Wednesday, December 15, 2021

Dân Chủ đích thực và Dân Chủ cuội

Bình Luận

Các chế độ CS theo truyền thống đảng cử dân bầu như CSTQ và đàn em CSVNđều là những nền dân chủ cuội tiêu biểu, không còn lừa gạt được ai. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần bình luận của Hiếu Chân với tựa đề: “Dân Chủ đích thực và Dân Chủ cuội” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Trong 2 ngày 9 và 10 Tháng 12, Tổng Thống Mỹ Joe Biden chủ trì Hội Nghị Thượng Đỉnh về Dân Chủ (Summit For Democracy) bằng hình thức trực tuyến. Theo thông cáo của Bộ Ngoại Giao Mỹ: “Hội nghị sẽ tập trung vào những thách thức và cơ hội mà các nền dân chủ đang đối mặt, cung cấp một nền tảng để các nhà lãnh đạo công bố – cá nhân và tập thể – những cam kết, cải cách và sáng kiến nhằm bảo vệ nền dân chủ và nhân quyền ở trong nước và nước ngoài.” 

3 chủ đề chính của Hội Nghị kéo dài 2 ngày này là: 1/ Bảo vệ nền dân chủ chống lại chủ nghĩa chuyên chế; 2/ Giải quyết và đấu tranh chống tham nhũng; và 3/ Thúc đẩy sự tôn trọng nhân quyền. 

Sẽ không có nhiều chuyện để nói về Hội Nghị… nếu như không có một Hội Nghị tương tự vừa được tổ chức rầm rộ ở Bắc Kinh. 

Truyền thông quốc tế cho biết hôm Thứ Bảy, 4 Tháng 12, Trung Quốc đã tổ chức Diễn Đàn Dân Chủ Quốc Tế (International Forum on Democracy) như một đối cực của Hội Nghị Thượng Đỉnh mà ông Biden chủ trì. 

Thế là thế nào?

Hoa Kỳ (rộng ra là Châu Âu, Nhật Bản và nhiều nước khác) với Trung Quốc, nước nào là dân chủ thực sự, nước nào là dân chủ “tào lao” như kiểu nói của ông Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch nước Việt Nam? 

Dân chủ là gì? 

Có rất nhiều cách hiểu khác nhau về dân chủ từ khi thể chế chính trị này xuất hiện đầu tiên trong xã hội Athens ở Hy Lạp cổ cách đây 2,000 năm, sau đó tàn lụi và được phục hồi trở lại vào giữa thế kỷ 18 khi cuộc cách mạng ở Hoa Kỳ sản sinh ra được một nền dân chủ bền vững. 

Tuy chưa phải là một thể chế chính trị hoàn hảo tuyệt đối nhưng có thể khẳng định dân chủ là mô hình quản trị đất nước tốt nhất mà nhân loại có được sau hàng ngàn năm tiến hóa. Và tuy có nhiều định nghĩa khác nhau, hầu như ai cũng đồng ý rằng dân chủ là thể chế mà trong đó mọi người dân đều có tiếng nói, đều có quyền tham gia chính trị trực tiếp hoặc cử người đại diện cho mình tham gia điều hành xã hội thông qua quyền bầu cử phổ quát. Năm 2000, tại hội nghị Diễn Đàn Thế Giới ở Warsaw (Ba Lan) đại diện hơn 100 quốc gia đã tuyên bố rằng “ý chí của nhân dân” là “nền tảng của quyền lực nhà nước.” 

Dân chủ đi cùng với đa nguyên; xã hội dân chủ tôn trọng sự khác biệt về tư tưởng, nó cần có nhiều hơn một đảng chính trị và nhiều hơn một nguồn thông tin. Căn cứ vào các đặc điểm này, khoa học chính trị đã lập ra những thước đo, những tiêu chuẩn để đánh giá một đất nước nào đó là dân chủ-tự do, dân chủ khiếm khuyết, dân chủ phi tự do, độc tài chuyên chế (phi dân chủ), v.v… 

Na Uy, Iceland, Thụy Điển, New Zealand và Canada là “top 5” những nền dân chủ tự do đầy đủ của thế giới. Hoa Kỳ xếp thứ 25, cùng với Pháp, thứ 24, là 2 nước dẫn đầu nhóm các quốc gia có “nền dân chủ khiếm khuyết,” có điểm số cao về quy trình bầu cử và đa nguyên chính trị, quyền tự do dân sự, sự tham gia chính trị của người dân nhưng có điểm rất thấp về hoạt động của chính phủ và văn hóa chính trị. Trung Quốc với 1.4 tỷ dân, bị xếp vị thứ 151, nằm trong nhóm nước độc tài chuyên chế; tất cả các điểm số đều dưới trung bình, riêng điểm số về quy trình bầu cử và đa nguyên chính trị là zero (0.00). 

Vị thứ tệ hại của Trung Quốc làm cho hơn một phần ba dân số thế giới phải sống dưới chế độ độc tài. 

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn được thế giới coi là một nước độc tài toàn trị, do một đảng chính trị duy nhất là đảng Cộng Sản Trung Quốc (CSTQ) cầm quyền từ khi thành lập nước năm 1949 đến nay. Tổng Bí Thư Tập Cận Bình và Bộ Chính Trị đảng CSTQ nắm tất cả các nhánh quyền lực và ban hành mọi quyết định chính sách cho đất nước 1.4 tỷ dân, nhưng người dân Trung Quốc không thể có tiếng nói trong việc đưa các nhân vật này lên đỉnh quyền lực, dù vẫn phải đóng thuế và phải chấp hành mọi quyết định mà những người này đưa ra. 

Người Việt sống dưới sự cai trị của đảng Cộng Sản Việt Nam không xa lạ gì với mô hình “Dân chủ xã hội chủ nghĩa Trung Quốc” vì Việt Nam là một phiên bản thu nhỏ của mô hình đó. 

Nhưng sau khi Đặng Tiểu Bình thực hiện cải cách kinh tế theo hướng tư bản thị trường mà vẫn duy trì sự kiểm soát chính trị của nhà nước chuyên chế, Trung Quốc đạt được những thành tích rất ấn tượng về phát triển. Trong “niềm phấn khởi” đó, các lý thuyết gia Trung Quốc bắt đầu đả phá hệ tư tưởng phương Tây mà trọng tâm là thể chế chính trị dân chủ-tự do, đề cao mô hình “Dân chủ xã hội chủ nghĩa kiểu Trung Quốc”. Họ lập luận “dân chủ” không phải là một giá trị phổ quát, có thể áp dụng cho mọi xã hội loài người. Đi xa hơn, họ cho rằng mô hình của Trung Quốc hiệu quả hơn nhiều so với nền dân chủ phương Tây và ít bị vướng vào tình trạng bế tắc. 

Đó cũng là căn cứ cho nhận định của ông Tập Cận Bình: “Phương Tây đang suy tàn, phương Đông đang trỗi dậy.” Trong một chuyến công du Châu Âu năm 2014, ông Tập nói hệ thống dân chủ đa đảng không thích hợp với Trung Quốc. Ông cảnh báo việc sao chép các mô hình chính trị ngoại lai có thể gây ra thảm họa vì Trung Quốc có những điều kiện xã hội và lịch sử đặc thù. 

Những hoạt động dồn dập đó của Trung Quốc có thể nhằm xói mòn thẩm quyền đạo đức của Washington khi Hoa Kỳ tập hợp các nền dân chủ cùng chí hướng ở phương Tây vào cuộc chiến đấu lâu dài chống lại thể chế độc tài toàn trị của Trung Quốc. Trung Quốc cũng nhằm can ngăn các nước nhỏ đừng đi theo con đường của Hoa Kỳ mà hãy hướng về Bắc Kinh và đi theo con đường mà đảng CSTQ đã lựa chọn. 

Bắc Kinh cũng không ngần ngại đe dọa các nước nhỏ tham gia Hội Nghị sẽ phải chịu sự trừng phạt của Trung Quốc nếu ký kết vào các chương trình hành động mà Washington đưa ra. Còn các nước có nghe theo lời phủ dụ của Bắc Kinh hay không, sẽ chọn “dân chủ đích thực” hay “dân chủ cuội” là chuyện chưa biết được, chỉ biết uy tín của Trung Quốc trong cộng đồng quốc tế ngày càng thấp và ảnh hưởng của Bắc Kinh ở khu vực Châu Á cũng đang suy giảm so với ảnh hưởng của người Mỹ./. 

No comments:

Post a Comment