Thứ Tư ngày 13.01.2013
Các chế độc độc tài đang cáo chung trên thế giới và chế độ CS đang giẫy chết tại Việt nam. Vấn nạn của các dân tộc liên hệ là làm sao tiến trình hoán chuyển từ độc tài sang dân chủ luôn phải bảo đảm trật tự xã hội, ôn hoà, bất bạo động và tôn trọng quyền lợi lâu dài của quốc gia. Bài học của Ủy Ban Chân Lý và Hoà Giải Nam Phi là kinh nghiệm quý báu có thể nghiên cứu, và áp dụng tại Việt Nam. Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Đà Giang với tựa đề: "Ủy Ban Chân Lý và Hoà Giải cho Việt Nam", sẽ được Vân Khanh trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Thế kỷ 21 sẽ chứng kiến sự kiện lịch sử sang trang ở các nước độc tài còn sót lại trên thế giới, trong đó có CSVN. Tình hình thế giới lẫn những biến chuyển tại quốc nội cho thấy, đã đến lúc người Việt đấu tranh cho dân chủ cần nghiên cứu những giải pháp chuyển tiếp chính trị, hầu bảo đảm cho việc ổn định xã hội trong giai đoạn chuyển tiếp từ độc tài sang dân chủ. Chúng ta cũng có nhu cầu đánh tan âm mưu hù dọa hàng ngũ cán bộ, quân đội, và công an CSVN, về khả năng trả thù của một chính quyền dân chủ hậu CS.
Thiết tưởng chúng ta nên học hỏi và so sánh các biến động chính trị sau đây: Cuộc chiến Nam-Bắc tại Hoa Kỳ từ năm 1861 đến 1865, cách mạng Bolshevik 1917, chiến thắng của Mao Trạch Đông tại Trung Quốc 1949, biến cố 30/4/1975 tại Việt Nam, chiến thắng của đảng African National Congress của Nelson Mandela tại Cộng Hoà Nam Phi 1994, chiến thắng của Tổng thống Robert Mugabe tại Zimbabwee 1980.
Lịch sử chứng minh cho thấy, nếu như một chính quyền mới có đủ trí tuệ và sự khoan dung trong chính sách, họ sẽ ổn định được trật tự xã hội và quốc gia đó có nền dân chủ phồn vinh. Ngược lại, nếu một chính quyền mới thiếu khôn ngoan đeo đuổi chính sách hận thù, thì chắc chắn xã hội nơi đó sẽ bất ổn và đất nước sớm tiêu vong. Đây là một quy luật lịch sử hầu như bất di bất dịch. Trí tuệ và sự khoan dung của phe chiến thắng đã đưa Hoa Kỳ lên hàng cường quốc, đem lại ổn định cùng sự phát triển về kinh tế cho Nam Phi. Trong khi các quốc gia khác như Nga Sô, Trung Hoa, Việt Nam và Zimbabwee, chỉ vì lòng thù hận mà đem lại cái họa độc tài cho dân tộc họ.
Những bài học lịch sử rất nhiều và đa dạng. Tuy nhiên, bài học gần nhất mà dân ta phải học hỏi là từ kinh nghiệm của Ủy Ban Chân Lý & Hoà Giải tại Nam Phi (Truth and Reconciliation Commission), dưới sự chủ toạ của Tổng Giám Mục Anh Giáo, Desmond Tutu. Sau nhiều thập niên đấu tranh chống lại sự cai trị của thiểu số người da trắng, đảng African National Congress dưới sự lãnh đạo của Nelson Mandela đã chiến thắng và lên nắm quyền tại Nam Phi. Thay vì với chính sách trả thù, Nelson Mandela và các cộng sự viên đã hoá giải những hận thù truyền kiếp từ nhiều thế hệ, giữa 2 sắc dân da trắng và da đen trong một quốc gia. Một trong những phương thức được áp dụng đó là Ủy Ban Chân Lý và Hoà Giải. Ủy ban này gồm có 3 tiểu ban: -
1- Tiểu Ban Vi phạm Nhân Quyền (Human Rights Violations Committee)
2- Tiểu Ban Bồi Thường và Phục Hồi (Reparation and Rehabilitation Committee)
3- Tiểu Ban Ân Xá (Amnesty Committee)
Mục đích tối thượng của Ủy Ban là quyền lợi quốc gia, qua việc truy tìm sự thật, giúp đỡ các nạn nhân, và trong phạm vi hữu lý thì ân xá cho các phạm nhân.
Lịch sử Việt Nam phức tạp hơn Nam Phi do đó Ủy Ban Chân Lý & Hoà Giải tại Việt nam sẽ gánh nhiều trách nhiệm hơn so với Nam Phi. Thật vậy, chiều dài giai đoạn lịch sử của Ủy Ban Việt Nam chịu trách nhiệm sẽ bắt đầu từ hiện tại, đi ngược lại lịch sử vào thời kỳ Pháp thuộc. Kể từ khi cuộc chiến chống Pháp giành độc lập, lịch sử Việt Nam có quá nhiều công án đẫm máu còn chưa giải quyết đã làm tổn thương tâm thức dân tộc. Các sự thật liên hệ cần phải được điều tra tường tận bởi những chuyên gia vô tư và công bằng. Sau đó, lịch sử phải được nghiêm chỉnh viết lại trên căn bản phi ý thức hệ, hầu lưu lại cho các thế hệ mai sau. Chẳng hạn các công án về: -
- Sự kiện các đảng phái quốc gia bị người CS tiêu diệt trong giai đoạn kháng Pháp.
- Sự kiện nhà ái quốc Phan Bội Châu bị bắt.
- Cuộc đấu tố cải cách ruộng đất vào thời Trường Chinh làm tổng bí thư, và vai trò của Hồ Chí Minh trong giai đoạn này.
- Cái chết của Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ.
- Biến cố Tết Mậu Thân tại Huế.
- Sự thật về các trại cải tạo sau 30/4/1975, và những biến cố đau thương khác của lịch sử.
- Công hàm của Phạm Văn Đồng liên hệ đến Hoàng Sa và Trường Sa.
- Sự kiện phía sau các hiệp ước về đất và biển giữa CSVN và CSTQ.
Ngoài các tiểu ban như Nhân Quyền, để điều tra sự thật về các vi phạm nhân quyền, ban Bồi Thường & Phục Hồi (hoặc chức năng hoặc danh dự) cho các nạn nhân, và các ban cần thiết khác. Nhưng quan trọng hơn hết chúng ta cần có thêm một ban về Điều Tra Sự Thật Lịch Sử Việt Nam (Historical Truths Rectifications Committee), nhằm trả lại sự thật cho dân tộc sau gần 200 năm lầm than bởi ngoại xâm và chiến tranh ý thức hệ tương tàn. Ban này cần có sự giúp đỡ của các chuyên gia quốc tế về khảo sử, để truy lùng sự thật lịch sử bằng những kỹ thuật khoa học tân tiến nhất. Chúng ta chỉ thật sự tôn trọng nhân dân Việt Nam khi chúng ta tôn trọng sự thật lịch sử.
Tiểu ban Ân Xá giữ một vai trò quan trọng, một khi sự thật được phơi bày thì tác động ân xá có thể được xét đến. Một phạm nhân có thể được ân xá trong phạm vi hữu lý, nhưng mục tiêu tối hậu là quyền lợi lâu dài của tố quốc được bảo vệ. Dĩ nhiên các tội danh như phản quốc, cố sát, hay diệt chủng sẽ nằm ngoài phạm vi quyền hạn của ban Ân Xá. Với các tội danh này ngoài việc toàn dân không chấp nhận ân xá, còn có những hiệp ước quốc tế mà chính quyền Việt Nam một khi ký kết phải tuân thủ như là một quốc gia thành viên của cộng đồng quốc tế. Các cá nhân vi phạm không những phải chịu sự chế tài của Việt Nam, mà còn bị chế tài bởi các toà án quốc tế như Toà Hình Sự Quốc Tế (Inter-national Court of Criminal Justice) tại thủ đô Hoà Lan, The Hague. Lúc đó, trách nhiệm của Ủy Ban Chân Lý và Hoà Giải là sẽ trao toàn bộ hồ sơ và chứng cớ đến các cơ quan chính quyền hay quốc tế liên hệ, để truy tố và xét xử. Các phiên xử này sẽ công khai và công bằng, các bị cáo dĩ nhiên có đầy đủ nhân quyền và dân quyền để tự biện minh cho mình. Sự hiện hữu của một Desmond Tutu của Việt Nam là chủ toạ Ủy Ban, sẽ làm việc cho đất nước trong tinh thần công minh, liêm chính và quy tụ được lòng người, để cùng nhau xây dựng lại một nền dân chủ chân chính cho VN tương lai.
Trong chiều hướng một Ủy Ban Chân Lý và Hoà Giải tôn trọng sự ổn định xã hội và quyền lợi tối thượng của tổ quốc, chắc chắn đại khối cán bộ, bộ đội và công an CSVN sẽ không bị trả thù cá nhân. Họ sẽ trở về với đại khối dân tộc, trong một nước Việt Nam dân chủ thời hậu cộng sản.
Đà Giang
No comments:
Post a Comment