Kính thưa quý thính giả, “Nói Với Người Cộng Sản” là một diễn đàn để trình bày với các Đảng viên ĐCSVN, đặc biệt đối với những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. NVNCS do Tiến Văn biên soạn với bài viết “Covid-19 tại Việt Nam” qua sự diễn đọc của Tâm Anh.
Tiến Văn
Thưa quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội,
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam đang có chiều bùng phát trên diện rộng và diễn biến phức tạp. Lần này, bọn cầm quyền đã phải chấp nhận một sự thật là ở Việt Nam đã có người chết vì Covid-19.
Cách đối xử và tuyên truyền ầm ĩ về bệnh nhân-phi công người Anh trong đợt dịch trước đã cho tất cả chúng ta thấy rõ bản chất đạo đức giả của hệ thống cầm quyền.
Bệnh nhân-phi công người Anh cũng cho chúng ta thấy bản chất nịnh bợ ngoại bang, coi thường dân Việt của đảng Hồ-Tàu. Cùng là bệnh nhân, nhưng nếu là người nước ngoài, đặc biệt là người của các quốc gia đang có ảnh hưởng tới bọn cầm quyền, sẽ luôn được trọng vọng, ưu ái hơn gấp nhiều lần so với người bệnh chỉ là một dân thường của Việt Nam.
Đây là truyền thống quị lụy ngoại bang đã có từ thời kì đầu của đảng Hồ-Tàu. Mà điển hình là chỉ thị của Hồ cho các cấp dưới phải có chính sách đặc biệt ưu đãi dành cho các cố vấn Trung Cộng sang giúp cộng sản Việt Nam đánh Pháp trong những năm 1950-1954.
Thưa anh chị em và quí vị, chính sách biệt đãi, phân biệt đối xử này đúng ra không phải là vấn đề nếu như mục đích của nó được nhắm tới là vì quyền lợi chung của dân tộc và đất nước. Nhưng đối với Hồ và đảng cộng sản, sự biệt đãi chỉ được thực hiện nếu nó có lợi cho quyền lực và quyền lợi của Hồ và đảng của ông ta.
Sau năm 1954, quan hệ giữa Hồ và Mao ngày càng trở nên thắm thiết và chặt chẽ do Mao đã trợ giúp đắc lực cho Hồ giành được chiến thắng quan trọng tại Điên Biên Phủ, tạo ra một chính danh mới cho Hồ và đảng cộng sản Việt Nam trở về Hà Nội nắm độc quyền quyền lực trên miền Bắc.
Nhưng cũng từ năm 1954, sau Đại hội 20 của đảng cộng sản Liên Xô, quan hệ giữa Bắc Kinh và Mát-Cơ-Va ngày càng trở nên cạnh tranh, xung đột do tham vọng của Mao ngày càng lớn, muốn tách khỏi ảnh hưởng của Mát-Cơ-Va để trở thành ngọn cờ đầu trong phong trào cộng sản quốc tế. Trong khi đó, Khrushchev, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương đảng cộng sản Liên Xô đã nêu ra một đề xuất rất mới có hướng tiến bộ: “chung sống hòa bình” với phương Tây.
Sự khác biệt về quan điểm giữa hai “quan thầy” Liên-Xô và Trung Cộng cũng ảnh hưởng tới quan điểm của các đảng viên cao cấp trong đảng cộng sản Việt Nam. Nhiều người tán thành muốn đi theo quan điểm của Liên-Xô, như các đảng viên Hoàng Minh Chính, Bùi Công Trừng, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Kiến Giang, Lê Trọng Nghĩa, Trần Minh Việt, Đặng Kim Giang, Nguyễn Minh Cần, v.v.
Tuy nhiên hàng ngũ lãnh đạo cao cấp nhất của đảng cộng sản Việt Nam lại lựa chọn theo đường hướng của Mao: muốn tiếp tục chính sách bạo lực, gây hấn với phương Tây; và nhờ đường hướng này, cộng sản Việt Nam sẽ tiến hành chiến tranh để tiến chiếm Việt Nam Cộng Hòa tại miền Nam.
Chính vì lí do này, bọn lãnh đạo chóp bu đã quyết định tạo tác ra một vụ án để thanh trừng, loại bỏ tất cả những nhân vật có ý hướng đi theo Liên-Xô, bất kể công trạng, thành tích của họ đã có đối với đảng cộng sản trước đây. Đó là vụ án nổi tiếng thường được dư luận gọi là “Vụ án Xét lại, chống Đảng”. Vụ án được khởi động vào ngày 27 tháng 07 năm 1967 bằng việc bắt giữ Giáo sư Hoàng Minh Chính và kéo dài trong nhiều năm cùng với việc bắt giữ nhiều nhân vật cao cấp khác thuộc nhiều lãnh vực khác nhau như quân đội, báo chí, xuất bản. Có một đặc điểm chung của các vụ bắt giữ này là: tất cả những người bị bắt đều có quan điểm ủng hộ chính sách “chung sống hòa bình” của Liên Xô và tất cả đều bị bắt lén, giam cầm lén lút, hoàn toàn không được đưa ra xét xử cho đến tận ngày hôm nay.
Trong vụ thanh trừng này, Hồ lại giả bộ đứng ngoài đóng vai vô can để cho các tay chân bên dưới thực hiện. Nhưng thực tế, Hồ và tất cả bọn chóp bu đã quyết định triển khai chính sách phục vụ Bắc Kinh và kiềm chế Liên-Xô để tiếp tục con đường máu lửa tiến chiếm Việt Nam Cộng Hòa. Trần Đĩnh trong tác phẩm Đèn Cù đã kể rõ hai sự kiện liên quan tới chính sách hai mặt này của Hồ và đảng cộng sản:
“Khi Việt Nam kịch liệt lên án Liên Xô, chị Nona người Nga, giáo sư đại học ở ta, vợ Nguyễn Tài Cẩn, mấy lần mếu máo bảo tôi là đi đường chị vẫn bị người lớn trẻ con ném đá và chửi ‘đ.mẹ con xét lại.’” (hết trích)
Trần Đĩnh còn trực tiếp chứng kiến một trấn đấu bóng đá giữa đội Liên-Xô và một đội bóng của quốc gia xã hội chủ nghĩa khác tại Hà Nội, trong trận bóng này, Trần Đĩnh thấy:
“...có những bị cói và sọt đan kín phủ báo ở chân mấy người xem gần chỗ chúng tôi. Thì ra đựng đầy đá củ đậu. Trận đấu bắt đầu được chừng mười lăm phút, người xem ở khắp bốn phía sân vận động thình lình nhất tề nhè vào cầu thủ Liên-Xô ném đá tới tấp.” (hết trích)
Chính sách lá mặt, lá trái, xấp ngửa bàn tay này của đảng Hồ-Tàu vẫn được các thế hệ chóp bu ngày nay tiếp tục tùy vào sự biến đổi của tình hình quốc tế và tương quan giữa các quan thầy miễn sao phù hợp với những tính toán vụ lợi của bọn chóp bu. Như chúng ta có thể nhận thấy, những hành động xấp ngửa tiểu nhân như thế luôn được thực hiện một cách lén lút để phòng khi bị chất vấn, bọn chóp bu sẽ đổ thừa cho cấp dưới.
Nhưng như các anh chị em và chúng ta đều biết, nếu không có chỉ đạo, tổ chức của bọn chóp bu, không ai lại dám tự làm những hành động độc ác, vô lí như thế.
Tuy nhiên, bản chất lưu manh, phản phúc này của đảng Hồ-Tàu không thể qua mắt được quan thầy tại Bắc Kinh. Đây chính là bi kịch của đảng Hồ-Tàu và bọn chóp bu trong bối cảnh toàn thế giới đang có sự đảo lộn, sắp xếp lại theo một trật tự mới chưa ai biết trước.
Tâm Anh cùng Tiến Văn xin tạm biệt và hẹn gặp lại quí vị cùng anh chị em trong chuyên mục tuần tới.
09/08/2020
No comments:
Post a Comment