Kính thưa quý thính giả, lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt đã sản sinh nhiều bậc anh thư, kiên cường chiến đấu trong tinh thần bất khuất. Sau khi cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng thất bại, ngày 17/6/1930, Nguyễn Thái Học và 12 đảng viên bước lên máy chém ở Yên Bái. Một phụ nữ đã đến tận pháp trường chứng kiến cái chết anh dũng của vị hôn phu cùng 12 đồng chí, sau đó tự kết liễu đời mình bằng khẩu súng lục.
Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Cô Giang, Một Anh Thư Nước Việt” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Việt Thái
“Anh là người yêu nước, không làm tròn nhiệm vụ cứu quốc! Anh giữ linh hồn cao cả để chiêu binh, rèn luyện dưới suối vàng! Phải chịu đựng nhục nhã mới mong có ngày đất nước được vẻ vang! Các bạn đồng chí của Anh phải sống để đánh đổ cường quyền mà cứu lấy đồng bào đau khổ!”
Đó là lời viết của Cô Giang trong bức thư thứ 2, trước khi tự sát.
Cô Giang tên thật là Nguyễn Thị Giang, một nhà cách mạng chống thực dân Pháp và là vị hôn thê của Nguyễn Thái Học, lãnh tụ của Việt Nam Quốc Dân Đảng.
Nguyễn Thị Giang sinh năm 1906, tại thị xã Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang. Bà là con của ông Nguyễn văn Cao và bà Nguyễn Thị Lưu, và là em ruột của Nguyễn Thị Bắc, tức Cô Bắc.
Giòng họ bà xuất thân từ một làng dệt thuộc tỉnh Hà Đông, vì thân phụ tham gia Phong trào Văn Thân nên phải dời lên buôn bán tại phố Thọ Xương, thị xã Phủ Lạng Thương.
Sau khi học xong lớp nhất, Cô Giang cùng chị là Cô Bắc được nhà yêu nước Nguyễn Khắc Nhu dìu dắt, kết nạp vào tổ chức Việt Nam Dân Quốc.
Ngày 25/12/1927, nhóm trí thức trẻ trong Nam Đồng thư xã đứng ra thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng. Sau đó, đảng này sáp nhập với Việt Nam Dân Quốc vì họ có cùng mục tiêu là “đánh đuổi quân Pháp giành lại nền độc lập cho Việt Nam”.
Nhờ việc sáp nhập này, lãnh tụ Nguyễn Thái Học có dịp làm quen với Cô Giang và cùng thề nguyền xả thân cứu nước.
Sau đó, Cô Giang được đề cử giữ chức vụ Tổng thư ký của Việt Nam Quốc Dân Đảng, cùng chị là Cô Bắc phụ trách việc truyên truyền, binh vận và liên lạc các cơ sở đảng ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Yên Bái…
Vào trung tuần tháng 5 năm 1929, Nguyễn Thái Học triệu tập Đại hội Đảng toàn quốc tại làng Đức Hiệp, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, ra quyết định tổng khởi nghĩa. Công việc chuẩn bị chưa hoàn tất thì cuối năm 1929 tại Bắc Giang, một cơ sở chế bom bị phát nổ. Đầu năm 1930, người Pháp khám phá được nhiều cơ sở chế tạo vũ khí và bom đạn, bắt giữ nhiều đảng viên.
Trước tình thế bất lợi, Nguyễn Thái Học triệu tập hội nghị khẩn cấp, quyết định tiến hành khởi nghĩa khắp nơi vào đêm 10, rạng sáng ngày 11/2/1930.
Cuộc khởi nghĩa đã nổ ra nhiều nơi, nhưng bị thất bại vì Thống sứ Robin đã ra lệnh rải quân trấn áp quyết liệt, kể cả việc xử dụng máy bay trút bom dữ dội xuống làng Cổ Am (Hải Phòng) và nhiều làng mạc khác. Lãnh tụ Nguyễn Thái Học cùng nhiều đồng chí nòng cốt của Việt Nam Quốc Dân Đảng bị quân Pháp bắt.
Nghe tin vị hôn phu của mình bị bắt, Cô Giang bàn thảo kế hoạch tấn công nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) để giải cứu Nguyễn Thái Học và nhiều người khác. Nhưng kế hoạch chưa kịp thực hiện thì Pháp đã đưa Nguyễn Thái Học và 12 đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng từ Hà Nội lên Yên Bái để xử chém vào ngày 17/6/1930.
Chứng kiến cuộc xử chém, Cô Giang về phòng trọ viết 2 bức thư tuyệt mệnh. Lá thư thứ nhất gửi cho cha mẹ của Nguyễn Thái Học, và lá thứ hai gửi cho người chồng nơi chín suối.
Ngày hôm sau 18/6/1930, Cô Giang về Vĩnh Yên và tự kết liễu đời mình bằng khẩu súng lục mà Nguyễn Thái Học tặng cô ở đền Hùng.
Người dân trong vùng thương mến tấm lòng yêu nước của Cô Giang đã lập mộ cô giữa cánh đồng giữa làng Thổ Tang, trên mộ có khắc ghi 2 câu thơ của cô:
“Quốc kỳ phấp phới trên thành,
Tủi thân không được chết vinh dưới cờ.“
* * *
Cùng với đảng trưởng Nguyễn Thái Học, tên tuổi của Cô Giang đã được ghi vào trang sử Việt. Một trường trung học ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, được đặt tên của vị anh thư kiên cường này. Và tại miền Nam trước năm 1975, hầu hết các thành phố lớn đều có con đường mang tên Cô Giang để tưởng nhớ một phụ nữ đã thể hiện đúng truyền thống “giặc đến nhà, đàn bà phải đánh” và đã noi theo tấm gương tuẫn tiết của các bậc anh thư thời Trưng Nữ Vương.
Đọc lại tiểu sử của hai chị em Cô Giang – Cô Bắc, không ai là không khâm phục tấm lòng yêu nước và sự can đảm của hai phụ nữ này. Điều đáng nói là khi ấy, trong hàng ngũ Việt Nam Quốc Dân Đảng có nhiều phụ nữ như Cô Giang – Cô Bắc đã “đáp lời sông núi”, tự nguyện dâng hiến máu xương để giành lại độc lập cho nước nhà. Dù “không thành công” nhưng họ đã thành nhân, giúp kích động lòng yêu nước trong giới thanh niên trí thức ở thập niên 1930.
Hai câu thơ khắc ghi trên mộ Cô Giang có thể mờ nhạt qua thời gian, nhưng nó vẫn còn in đậm trong lòng những người còn tha thiết đến tiền đồ của đất nước và hạnh phúc của toàn dân.
Nhưng điều đáng nói hơn hết là trong nhiều năm qua, dưới sự thống trị của đảng CSVN có mức tàn bạo gấp trăm lần thời thực dân Pháp, dòng máu bất khuất của Cô Giang – Cô Bắc vẫn được luân chảy trong giới phụ nữ mang giòng máu Tiên Rồng, quyết đấu tranh cho nền tự chủ của dân tộc. Ngày nào nước Việt còn có những bậc anh thư thì dân tộc Việt chắc chắn sẽ khôi phục được nền độc lập và chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải, mà tập đoàn lãnh đạo CSVN đã hèn hạ dâng hiến cho bọn Tàu Cộng phương Bắc!
No comments:
Post a Comment