Bản chất bá quyền hung hăng của Trung cộng, nhất là tại Biển Đông, đã biến nước này trở thành mối đe dọa và đối tượng khinh bỉ của mọi quốc gia tại Biển Đông. Mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi phần Bình Luận của Ls. Đăng Thanh Chi với tựa đề: Đối Đầu Biển Đông sẽ được Song Thập trình bày, và đây là tiết mục để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Trong bối cảnh thế giới đang dần nhìn ra những tác hại gây ra bởi Trung Quốc và bắt đầu có phản ứng sau khi tình trạng dịch bệnh do vi khuẩn “made-in-China” lan tràn, ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã lên tiếng kêu gọi các nước đoàn kết chống lại đảng cộng sản Trung Quốc và ngăn chận những thách thức Trung cộng gây ra cho thế giới ngày nay.
Tuyên bố ngày 13 tháng 7 của ngoại trưởng Pompeo là dấu hiệu rõ ràng nhất về chính sách đối đầu với Trung Quốc của Hoa Kỳ xuyên qua vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông.
Pompeo cũng gọi các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông là “có tính khiêu khích cao” và phản đối các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh là “bất hợp pháp”. Hoa Kỳ cũng kêu gọi tất cả các nước tự do dân chủ phải ủng hộ một trật tự thế giới dựa trên quy tắc tự do và cởi mở nhằm duy trì chủ quyền của tất cả các nước bất kể diện tích quốc gia, sức mạnh và khả năng quân sự.
Trước đó, nhằm thuyết phục các nước và Việt Nam trong vai trò chủ tịch khối ASEAN năm 2020 trong việc kêu gọi các quốc gia trong vùng cùng tạo thế liên minh sẵn sàng đối đầu Trung Quốc, chính quyền Trump đã chuyển lực lượng quân sự Mỹ đến khu vực vào lúc Trung quốc đang hoàn tất các cuộc tập trận và chuẩn bị rút quân. Các tuyên bố của Mike Pompeo gia tăng trọng lượng khi đi kèm với hai chiếc hàng không mẫu hạm của Hải Quân Hoa Kỳ: USS Ronald Reagan và USS Nimitz di chuyển các hoạt động tới kênh Bashi, phía nam Đài Loan, trước khi tiến vào Biển Đông, và một hàng không mẫu hạm khác, chiếc USS Theodore Roosevelt, cũng có mặt trong khu vực.
Ngay lập tức, các báo chí nhà nước Trung Quốc đồng loạt đi tin rằng Trung Quốc vốn đã chuẩn bị sẵn các cuộc tập trận hải quân trên các đảo đang tranh chấp, với ý chí sẵn sàng đẩy lùi bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền của họ. Để đáp lại, Mỹ cũng tăng cường thêm 2 tàu chở dầu và 6 máy bay trinh sát ở kênh Bashi.
Chính sách đối đầu Trung Quốc ngày càng quyết liệt của Hoa Kỳ song song với các cuộc đối thoại, thương lượng song phương, đưa đến kết quả có vẻ tích cực trong việc thúc đẩy Việt Nam và các nước trong vùng có phản ứng mạnh mẽ hơn về vấn đề biển Đông với Trung quốc. Tại Hội Nghị Thượng Đỉnh lần thứ 36 của Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) – năm nay được tổ chức qua mạng vì cách ly trong thời gian đại dịch-, Việt Nam trong vị trí chủ tịch khối ASEAN trong năm 2020, đã mạnh dạn lên tiếng cảnh báo và phản đối tình trạng mất an ninh ngày càng gia tăng ở Đông Nam Á do các hoạt động gây hấn của Trung Quốc ở biển Đông. Dựa trên cơ sở Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam đã kêu gọi các nước ASEAN cùng phản đối các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong vùng. Tưởng cũng nên nói thêm, vào tháng 7 các nô bộc nhà nước Việt Nam đã bất chợt thay đổi, chuyển sang “thế đứng” với quan thầy, dám chính thức gửi công hàm ngoại giao phản đối Trung Quốc về việc tiến hành các cuộc tập trận hải quân ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa là “vi phạm nghiêm trọng” chủ quyền của Việt Nam, và cảnh báo rằng điều này có thể tạo căng thẳng trong khu vực và tác động đến mối quan hệ của Bắc Kinh với các nước láng giềng.
Đến nay, các nỗ lực tạo thế liên minh trong khu vực Thái Bình Dương của Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc đã cho thấy các thành công sơ khởi: Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Australia Linda Reynolds và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ba bên, và ra tuyên bố chung tái khẳng định cam kết tăng cường an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Bản tuyên bố chung cũng bày tỏ mối quan tâm về việc Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông và tái khẳng định sự phản đối của 3 nước về việc Trung quốc sử dụng vũ lực, hoặc những hình thức cưỡng chế có thể làm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, bao gồm việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các địa điểm tranh chấp, sử dụng các tàu tuần duyên và lực lượng dân quân hàng hải 1 cách nguy hiểm nhằm mục đích ức chế và gây rối các hoạt động khai thác tài nguyên của các nước khác. Đặc biệt là Nhật Bản vừa ký kết hiệp ước tài chính cho Việt Nam vay $345 triệu Mỹ kim để lần đầu tiên cung cấp 6 tàu tuần dương trong mục tiêu tăng cường khả năng kiểm soát và bảo vệ vùng lãnh hải đang bị Trung Quốc lấn chiếm.
Ngoài ra, các nước trong vùng như Nam Dương và Phi Luật Tân cũng đã vào cuộc, kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của tòa án quốc tế. Đến nay, Mã Lai là quốc gia duy nhất từchối bình luận mặc dù một báo cáo gần đây của chính phủ Mã Lai cho biết rằng tàu của Trung Quốc đã xâm nhập tất cả là 89 lần vào vùng đặc quyền kinh tế, EEZ của Mã Lai từ năm 2016 đến năm 2019.
Mặc dù vài quốc gia trong vùng còn cẩn thận và dè dặt trong việc đối đầu với Trung Quốc, Mỹ vẫn tin rằng cuối cùng các nước cũng sẽ nhận ra rằng để bảo vệ lợi ích quốc gia thì phương thức đánh bại các hành động và mưu đồ của Trung Quốc đòi hỏi sự tập hợp của các quốc gia cùng với Hoa Kỳ. Trong những ngày tới, đối với Hoa Kỳ, việc tạo ra một liên minh gồm các đối tác sẵn sàng hành động cũng quan trọng như việc nhắm đúng mục tiêu chiến lược để triệt là Đảng CS Trung Quốc.
Câu hỏi đặt ra: liệu chính sách đối đầu với Trung Quốc của Hoa Kỳ sẽ thành công hay không? Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào 3 yếu tố:
1) Trump sẽ tái đắc cử hay không trong kỳ bầu cử sắp tới.
2) Trong bối cảnh thế giới bất an vì đại dịch mà nguyên nhân lây lan là do Trung quốc, các nước sẽ đoàn kết như thế nào và họ quyết tâm đối đầu, chống lại sự bành trướng xâm lược, và các tác hại của Trung Quốc ra sao? Và
3) Tập Cận Bình sẽ nỗ lực vận động chủ nghĩa dân tộc trong nước đến mức nào để đối phó với Hong Kong và giải quyết các bất ổn nội bộ đảng thế nào nhằm xiết chặt quyền lực ở Trung Quốc?
Ls. Đăng Thanh Chi
No comments:
Post a Comment