Hôm 23 tháng 8 vừa qua, Việt Nam và Trung Cộng kỷ niệm 20 năm ký kết Hiệp Uớc Biên Giới Đất Liền Việt Nam-Trung Quốc và 10 năm thực hiện 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền giữa hai nước. Ngoại Trưởng TC là Vương Nghị đã thúc đẩy phía VN đàm phán song phương về các vấn đề tranh chấp biển đảo. Mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi bài Quan Điểm của LLCQ với tựa đề: “Thỏa Thuận Biên Giới Có Tồn Tại Được Không?” sẽ được Hải Nguyên trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Thưa quí thính giả,
Hôm 23 tháng 8, 2020, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao CS Việt Nam Phạm Bình Minh, cùng với bộ trưởng ngoại giao Trung Cộng là Vương Nghị đến cầu Bắc Luân II thuộc cửa khẩu quốc tế Móng Cái của Việt Nam, nơi mà phía TC gọi là cửa Đông Hưng, ở đây có cột mốc số 1369, nơi diễn ra “lễ kỷ niệm 20 năm ký kết Hiệp ước biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc và 10 năm triển khai 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc.”
Theo những thông tin chính thức từ nhà cầm quyền CS Việt Nam thì sau nhiều năm đàm phán, hai nước Việt-Trung đã hoàn tất các thỏa thuận việc phân định biên giới giữa hai nước, dẫn đến Hiệp Nước năm 1999. Sau đó là thực hiện việc cắm mốc phân định ranh giới, công tác hoàn tất năm 2008. Để thực thi Hiệp Định nói trên, năm 2010, hai bên đã thỏa thuận thi hành hiệp ước bằng 3 văn kiện có nội dung chính như sau:
- Văn kiện mô tả địa lý, dày 450 trang với trên 2,200 trang phụ lục, mô tả chi tiết hướng đi của toàn bộ đường biên giới dài 1,449. 566 km, với các chi tiết tọa độ, độ cao từng cột mốc. Mỗi đoạn biên giới và mỗi mốc giới có 1 bộ hồ sơ riêng bao gồm lời mô tả, sơ đồ tọa độ và bản đồ.
- Qui định việc quản lý biên giới như bảo vệ, khai thác, sử dụng, nguồn nước sông suối; sự qua lại của người, phương tiện và hàng hóa; phối hợp duy trì an ninh, trật tự. Kèm theo có 18 phụ lục các mẫu giấy tờ trao đổi giữa hai bên khi thực hiện công việc biên giới giữa hai nước.
- Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý các cửa khẩu cho phù hợp với luật pháp hai nước và luật pháp quốc tế.
Tuy những thông tin của Ủy Ban Biên Giới xác định những gì ghi trong Hiệp Đinh nói trên, nhưng trong quá trình đàm phán, Việt Nam đã dựa vào công ước ký kết giữa Pháp và triều đình Mãn Thanh ngày 26-6-1887, sau khi Tàu bại trận năm 1885. Thời gian hơn 100 năm qua với quá nhiều biến cố chính trị và quân sự ở cả hai bên, cùng với âm mưu và tham vọng của Bắc Phương, rất nhiều vùng đã mất hết những dấu mốc biên giới cũ. Từ đó nhiểu người tin rằng VN bị mất rất nhiều đất khi phân định lại biên giới. Sự tranh cãi về Ải Nam Quan, thác Bản Giốc và bãi Tục Lãm chỉ là những địa điểm nổi bật mà thôi.
Trong buồi lễ kỷ niệm nói trên, ngoại trưởng TC Vương Nghị, bằng ngôn ngữ ngoại giao đã khéo léo vuốt ve phía VN rằng: “hai bên cần tiếp tục tăng cường hợp tác trong công tác quản lý biên giới, phát huy hơn nữa vai trò của Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc, giải quyết tốt các sự việc phát sinh trên biên giới, nâng cao hiệu quả quản lý. Việc hai bên giải quyết ổn thỏa các vấn đề biên giới trên đất liền và Vịnh Bắc Bộ sẽ là kinh nghiệm quý báu để giải quyết vấn đề trên biển.” Rõ ràng đây là thông diệp Vương Nghị muốn nói với VN rằng, hai nước đã giải quyết tốt vấn đề biên giới đất liền và Vịnh Bắc Bộ, thì cũng theo cách này để giải quyết nốt vấn đề biển đảo, chứ đừng để các thế lực khác can thiệp vào.
Trên thực tế khi phân ranh Vịnh Bắc Bộ, VN công bố rằng VN được 53,23% diện tích còn Trung Quốc được 46,77%, nhưng sự thật VN đã thiệt mất hơn một vạn cây số vuông so với đường biên giới biển trước đây. Chưa hết, hiện nay VN không thế khai thác tài nguyện và ngư dân VN đang khốn đốn khi đánh bắt trong vùng biển của mình. Còn Biển Đông có Hoàng Sa và Trường Sa của VN thì đã bị đường lười bò 9 đoạn của Tàu Cộng liếm hết 90% diện tích, nên việc đàm phán song phương như Vương Nghị muốn, chỉ là cách hợp thức hóa hành động của kẻ cướp mà thôi.
Trở lại vấn để biên giới Việt-Trung, người VN không quên được 6 chữ “đồng trụ chiết – Giao Chỉ diệt” mà Mã Viện đã để lại nơi biên giới, sau khi đánh thắng anh hùng Trưng Nữ Vương của VN. Trụ đồng này còn cho thấy mối lo của Phương Bắc sẽ có một ngày quan quân Phương Nam vượt qua để dành lại phần lãnh thổ rộng lớn của Việt Tộc trước kia. Đúng như dự đoán, năm 1075 danh tướng Lý Thường Kiệt đã vượt biên ải, đánh thẳng vào 3 châu Ung, Khâm và Liêm, giáng cho nhà Tống một đòn chí tử, bẻ gẫy toàn bộ mưu toan và ý chí xâm lăng của giặc. Ải Nam Quan cũng là dấu mốc Phi Khanh nhắn nhủ Nguyễn Trãi hãy trở về nuôi chí phục thù cho cha, cho nước.
Nói đến biên giới con dân Việt không bao giờ được quên di chúc của vua Trần Nhân Tông: “Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên cái hoạ lâu đời của ta là hoạ nước Tàu. Chớ coi thường chuyện vụn vặt nảy ra trên biên ải. Các việc trên, khiến ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn. Tức là họ không tôn trọng biên giới qui ước…. Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn: “Một tấc đất của Tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác. Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu”.
Đối với tham vọng bành trướng của TC, thì một ngàn bản hiệp ước cũng trở nên vô ích, nên mối nguy của chúng ta hiện nay là chính những người cầm quyền CSVN lại đang thực hiện ý muốn của Bắc Kinh. Đây là vấn đề sinh tử của quốc gia, nên mọi người đều phải có trách nhiệm.
Cám ơn quí thinh giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.
LLCQ
No comments:
Post a Comment