Friday, August 14, 2020

Gia đình TNLT Cấn Thị Thêu (phần 1)

Chân Dung Người Tù Lương Tâm

Liên tục chương trình, mời quý thính  giả theo dõi (phần đầu) chuyên mục Chân Dung Người Tù Lương Tâm do Thúc Lân biên soạn qua giọng đọc của Bảo Trân.

Thưa quý thính giả! Chúng ta đã điểm qua hơn 30 gương mặt yêu nước đang bị giam cầm trong nhà tù cộng sản qua chuyên mục “Chân dung TNLT”. Mỗi gương mặt, mỗi cái tên đều gợi cho chúng ta lòng yêu mến, cảm phục về sự dấn thân. Không chỉ những người đấu tranh mới phải trả giá cho lý tưởng mình theo đuổi mà cả gia đình, người thân của các TNLT cũng phải chống chọi với đủ trò sách nhiễu, hãm hại của nhà cầm quyền cộng sản. Do vậy, đằng sau mỗi một người tù lương tâm là một câu chuyện gia đình đầy biến động, đáng để người đời suy ngẫm.

Số tiếp theo của chuyên mục, xin giới thiệu về một gia đình đặc biệt có đến 4 người đi tù chỉ vì bảo vệ đất đai tổ tiên để lại, chống tham nhũng, bất công và đấu tranh đòi nhân quyền, dân chủ cho Việt Nam: Gia đình bà Cấn Thị Thêu. Chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu về bà Thêu, chồng và hai con trai bà, anh Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư trong các tuần tiếp theo.

Như chúng ta đã biết, sáng sớm ngày 24/6/2020, nhà cầm quyền Việt cộng đã tấn công vào tư gia và bắt đi bà Cấn Thị Thêu cùng hai con trai Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư. Một người dân oan Dương Nội khác là bà Nguyễn Thị Tâm cũng bị bắt giam cùng ngày với mẹ con bà Thêu. Xuất thân từ những nông dân lam lũ, nhiều năm đi khiếu kiện, gia đình bà Cấn Thị Thêu gồm chồng bà là ông Trịnh Bá Khiêm, hai con trai Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư đã trở nên nổi tiếng về lòng quả cảm vì những nỗ lực đóng góp cho công cuộc đòi nhân quyền, dân chủ tại Việt Nam.

Bà Cấn Thị Thêu sinh năm 1962, đã trải qua hai lần tù và đang bị giam cầm lần thứ 3 chưa có án. Lần đầu bà bị bắt cùng chồng là ông Trịnh Bá Khiêm. Lần thứ 3 bà bị bắt cùng hai con trai và cả ba mẹ con đều bị cáo buộc “chống nhà nước”, một tội danh bịa đặt để trả thù những những bất đồng chính kiến với mức án khá nặng. Để tìm hiểu về gia đình bà Thêu, xin điểm qua một số chi tiết liên quan đến mảnh đất Dương Nội, nơi gia đình bà Thêu sinh sống nhiều năm.

Năm 2008, nhà nước thực hiện việc cướp đất tại Dương Nội (Hà Đông) dưới chiêu bài quen thuộc “thu hồi”, “giải tỏa” và “đền bù” để thực hiện một số dự án kinh tế có lợi cho một bộ phận quan chức. Giống như nhiều vụ “thu hồi” đất khác, người dân Dương Nội không được thông báo, họp bàn hoặc đền bù một cách thỏa đáng. Người dân Dương Nội chỉ được đền bù với giá rẻ mạt là 201 600 đồng cho 1 mét vuông đất. Trong khi đó, quan chức địa phương và các doanh nghiệp cấu kết với nhau phân lô bán nền với giá cao gấp nhiều lần là 32 triệu 500 ngàn đồng trên một mét vuông. Không đồng tình với việc làm phi pháp, phi lý này, nhiều người dân Dương Nội đã đứng lên đấu tranh, khiếu kiện để đòi lại công bằng cho mình. Có ít nhất 7 người dân đã bị đi tù, hàng chục người khác bị đánh đập, khủng bố, bị bao vây kinh tế chỉ vì đấu tranh bảo vệ tài sản và quyền lợi chính đáng của mình. Nhà cầm quyền địa phương đã nhiều lần mang xe ủi đến phá hủy nhà cửa, hoa màu, nghĩa trang của người dân mà kinh hoàng nhất là vụ cướp đất diễn ra sáng ngày 25/4/2014. Hàng ngàn tên gồm công an sắc phục lẫn thường phục, côn đồ, cảnh sát cơ động … đã được nhà cầm quyền huy động đến Dương Nội để đàn áp, cướp đất và bắt người. Nhiều nông dân bị công an đánh trọng thương phải nhập viện. Ít nhất 10 nông dân Dương Nội đã bị công an bắt giam, trong đó có các ông Trần Văn Tuyên, ông Trịnh Bá Khiêm, các bà Nguyễn Thị Ngân, Nguyễn Thị Toàn, Đặng Thị Thanh, Cấn Thị Thêu và cụ ông Nguyễn Văn Sự… Hai người bị giam trước đó là hai ông Trần Văn Miên, Trần Văn Sanh.

Bà Thêu bị bắt khi đang đứng trên một cái chòi để quay cảnh công an cướp đất, đánh người. Sau khi phát hiện bà Thêu đang quay video, lực lượng công an đã tấn công bà bằng vũ lực, đánh chảy máu đầu và đưa bà tới trại giam số 3, quận Hà Đông trong tình trạng bất tỉnh. Toàn bộ diện tích 32 ha đất đai đang trồng rau, hoa màu bị nhà cầm quyền dùng xe ủi tàn phá.

Ngày 24/4/2014, đúng một ngày trước hôm bị bắt, bà Cấn Thị Thêu đã ký vào bản di chúc sống để ủy quyền việc khiếu nại – tố cáo, trong đó có đoạn viết:

Cuộc đấu tranh của tôi và bà con đến nay đã là hơn sáu năm. Trong 6 năm qua có lúc tôi đã bị đầu độc bằng chất kịch độc phải vào nằm ở khoa cấp cứu chống độc Bệnh viện Bạch Mai nhiều ngày. Có lúc tôi bị một nhóm người xưng danh là chính quyền ép tôi lên xe ô tô biển xanh, hình thức như một vụ bắt cóc, có lúc đầu gấu đến tận gia đình nhà tôi đe dọa cấm không cho tôi được cùng với bà con đi khiếu kiện đất đai, nếu không sẽ không để tôi và gia đình tôi được yên.”

“Khi toà án đem tôi ra xét xử thì tôi yêu cầu tòa án phải xét xử công khai…”

“Khi tôi bị bắt thì gia đình và bà con hãy photo giấy ủy quyền này để mỗi người đi đòi sự công bằng cho tôi đều cầm trong tay một bản làm bằng chứng là đã có sự ủy quyền của tôi…”

“Khi tôi bị bắt nếu Công an dùng nhục hình để ép cung, mớm cung và tra tấn đánh đập tôi đến chết thì tôi nhờ bà con và gia đình mang xác tôi đến các cơ quan chính quyền của thành phố Hà Nội và chính phủ để làm sáng tỏ sự việc” (Hết trích).

************

Bà Thêu và chồng bà, ông Trịnh Bá Khiêm sau đó đã bị kết án 15 tháng tù giam cho mỗi người với cáo buộc “chống người thi hành công vụ”, điều 257 BLHS. Bà thụ án tại phân trại số 4, Trại giam số 5 Thanh Hóa, một trong những nhà tù khắc nghiệt nhất Việt Nam. Sau khi ra tù, bà Thêu vẫn tiếp tục công cuộc chống tham nhũng, khiếu kiện và đồng hành với người dân Dương Nội trong việc đòi quyền lợi chính đáng trên mảnh đất của mình. Bà được xem là thủ lĩnh tinh thần của dân oan Dương Nội. Hơn thế, bà và hai người con trai Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư từ những người nông dân chất phác đã trở thành những người bảo vệ nhân quyền không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế biết đến.

No comments:

Post a Comment