Saturday, August 8, 2020

Tin Tức: Thứ Bảy 08.08.2020

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức  sẽ được Mỹ Linh & Đồng Tâm trình bày sau đây.

NGÀNH ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM LỖ GẦN 726 TỶ ĐỒNG TRONG 7 THÁNG ĐẦU NĂM 2020

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam dự kiến lỗ gần 726 tỷ đồng (gần 31 triệu Mỹ kim) trong 7 tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng bởi đại dịch Vũ Hán.

Truyền thông trong nước đưa tin doanh thu hợp nhất toàn tổng công ty dự kiến đạt hơn 3.650 tỷ đồng, bao gồm doanh thu vận tải đường sắt ước tính đạt hơn 1.900 tỷ đồng, giảm 900 tỷ đồng hay 32% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân khiến vận tải đường sắt lỗ lả do số lượng hành khách sụt giảm nghiêm trọng, doanh thu không đủ bù đắp các chi phí cố định tối thiểu. Số lượng hành khách 6 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt hơn 2 triệu lượt hành khách, gần bằng 1/2 so với cùng kỳ năm ngoái.

Hơn 4.000 nhân công trong lãnh vực này thiếu việc làm, phải nghỉ luân phiên hay tạm hoãn hợp đồng lao động.

KHOẢNG 33.000 NGƯỜI VIỆT SANG NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TRONG 6 THÁNG ĐẦU NĂM 

Cục quản lý Lao động Nước ngoài thuộc Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đưa tin do ảnh hưởng của đại dịchVũ Hán, trong 6 tháng đầu năm 2020 Việt Nam chỉ có 33.000 người đi làm việc ở nước ngoài.

Bộ này cho biết thêm trong thời gian từ 2017 đến 2019, Việt Nam đưa người đi lao động ở nước ngoài tăng từ 135.000 đến 152.000.

Hiện Đài Loan có 230.000 người lao động Việt Nam, Nhật Bản có gần 200.000 người, Nam Hàn – 50.000 người, Malaysia- 25.000 người và một số quốc gia khác.

Thu nhập của người lao động làm việc ở nước ngoài cũng tăng lên so với trước đây, khoảng 1.500 Mỹ kim tại Nhật Bản, 1.800 ở Nam Hàn, 600-800 tại Đài Loan, 350-500 tại Malaysia và Trung Đông. Hàng năm, số tiền do người lao động đi làm việc ở nước ngoài gửi về nước khoảng 2,7 – 3,3 tỷ Mỹ kim/năm.

ỦY HỘI SÔNG MEKONG KÊU GỌI CHIA SẺ DỮ LIỆU VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐẬP THUỶ ĐIỆN

Vào thứ Năm ngày 07.8, Ủy hội Sông Mekong kêu gọi Trung Cộng và các quốc gia ở Đông Nam Á chia sẻ thêm dữ liệu về hoạt động đập thủy điện một cách minh bạch và nhanh chóng, vì dòng nước ở sông Mekong đã xuống mức thấp kỷ lục sang năm thứ hai liên tiếp.

Theo báo cáo của tổ chức này, mực nước xuống thấp và tình trạng hạn hán tại hạ lưu sông Mekong do nhiều yếu tố gây nên. Ngoài những yếu tố như lượng mưa ít bởi hiện tượng khí hậu El Nino, còn có tác động của những đập thủy điện trên thượng nguồn (11 đập ở Trung Cộng), và phần hạ nguồn gồm (2 đập ở Lào). 

Báo cáo cũng nói rằng nếu mực nước trong mùa lũ năm 2020 này không cải thiện, các quốc gia nên tìm kiếm nguồn nước thay thế để bảo đảm nguồn cung cấp nước. Đồng thời, cần yêu cầu các nhà khai thác thủy điện và nhà điều hành thủy lợi điều chỉnh các hoạt động ngắn hạn của họ và giám sát tiềm năng xói mòn do dòng chảy gây nên.

Nếu dòng chảy thấp vẫn còn thiếu, các nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam nên yêu cầu Trung Cộng xả thêm nước, như họ đã làm trong năm 2016, để giảm bớt tình trạng thiếu nước tại lưu vực hạ lưu sông Mekong, đặc biệt là trong mùa khô sắp tới.

TRUNG CỘNG BẮT ĐẦU THỬ NGHIỆM TÀU TẤN CÔNG ĐỔ BỘ LỚP 075 TRÊN BIỂN

Trung Cộng bắt đầu thử nghiệm tàu tấn công đổ bộ lới 075 trên biển và sẽ sớm được đưa vào vận hành.

Theo nhiều video được chia sẻ trên mạng xã hội, Trung Cộng đã vận hành tàu đổ bộ lớp 075 nặng 40.000 tấn, khởi hành từ một nhà máy đóng tàu ở Thượng Hải dọc theo sông Hoàng Phố.

Được đánh giá là là tàu đổ bộ lớn nhất châu Á, lớp 075  sẽ có thể mang theo 30 trực thăng, cũng như một số xe tăng lội nước, xe bọc thép, tàu phản lực.

Đây là tàu đổ bộ cỡ lớn đầu tiên của Hải quân Trung Cộng, được cho là có thể sánh ngang với tàu đổ bộ lớp America và lớp Wasp của Mỹ.

Quân đội Trung Cộng đã đặt hàng một số tàu đổ bộ cỡ lớn trong những năm gần đây, bao gồm năm tàu đổ bộ lớp 071 có trọng lượng 25.000 tấn/chiếc, với mục tiêu tăng cường sức mạnh quân sự để thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông.

BẤT BÌNH VỚI HOA KỲ, ĐỨC VÀ PHÁP RỜI THẢO LUẬN VỀ CẢI TỔ WHO

Đức và Pháp rút lui khỏi các cuộc thảo luận bàn về cải cách Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vì cho rằng Hoa Kỳ muốn dẫn đầu các cuộc thương thuyết, dù Hoa Thịnh Đốn đã quyết định rời tổ chức này.

Động thái này bất lợi cho Tổng thống Donald Trump vào lúc Hoa Kỳ, hiện là chủ tịch luân phiên của khối G7, hy vọng công bố một lộ trình chung cải cách sâu rộng WHO vào tháng 9, hai tháng trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Như tin đã loan, vào tháng 7, Hoa Kỳ thông báo sẽ rời WHO sau khi cáo buộc WHO quá thân với Trung Cộng và xử lý sai lầm đại dịch Vũ Hán.

Ngoài ra, đã có nhiều cuộc thảo luận về việc cải tổ WHO bắt đầu cách đây 4 tháng,  gần 20 cuộc họp trực tuyến giữa các bộ trưởng y tế nhóm 7 nước công nghiệp G7, cùng hàng chục cuộc họp của các nhà ngoại giao và những giới chức khác.

No comments:

Post a Comment