Sau đây, mời quý thính giả theo dõi bản Tin tóm lược với Khánh Ngọc và Nguyên Khải
1) VIỆT NAM ĐỐI MẶT RỦI RO LẠM PHÁT TRONG NĂM 2022
Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, việc bảo đảm chỉ tiêu lạm phát năm 2021 dưới 4% có thể đạt được, nhưng năm 2022, rủi ro lạm phát có lại rất cao.
Tham gia giải trình trong phiên chất vấn tại Quốc hội vào sáng thứ Sáu ngày 12/11, bà Hồng cho rằng chính sách tiền tệ phải thực hiện hai nhiệm vụ chính, là điều hành để góp phần kiểm soát lạm phát và bảo đảm an toàn của hệ thống ngân hàng.
Theo bà, với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, áp lực rủi ro lạm phát nhập cảng rất lớn. Bà cũng bày tỏ sự thận trọng với khả năng bảo đảm an toàn của hệ thống tín dụng. Theo bà Hồng, nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang gia tăng. Các ngân hàng giảm lãi suất bằng chính nguồn lực chứ không phải từ ngân sách. Khi nợ xấu gia tăng các tổ chức cũng phải dùng nguồn lực để xử lý.
Dẫn bài học từ cuộc khủng hoảng kinh tế 2008- 2009, bà Hồng cho rằng, nếu tính toán không cẩn thận, rủi ro lạm phát có thể quay trở lại.
2) VIỆT NAM TẠM DỪNG ĐƯA LAO ĐỘNG TỪ MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG SANG NAM HÀN TRONG NĂM NAY
Cục Quản lý Lao động Ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo sẽ tạm dừng tuyển chọn lao động sang làm việc tại Nam Hàn theo chương trình Hệ thống Cấp phép Vấn đề Việc làm (gọi tắt EPS theo từ các tiếng Anh Employment Permit System) năm 2021 đối với 10 địa phương tại Việt Nam.
Việc dừng này áp dụng cho các quận/huyện có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng hạn từ 28% trở lên và có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Nam Hàn từ 53 người trở lên.
Các địa phương nói trên là huyện Đông Sơn, huyện Hoằng Hóa, thành phố Thanh Hoá (tỉnh Thanh Hoá), huyện Nghi Lộc thị xã Cửa Lò, Nam Đàn (Nghệ An), huyện Nghi Xuân, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh); huyện Tiền Hải (Thái Bình), huyện Bố Trạch (Quảng Bình).
Tuy nhiên, việc tạm dừng tuyển chọn lao động này sẽ không áp dụng với người lao động đăng ký dự tuyển ngành ngư nghiệp, người lao động đã từng đi làm việc tại Nam Hàn theo chương trình EPS nhưng về nước đúng hạn, và người lao động từng cư trú bất hợp pháp tại Nam Hàn tự nguyện về nước trong thời gian Chính phủ Nam Hàn thực hiện chính sách miễn xử phạt.
3) TRUNG CỘNG GẮN CAMERA CẢM BIẾN VÀ PHÁT LOA XUA ĐUỔI DÂN VIỆT Ở HÀNG RÀO BIÊN GIỚI
Trung Cộng vừa cho xây dựng hệ thống hàng rào dây thép gai kiên cố dọc biên giới với Việt Nam, đáng chú ý là hệ thống hàng rào này được lắp đặt camera cảm biến, tự động phát cảnh báo xua đuổi khi có người lại gần.
Bắc Kinh cho rằng việc dựng hàng rào thép gai là để ngăn chặn buôn lậu và người vượt biên trái phép, gần đây lý do được đưa ra là để ngăn đại dịch cúm Vũ Hán. Dự án này có tên “vạn lý trường thành phương nam.”
Hàng rào có lắp đặt các camera cảm biến và sẽ tự động phát ra cảnh báo bằng cả tiếng Trung lẫn tiếng Việt mỗi khi có người lại gần, đoạn cảnh báo giọng nữ giới có nội dung “khu vực giáp ranh xin rời khỏi lập tức.”
Việc Trung Cộng xây dựng hàng rào thép gai kiên cố dọc biên giới với Việt Nam cũng tạo ra một vài tranh chấp giữa hai bên. Phía Việt Nam cáo buộc Trung Cộng nối điện cao thế vào hàng rào gây nguy hiểm đến tính mạng người dân sinh sống gần đó. Hà Nội cũng tìm cách ngăn chặn quá trình xây dựng hàng rào của phía Trung Cộng vì cho rằng việc này xâm phạm lãnh thổ Việt Nam.
4) ROSNEFT BÁN TOÀN BỘ CỔ PHẨN TRONG LIÊN DOANH KHAI THÁC Ở LÔ DẦU KHÍ 06.1
Ngày 12/11, hãng tin Nhà nước Nga TASS đưa tin công ty Rosneft đã bán toàn bộ cổ phần của mình trong liên doanh Rosneft Vietnam BV, liên doanh hoạt động tìm kiếm và khai thác dầu khí ở lô 06.1 thuộc bể Nam Côn Sơn của Việt Nam đã từng bị tàu hải cảnh Trung Cộng quấy nhiễu từ năm 2019 đến nay.
Rosneft nắm giữ 35% cổ phần trong Liên doanh Rosneft Vietnam BV, công ty ONGC của Ấn Độ nắm 45% cổ phần, 20% cổ phần còn lại do PVN của Việt Nam nắm giữ. Dự án này được thực hiện theo hợp đồng chia sẻ sản phẩm giữa ba bên và đã kéo dài khoảng 18 năm qua với ba mỏ là Lan Tây, Lan Đỏ và Phong Lan Dại.
Từ khoảng giữa tháng 5 đến tháng 10 năm 2019, Trung Cộng đã điều tàu hải cảnh và tàu thăm dò Hải dương địa chất 8 vào quấy nhiễu hoạt động thăm dò khi công ty Rosneft Vietnam BV triển khai giàn khoan Hakuryu 5 ra thăm dò ở tại một giếng ở mỏ Phong Lan Dại, cách bờ biển Việt Nam khoảng 190 hải lý, tức nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời cũng nằm trong đường đứt khúc chín đoạn mà Bắc Kinh vẽ ra trên biển.
Vào tháng 6 năm ngoái,
dưới sức ép của Trung Cộng, Việt Nam đã phải quyết định bỏ hợp đồng thuê giàn
khoan Noble Clyde Boudreaux được sử dụng trong khoan thẩm lượng mỏ Phong Lan
Dại của liên doanh Rosneft Vietnam BV.
5) HẢI QUÂN ĐỨC SẼ GỬI TÀU CHIẾN ĐẾN BIỂN ĐÔNG
Phó Đô đốc Kay-Achim Schönbach, người đứng đầu Hải quân nước Đức tuyên bố Berlin thể điều tàu chiến đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hai năm một lần. Trong cuộc họp báo ở Tokyi vào đầu tháng này. Đức muốn đưa tàu đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hai năm một lần để giúp gìn giữ hòa bình và trật tự dựa trên luật quốc tế trong khu vực.
Lời tuyên bố được đưa ra sau khi tàu hộ tống Bayern ghé cảng Nhật Bản vào tuần qua và trở thành tàu chiến đầu tiên của Đức đến thăm Nhật trong gần 20 năm.
Tham mưu trưởng Hải quân Đức nói rằng Berlin có thể sẽ điều tàu vào khu vực này vào năm 2023, tùy thuộc vào tình hình ở Biển Đông.
Hồi tháng 9 năm ngoái, Đức cùng với Anh và Pháp đã gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Cộng ở Biển Đông, đồng thời khẳng định tự do hàng hải và hàng không qua khu vực này.
No comments:
Post a Comment