Một trong những mục tiêu bất biến của đảng CSVN xuyên suốt lịch sử là cướp chính quyền và sau đó cướp đất của dân hầu làm giàu cho đảng viên. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần bình luận của Hiếu Chân với tựa đề: “Thấy gì từ vụ đấu giá đất Thủ Thiêm?” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Mấy ngày qua, người dân cả nước xôn xao trước một chuyện bất thường: Cuộc bán đấu giá 4 lô đất trong khu đô thị mới Thủ Thiêm người mua bỏ giá cao từ 4 đến 8 lần mức chào bán và giá đất đạt kỷ lục từ trước đến nay.
Nhưng ai được lợi từ mức giá cao ngất ngưởng này? Người dân Thủ Thiêm bị cướp đất, bị đuổi khỏi nhà cửa phải lang thang vất vưởng và kiện tụng hơn 20 năm nay không hề được lợi.
Do luật pháp của đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) quy định “đất đai là sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý” nên Sài Gòn dưới thời ông Lê Thanh Hải (Hai Nhựt), bí thư Thành Ủy, đã ra tay tước đoạt quyền chủ đất của người dân với mức bồi thường rẻ mạt như vậy để rồi sau khi kết nối giao thông và mở mang đường sá thì bán lại với mức giá cao hơn 1,000 lần! Trong số tiền lời từ bán đất này hẳn có không ít nước mắt và máu của hàng vạn dân oan Thủ Thiêm.
Vụ đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm, với tổng diện tích khoảng 30,000 mét vuông, dự tính mang về cho ngân sách Sài Gòn hơn 37,346 tỷ đồng ($1.6 tỷ) vào lúc ngân khố cạn kiệt vì dịch bệnh được thực hiện khẩn cấp vì lý do đó.
Đất đai cũng là nguồn tham nhũng chủ yếu của các quan chức. Khi được đảng sắp xếp vào một ghế lãnh đạo địa phương nào đó, một quan chức bỗng dưng trở thành ông chủ của vô số đất đai trong địa bàn mà ông ta cai trị, ông ta có thể dùng “đất vàng” để biếu xén, hối lộ cấp trên, cấp đất cho tay chân thuộc hạ để lập vây cánh, cho vợ con, họ hàng thân thuộc, thậm chí cho nhân tình.
Phổ biến nhất là quan chức chính quyền câu kết với công ty bất động sản, ký duyệt bán nhiều lô đất với giá chỉ bằng một phần giá thị trường; doanh nghiệp muốn nhận đất tất nhiên phải biết điều mà trả phần tiền chênh lệch vào túi riêng của các quan chức liên quan.
Chính vì đất đai là nguồn nuôi sống chế độ và làm giàu cho các quan tham từ trung ương xuống địa phương cho nên tất cả những tiếng kêu gào thảm thiết của hàng triệu dân oan bị mất đất, lời kêu gọi sửa đổi cái Luật Đất Đai quy định mà giới trí thức liên tục đưa ra đã không bao giờ được chính quyền Cộng Sản đoái hoài tới. Lý do mà đảng Cộng Sản viện dẫn là học thuyết Cộng Sản xác định phải “công hữu hóa tư liệu sản xuất,” nếu trả lại quyền sở hữu đất đai cho người dân sẽ xóa nhòa đặc điểm của chủ nghĩa xã hội!
Một phương thức vay vốn khác được các ông trùm bất động sản ưa chuộng là phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Do lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở các ngân hàng Việt Nam hiện nay khá thấp so với lạm phát nên trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất cao hơn trở thành kênh đầu tư mà người dân đô thị Việt Nam lựa chọn. Theo số liệu của Bộ Tài Chính Việt Nam, trong 11 tháng đầu năm 2021, dù dịch bệnh và kinh tế đình đốn, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung đã huy động hơn 436,000 tỷ đồng ($19 tỷ) qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020.
Nếu mọi chuyện suôn sẻ thì tất cả các bên – công ty bất động sản, chính quyền, quan chức lãnh đạo, ngân hàng, khách hàng – đều có phần, thiệt hại chủ yếu rơi vào những gia đình bị giải tỏa để giao đất cho công ty làm dự án. Nhưng nếu có một trục trặc nào đó, chẳng hạn như giá nhà đất ở khu vực dự án bị sụt giảm, ngân hàng chậm giải ngân hoặc siết chặt việc cho vay thì dự án có nguy cơ đổ vỡ, khách hàng bị chậm giao nhà, thậm chí không được giao nhà như hợp đồng, dẫn tới kiện tụng kéo dài. Nếu doanh nghiệp bị vỡ nợ thì những người mua trái phiếu của họ nhiều phần sẽ trắng tay!
Trung Quốc đang chứng kiến các đại công ty bất động sản như tập đoàn Hằng Đại (Evergrande) bị “vỡ nợ hạn chế” do không trả được tiền lời trái phiếu quốc tế, hơn 1.5 triệu khách hàng không nhận được căn nhà đã đặt mua giữa lúc thị trường nhà đất các thành phố Trung Quốc bị đóng băng, giá nhà đất quay đầu giảm mạnh. Phương thức kinh doanh của các ông trùm bất động sản Việt Nam hoàn toàn là bản sao của các ông trùm Trung Quốc, từ câu kết với quan chức chính quyền, thổi giá tài sản đến phát hành trái phiếu huy động vốn, nên sự sụp đổ của các tập đoàn Trung Quốc đang gây chấn động lớn ở Việt Nam.
Hồi giữa tháng 11 vừa qua, ông Phạm Minh Chính, thủ tướng CSVN, đã phải ký công điện số 8857/CĐ–VPCP yêu cầu Bộ Tài Chính kiểm tra việc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp ở các công ty bất động sản và ngân hàng liên quan tới bất động sản, báo cáo cho ông ta trước ngày 15 tháng 12!
Evergrande và các đại gia nhà đất Trung Quốc bị vỡ nợ phần lớn do “thổi giá” sản phẩm lên cao, kích thích đầu cơ, làm phồng bong bóng bất động sản. Lo ngại trước tình trạng đầu cơ nhà đất đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính, hồi giữa năm nay nhà cầm quyền Bắc Kinh vội vã ban hành quy định “ba lằn ranh đỏ,” đặt giới hạn nợ so với vốn và tài sản của doanh nghiệp thì các đại gia nhà đất bắt đầu choáng váng. Nhiều tập đoàn không thể tiếp tục vay nợ để hoàn thiện các dự án, để trả lãi các khoản vay cũ, trái phiếu biến thành “rác” và dây chuyền phá sản theo kiểu Domino bắt đầu với tập đoàn Evergrande.
Việt Nam chưa có những đại công ty bất động sản quy mô cỡ Evergrande nhưng vụ vỡ nợ của Evergrande cho thấy mô hình kinh doanh nhà đất dựa vào quan hệ với quan chức và ngân hàng tiềm ẩn những rủi ro vô cùng lớn mà người trả giá là cả nền kinh tế. Vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm vừa qua và mức giá đất trên trời có thể là dấu hiệu cảnh báo bong bóng bất động sản ở Việt Nam đã phình to quá cỡ, sẽ phải nổ tung và kéo theo sự sụp đổ của một nền kinh tế chủ yếu dựa vào tài nguyên đất đai thay vì công nghệ hay sản xuất./.
No comments:
Post a Comment