Thứ Ba ngày 12.01.2013
Khi những nhà độc tài CSVN tuyệt vọng trước bước đi bất khả vãn hồi của trào lưu dân chủ, họ không ngần ngại sử dụng những thủ đoạn hạ lưu nhất để bám víu quyền lực và quyền lợi. Nhưng đem quyền lợi giai cấp và cá nhân ra để hù doạ công an, các cán bộ về hưu, hay quân đội để mua chuộc lòng trung thành vị kỷ là những hành động trơ trẽn, vụng về, không còn lừa gạt được ai. Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Đà Giang với tựa đề: "Tương lai đại khối đảng viên CSVN dưới một chính quyền dân chủ", sẽ được Vân Khanh trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Trong những tháng qua, chúng ta thấy hiện tượng các lãnh tụ CSVN như Nguyễn Phú Trọng đã vô cùng hốt hoảng trước viễn tượng sụp đổ của chế độ, bởi họ nhìn đâu cũng thấy tòan các thế lực thù địch. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đám đàn em cũng bị Trọng xem như là một thế lực thù địch. Từ sự hoảng sợ này đã sinh ra chính sách tung tin vịt, để hù dọa hàng ngũ cán bộ nhằm bảo vệ cho chế độ.
Trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, công an được rỉ tai là họ phải đàn áp triệt để những người đi biểu tình, bởi các lãnh tụ CSVN cho rằng dân chúng muốn lật đổ mình và "nếu đảng còn thì mình còn, đảng mất thì mình cũng mất". Cán bộ đảng được khuyến cáo phải ra sức bảo vệ đảng, nếu không tiền hưu trí của họ sẽ bị mất đi khi một chính quyền dân chủ lên thay thế.
Tuy các mánh khoé trên là những trò lừa gạt không có thực chất, nhưng sự quan tâm của mọi tầng lớp cán bộ đảng về tương lai cá nhân và gia đình họ trong một trật tự xã hội dân chủ tương lai, là mối quan ngại chính đáng cần phải có sự giải thích nghiêm chỉnh.
Vấn đề này phức tạp và cần nhiều giấy mực để diễn giải tường tận, nhưng có thể được tóm gọn bằng những nét chính mà mọi chế độ dân chủ cần phải tuân thủ. Trước hết, chúng ta cần phân biệt bộ máy điều hành quốc gia trên 2 phương diện chính trị và hành chánh. Trong một chế độ dân chủ tương lai sẽ có sự thay đổi về phương diện chính trị, nhưng không nhất thiết phải thay đổi về phương diện hành chánh. Nền dân chủ trong một nước Việt Nam tương lai sẽ mang tính hiến định, pháp trị và đa nguyên. Trong đó yếu tố nổi bật là yếu tố pháp trị tức hệ thống cai trị bằng luật pháp, và nền tảng luật pháp của quốc gia là hiến pháp.
Nhìn từ góc cạnh khác, hiến pháp cũng chỉ là một khế ước. Thật vậy, tại những quốc gia dân chủ hiện đại thì sự tương quan giữa chính quyền và dân chúng là một tương quan có tính khế ước (contractual relationship). Khế ước này được thể hiện trong một bản hiến pháp dân chủ, dĩ nhiên bản hiến pháp không thể nói lên trọn vẹn về mối tương quan giữa người và người trong xã hội. Phần còn lại của khế ước xã hội này được thể hiện trong một nền văn hoá truyền thống, với những tập tục bất thành văn cùng nếp sống ngàn đời của dân tộc Việt.
Chính vì thế, dưới một chính quyền dân chủ hậu cộng sản công ăn việc làm của cán bộ công chức các cấp, cũng như đẳng cấp của quân đội trong các lực lượng bảo vệ an ninh quốc gia, các giao kèo được ký kết giữa chính phủ và tư nhân hay các doanh nghiệp tư nhân, các cơ quan nhà nước cung cấp những dịch vụ quan trọng cho đời sống dân chúng: đều mang tính khế ước và thuộc diện hành chánh, cần phải được tân chính quyền dân chủ công nhận. Chỉ trong trường hợp các hợp đồng được ký kết với tính cách phi pháp hay bất bình đẳng thì mới cần duyệt xét. Ngay cả trong trường hợp bị duyệt xét, một chính quyền dân chủ cũng không thể đơn phương hủy bỏ một hợp đồng, mà đương sự cần phải chờ sự phán xét từ một toà án chí công, vô tư, trong một phiên xử công khai và công bằng.
Một khi xã hội chuyển mình hay có sự thay đổi về thể chế chính trị, từ một chính quyền độc tài sang một chính quyền dân chủ thì chính quyền này phải có trách nhiệm duy trì sự ổn định xã hội tới mức tối đa, phải tôn trọng tất cả những khế ước giữa công dân và chính quyền tiền nhiệm vì bản chất của nền dân chủ chân chính là hiến định, pháp trị và đa nguyên. Chính tân hiến pháp sẽ nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị trên nhiều cơ sở, nhất là trên cơ sở bất đồng chính kiến. Các đảng viên CSVN sẽ không mất tiền hưu trí hay bị trả thù. Phần lớn cán bộ các cấp chỉ là những người thừa hành bị đảng lợi dụng hay bị ép buộc, họ có thể chọn lựa rời bỏ đảng để gia nhập vào một đảng phái mới hay thành lập một chính đảng mới. Liệu đảng CSVN có thể tồn tại như một chính đảng hay không còn tùy thuộc vào thời cơ của lịch sử, và phương thức hành xử của giới lãnh đạo mới, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là lòng dân. Công chức các cấp sẽ được huấn luyện về phương thức phục vụ nhân dân trong một chế độ dân chủ đa nguyên, phi ý thức hệ. Các chánh án toà án nhân dân cũng sẽ được huấn nghệ, học hỏi thêm về luật học, để có ý thức hơn về chức năng cao cả của ngành tư pháp vốn là tinh hoa của ý niệm dân chủ hiện đại. Các chính đảng sẽ thay phiên nắm quyền như tại các nước văn minh. Các viên chức hành chánh nhà nước là những chuyên gia có nghiệp đoàn bảo vệ không thể bị các chính đảng nắm quyền cách chức, vì bất đồng chính kiến. Một công nhân viên nhà nước sẽ có quyền bất đồng chính kiến với đảng cầm quyền mà đảng này phải chấp nhận.
Một hậu quả đương nhiên sẽ xảy ra trong một chế độ dân chủ đa nguyên, là các chính đảng sẽ thay phiên nắm quyền vào những thời điểm khác nhau của lịch sử tùy theo sự tín nhiệm hay bất tín nhiệm của người dân. Mặc dù guồng máy chính quyền sẽ thay đổi ở các cấp bậc chính trị như quốc trưởng, bộ trưởng, thứ trưởng, cố vấn chính trị và thuộc cấp các chính đảng. Nhưng guồng máy hành chánh, hệ thống toà án, quân đội và công an sẽ không thay đổi. Vì dưới bất cứ đảng phái nào họ cũng chỉ phục vụ và trung thành với tổ quốc mà thôi!
Dân chủ và ổn định chân chính là như thế! Tòan thể cán bộ các cấp của đảng CSVN không cần phải nghe và sợ những lời hù doạ từ thành phần lãnh đạo thối nát hiện nay của đảng!
Đà Giang
No comments:
Post a Comment