Saturday, December 25, 2021

Chí sĩ Phan Khắc Sửu

Danh Nhân Nước Việt

Kính thưa quý thính giả, một người thanh liêm có khí phách của kẻ sĩ, một chính trị gia nổi tiếng về đạo đức và luôn lo cho dân, cho nước. Tất cả tiền lương của ông đều được ông chuyển tặng vào quỹ trợ cấp xã hội cho người nghèo. Trong tiết mục “Danh nhân nước Việt” tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Chí sĩ Phan Khắc Sửu” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.

Phan Khắc Sửu sinh ngày 9/1/1905, xuất thân từ gia đình điền chủ ở làng Mỹ Thuận, tổng An Trường, quận Cái Vồntỉnh Cần Thơ (nay thuộc tỉnh Vĩnh Long).

Năm 1924, ông sang Pháp du học tại Tunis và Paristốt nghiệpbằng kỹ sư canh nông.

Năm 1930, ôngvề nước làm Chính sự vụ Sở nghiên cứu Kinh tế và Kỹ thuật ở Nam Kỳ. Ông tham gia Phong trào Sinh viên chống lại chính sách thuộc địa của thực dân Pháp và đề xướng Phong trào Cách mạng Thống nhất dân An Nam.

Năm 1940, ông tham gia và hoạt động tích cực trong tổ chức Việt Nam Nhân dân Cách Mạng Đảng, một tổ chức chính trị đòi độc lập cho Việt Nam. Vì vậy, ông bị Toàn quyền Đông Dương Jean Decoux bắt giam và ông bị tuyên án 8 năm tù khổ sai ngoài Côn Đảo.

Ngày 9/3/1945 Nhật lật đổ Pháp,ông được trả tự do,liền cùng với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch thành lập Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng tại Sài Gòn, một tổ chức chính trị chống Pháp dưới hậu thuẫn của Nhật. Ông viết bài cho tờ báo Dân Quý, cơ quan phát ngôn của đảng này.

Đến khi Pháp tái chiếm Nam Bộ, ông bày tỏ thái độ bất hợp tác với Pháp lẫn Việt Minh.

Năm 1948, ông gia nhập vào Việt Nam Dân chủ Xã hội Đảng (gọi tắt là Dân Xã Đảng) một đảng chính trị với phần đông là tín đồ Hòa Hảo với chủ trương ủng hộ giải pháp Bảo Đại.

Năm 1949, Bảo Đại thành lập chính phủ, ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Canh Nông và Cứu Tế Xã Hội, nhưng chỉ một thời gian ngắn ông xin từ chức.

Năm 1954, Thủ tướng Bửu Lộc mời ông làm Bộ trưởng một lần nữa, nhưng ông từ chối, chỉ nhận tham gia Hội nghịToàn quốc trong Tiểu ban Nghiên cứu vấn đề độc lập của Việt Nam.

Khi ông Ngô Đình Diệm về nước làm Thủ tướng, ông được mời làm Bộ trưởng Bộ Canh Nông và Cải Cách Điền Địa. Không bao lâu sau, ông từ chức vì không đồng quan điểm với Nội Các và từ đó ông bị liệt vào “thành phần chống đối chế độ”.

Năm 1959, ông đắc cử dân biểu (đơn vị Sài Gòn) và gia nhập Mặt trận Đại đoàn kết Quốc Dân cùng với ông Nguyễn Tường Tam hoạt động đối lập với chính quyền.

Ngày 26/4/1960, ông cùng 17 nhân sĩ ký tên vào bản tuyên cáo nổi tiếng có tên là "Tuyên cáo Caravelle", chỉ trích các sai lầm của chính phủ và yêu cầu Tổng thống Ngô Đình Diệm phải cải tổ. Việc làm này khiến ông trở thành cái gai trong mắt chính quyền.

Cuộc đảo chánh ngày 11/11/1960 thất bại, ông bị quy tội ủng hộ đảo chính và bị bắt giam.

Ngày 11/7/1963, ông bị Tòa án Quân Sự Sài Gòn kết án 8 năm cấm cố cùng với Phan Quang ĐánVũ Hồng Khanh, Bùi Lương.v.v. Lúc tự biện hộ trước tòa, ông nói: "Nếu tôi có tội, thì tôi chỉ có mỗi một tội, là tội đuổi Pháp ra khỏi Sài Gòn, tội vì Dân tộc mà thôi!".

Ngày 31/7/1963, ông bị đày ra Côn Đảo. Tuy nhiên, chỉ sau 3 tháng, cuộc đảo chánh lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm thành công, nên ông được đón về Sài Gòn.

Ngày 4/11/1964, ông nhận chức Quốc trưởng và bổ nhiệm ông Trần Văn Hương làm Thủ tướng. Nhưng Nội Các chính phủ Trần Văn Hương bị nhiều giới phản đối và thiếu sự hợp tác của Hội đồng Quân nhân nên bị tê liệt.

Ngày 27/1/1965, Thủ tướng Trần Văn Hương giao quyền Thủ tướng lại cho Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Oánh.

Ngày 16/2/1965, Đại tướng Nguyễn Khánh thừa ủy nhiệm Hội đồng Quốc gia và Quân lực bổ nhiệm Bác sĩ Phan Huy Quát làm Thủ tướng để thành lập chính phủ mới. Nhưng chưa được 10 ngày, Đại tướng Nguyễn Khánh bị các tướng trẻ truất phế.

Ngày 5/6/1965, chính phủ dân sự của Thủ tướng Phan Huy Quát bị Hội đồng Quân lực giải tán. Hội đồng lãnh đạo Quốc gia cử Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ tịch, giữ nhiệm vụ Quốc trưởng thay thế ông Phan Khắc Sửu.

Năm 1968, ông Phan Khắc Sửu cùng với một số nhân sĩ như Nguyễn Thành Vinh, Trần Sinh Cát Bình .v.v. thành lập Phong trào Tân Dân Việt Nam.

Năm 1969 ông bị bệnh, đến ngày 24/5/1970 thì qua đời.Tang lễ ông được tổ chức long trọng theo nghi thức Quốc trưởng Việt Nam Cộng Hòa. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Nội các đến phúng điếu và truy tặng cho ông "Đệ Nhất đẳng Bảo Quốc Huân Chương", một huân chương cao quý nhất thời Việt Nam Cộng Hòa.

*****

Chí sĩ Phan Khắc Sửu là một kỹ sư, là nhà hoạt động chính trị, là Cựu Quốc trưởng VNCH và ông là một tín đồ trung kiên của đạo Cao Đài. Đã hơn 51 năm sau ngày ông qua đời, người Việt Quốc Gia vẫn luôn ghi nhớ tấm lòng trung can nghĩa đảm với tinh thần ái quốc, cùng công lao về sự tận tâm phục vụ đất nước của ông.

Nhìn lại thời kỳ đen tối và hủ nát hiện nay dưới chế độ cộng sản, một chế độ bất nhân chỉ biết phục vụ cho quyền lợi của thành phần chóp bu, dẫn đến xã hội bị tha hóa và nền đạo đức bị băng hoại, thì người Việt càng khâm phục các Chí sĩ thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa, trong đó phải kể đến cựu Quốc trưởng Phan Khắc SửuCuộc đời của ông là một điểm son, xứng đáng là tấm gương sáng để các thế hệ kế thừa noi theo trong công cuộc cứu quốc và kiến quốc./.

 

 

No comments:

Post a Comment