỌT

Lần đầu tiên sau nhiều tuần lễ im tiếng, giới chức Campuchia ghi nhận số người nhiễm tăng vọt vào hôm thứ Hai 27/12 lên đến 15 người, với một người tử vong.

Cần biết là từ đầu mùa dịch đến nay, Campuchia có hơn 120 ngàn người bị nhiễm và hơn 3 ngàn tử vong. Toàn bộ 15 người bị nhiễm vào hôm qua là do biến thể Omicron, nâng tổng số bị nhiễm vì biến thể này lên đến 31 người, toàn bộ là đến từ người nhập cảnh vào nước này.

Giới chuyên gia thế giới tin rằng con số người nhiễm biến thể Omicron ở Campuchia sẽ tăng cao trong vài ngày tới, tương tự như ở các nước Singapore, Thái Lan và Mã Lai. Cần biết là Campuchia đã mở toang cửa kể từ ngày 13/8 để phục hồi nền kinh tế.

https://thanhnien.vn/campuchia-ghi-nhan-so-ca-mac-bien-the-omicron-tang-vot-post1415743.html

 

 

No comments:

Post a Comment