Tham nhũng tại Việt Nam, trên phương diện y tế hoặc bất cứ phương diện nào khác, đều phát xuất từ trật tự chính trị Mác-Lê và những cơ chế độc tài, độc đảng liên hệ. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần bình luận của Hiếu Chân với tựa đề: “Tham nhũng ở Việt Nam có phải do cơ chế?” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Tham nhũng ở Việt Nam là “chuyện xưa như trái đất”, càng ngày càng có nhiều vụ tham nhũng gộc bị đưa ra ánh sáng đến mức người dân không còn cảm thấy ngạc nhiên nữa. Ấy thế nhưng Quốc Hội trong kỳ họp đang diễn ra lại bàn cãi sôi nổi chung quanh câu hỏi “các cán bộ y tế vừa bị bắt và khởi tố có phải do ‘thể chế’ hay không” và đòi “cần phải rút ra bài học và giải pháp từ vấn đề này” (!).
Sự việc bắt đầu khi Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương của đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) ngày 4 Tháng Mười Một thông báo kết luận kỷ luật về mặt đảng các tập thể, cá nhân tại Bộ Y Tế, trong đó có cả những người đang giữ trọng trách chống dịch. Thông báo này được đưa ra sau khi cơ quan điều tra Bộ Công An đã khởi tố ông Trương Quốc Cường, thứ trưởng Bộ Y Tế, để điều tra những sai phạm liên quan vụ án nhập thuốc giả của công ty VN Pharma thời ông là cục trưởng Cục Quản Lý Dược. Vài ngày sau, Bộ Công An tiếp tục truy tố và bắt giam một số lãnh đạo các bệnh viện có hành vi nâng khống giá thiết bị và vật liệu y tế để trục lợi cá nhân.
Cùng bị kỷ luật với ông Cường còn có nhiều cá nhân
là lãnh đạo ngành y tế, gồm cựu Bộ Trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ba Thứ
Trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trương Quốc Cường, Cao Minh Quang, nhiều cục trưởng,
vụ trưởng, nhiều lãnh đạo các bệnh viện công như bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện
Tim, bệnh viện thành phố Thủ Đức… Và, theo kết luận này của Ủy Ban Kiểm Tra
Trung Ương, ủy ban sẽ tiếp tục xem xét những đối tượng có liên quan đến “vụ kỷ
luật mang tính hệ thống ngành y tế” nêu trên. Danh sách các “quan tham y tế”,
hành vi và tội danh của họ đã được báo chí trong nước miêu tả cụ thể.
Đặc biệt gây xôn xao dư luận là việc bắt giam và khởi tố Bác Sĩ Nguyễn Quang Tuấn, bí thư Đảng Ủy, giám đốc bệnh viện Bạch Mai, cựu giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội, bị bắt ngày 21 Tháng Mười; và Bác Sĩ Nguyễn Minh Quân, giám đốc bệnh viện thành phố Thủ Đức, bị bắt và khởi tố ngày 8 Tháng Mười Một.
Từ hiện tượng hàng loạt quan chức y tế bị xộ khám, có nhiều người đổ lỗi cho cái gọi là “thể chế y tế”, đưa những bác sĩ có trình độ cao, tay nghề giỏi lên giữ các chức vụ về quản trị như giám đốc bệnh viện, làm những công việc mà họ không được đào tạo để làm, không có kinh nghiệm và do vậy họ dễ phạm “sai lầm khuyết điểm”, lâm vào con đường tù tội và làm đất nước mất đi “những tài năng” quý giá! Có thật như vậy không?
Nhưng khẳng định những vụ án vi phạm pháp luật ở Bộ Y Tế “không phải do cơ chế” như ý kiến của ông Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công An, trong phiên thảo luận chiều ngày 10 Tháng Mười Một, cũng không thuyết phục được ai. Tô Lâm là người mới đây đã nổi tai tiếng toàn thế giới trong vụ ăn miếng thịt bò dát vàng có giá hàng ngàn đô la trong nhà hàng của Salt Bae tại London, Anh, và video “đớp” của ông ta gây chấn động mạng xã hội. Để có được lối sống vương giả như vậy, chắc chắn Tô Lâm phải là một ông trùm tham nhũng mà các hành vi phạm luật của các quan chức y tế nêu trên có thể chẳng thấm vào đâu so với ông ta.
Ở Việt Nam, từ khi Cộng Sản cầm quyền, quyền lực và tài sản quốc gia bị tập trung vào tay một nhóm người ngự trị trên chóp bu của đảng CSVN và lòng tham từ đó tác oai tác quái không được kiểm soát, không được kiềm chế khiến cho không chỉ ngành y tế mà toàn xã hội bị đẩy vào một vực thẳm tha hóa, biến chất, trở nên gian trá, điếm xảo, xa rời truyền thống nhân văn của dân tộc.
Trở lại vụ án ngành y tế, các Bác Sĩ Nguyễn Quang Tuấn, Nguyễn Minh Quân và Nguyễn Nhật Cảm nói trên có thể là những người giỏi trong lĩnh vực chuyên môn của họ. Nhưng một khi đã thỏa hiệp với chế độ toàn trị, gác công việc của một bác sĩ để làm một quan chức lãnh đạo trong guồng máy Cộng Sản thì họ đã tự nguyện bị “tha hóa”, bị biến thành những tên tội phạm tiềm năng, sớm hay muộn hành vi tham nhũng của họ cũng sẽ bị lột trần trước công chúng. Bây giờ họ phải trả giá bằng những năm tháng tù ngục và đó là điều hợp lý.
Đừng ngây thơ tin vào cái gọi là “đốt lò” của ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng. Công cuộc chống tham nhũng trong một chế độ độc đảng độc tài chỉ là một từ ngữ hoa mỹ để che giấu các vụ đấu đá và thanh trừng nội bộ vì tranh giành quyền lực; phe nào “nghịch” thì bị điều tra, bắt bớ, giam cầm, phe nào “thuận” thì cứ tiếp tục ăn trên ngồi trốc, tiếp tục vơ vét; chẳng may có bị lộ ra ngoài thì cũng chỉ giơ cao đánh khẽ như vụ án tay trùm tình báo Nguyễn Duy Linh ăn hối lộ của ông Phan Văn Anh Vũ mới vừa kết thúc xét xử sơ thẩm.
Chỉ khi nào quyền lực được kiểm soát bằng thể chế
dân chủ, cử tri được chọn người đại diện cho mình trong guồng máy quản trị đất
nước thông qua bầu cử tự do và công bằng; bằng chế độ tam quyền phân lập, trong
đó các nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp kiểm soát lẫn nhau để ngăn chặn
việc lạm dụng quyền lực; bằng báo chí tự do và có các đảng đối lập chính trị
đấu tranh trong nghị trường để ngăn chặn việc một đảng tự đặt mình lên trên
luật pháp thì khi đó tệ nạn tham nhũng mới có thể thuyên giảm và bị loại trừ.
No comments:
Post a Comment