Thứ Ba ngày 12.02.2013
Nghèo đói sát đáy, tận cùng của bậc thang xã hội là thảm cảnh của phần lớn dân chúng VN nói chung và dân chúng sống ở cao nguyên Trung phần nói riêng. Đã có những người dân nơi đây đi chợ hàng ngày với số tiền năm ngàn đồng trong sự lạm phát phi mã của nền kinh tế VN hiện nay, họ mua được gì với món tiền ít ỏi vô cùng khiêm nhượng đó, không thể tưởng tượng được; điều đó đã vượt ra ngoài sự hiểu biết về cuộc sống của một con người. Qua tiết mục Góc Khuất Cuộc Đời hôm nay, mời quý thính giả nghe câu chuyện Tết và tiếng thở dài từ những góc khuất do Việt Trung thực hiện qua sự trình bày của Hướng Dương.
Nói về những người sống trong góc khuất, người ta thường nghĩ đến một thiểu số nào đó sống luẩn quẩn đâu đó giữa góc khuất cuộc đời và sự tồn tại của họ ít mang giá trị hiện hữu hay đơn giản hơn họ tồn tại với chính họ hay nói cách khác là mối tương quan với xã hội của họ rất hạn hẹp, một góc đời nhỏ bé che chở một số phận nhỏ nhoi! Thế nhưng, những người sống trong góc khuất cuộc đời ở Việt Nam hiện nay lại là đa số, một con số chiếm tỉ lệ quá cao, hơn 50% dân số vẫn ăn, nói, đi, đứng mỗi ngày trong góc khuất của nghèo túng và đau khổ; sự nghèo túng, đau khổ của họ càng hiện rõ mỗi dịp xuân về, Tết đến, sự tồn tại của họ đôi khi có thể xem như một chứng minh về nỗi thống khổ của con người.
Có thể nói, đây là khoảnh khắc thiêng liêng, sâu lắng và thăng hoa nhất trong tâm cảm người Việt, một khoảnh khắc mà con người lắng nghe sự chuyển vận của vũ trụ, mùa màng, thông qua thời gian và tâm thức, thông qua những thăng hoa tâm linh để suy tư, chiêm nghiệm về bản thân và thế giới quan. Đó là khoảnh khắc của một con người rất bình thường, một loại tâm lý diễn ra thường tình trong đời sống. Nhưng, vẫn có nhiều người, đây là phút giây mà họ phải đối diện với một thứ công án, nghi vấn hay là câu hỏi duy nhất về cơm, áo, gạo, tiền và tương lai mịt mùng. Phần đông nông dân Việt Nam, đặc biệt là những cư dân miền sơn cước, bán nông nghiệp, sinh sống bằng nghề trồng rừng và làm lúa trên ruộng bậc thang, vấn đề sinh tồn của họ xem ra lắm nỗi truân chuyên, éo le và cay đắng.
Theo chân một đoàn từ thiện gồm những ni sư nhận ủy lạo từ một Việt Kiều Mỹ tên Trần Dật, hiện cư trú tại California, chúng tôi vượt đoạn đường dài gần 50 km, băng đèo Hy La, từ thành phố Huế lên xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông, thuộc miền núi Thừa Thiên – Huế. Chiều cuối năm, Tết đã sát lưng nhưng đời sống người dân ở đây vẫn chưa có gì thay đổi ngoài những cây cờ đỏ sao vàng họ cắm trước nhà. Cắm cờ ba ngày Tết ở mỗi nhà và treo khẩu hiệu "mừng đảng mừng xuân" vốn là qui định chung của cả nước, ba ngày Tết, đi bất kỳ nơi nào cũng nhìn thấy sặc sỡ cờ hoa, băng rôn, biểu ngữ. Cho dù bạn đến một vùng nghèo khổ đến mức cơm không có để ăn nhưng bạn vẫn nhìn thấy cờ treo khắp lối. Và, giá mỗi lá cờ bán cho dân chúng không dưới 20 ngàn đồng, tức là tương đương 1 USD. Với mức giá này, người dân nghèo có thể đi chợ, mua sắm được cho nửa cái Tết không chừng, vì như một cụ bà đến nhận quà từ thiện nói thì tiền bà đi chợ Tết không quá 5 ngàn đồng cho một ngày. Một con số khó có thể tin được, nhưng đó là sự thật. Và, qua nhiều chuyến đi của nhiều năm, chúng tôi biết chắc một điều: Vẫn còn rất nhiều người nghèo khổ trên đất nước này, họ không chỉ nghèo 365 ngày trong năm mà họ nghèo cả 3 ngày Tết, dường như rách rưới và đói khổ đã trở thành thường nhật trong nhịp sống, hơi thở của họ.
Những phần quà tuy nhỏ bé đối với người bình thường, một gói bột ngọt, một thùng mì ăn liền, một bịch kẹo dừa, một bao gạo, tất cả cộng lại tương đương hai trăm ngàn đồng. Con số không lớn. Nhưng, khi nhận quà, nét mặt của người dân ở đây rạng rỡ cứ như trúng số độc đắc. Lạ, không hiểu sao họ vui, mà chúng tôi lại thấy rưng rưng buồn, khó nói!
Cuộc đời của những người dân miền núi quanh năm làm thuê, tuy làm nông nhưng lại không có ruộng, làm rừng thì làm nhiều mà ăn ít, tay làm hàm nhai đắp đổi qua ngày... Xin hầu chuyện quí thính giả để cùng hiểu thêm về đời sống của những "góc khuất cuộc đời" của các cư dân miền sơn cước Việt Nam trong chương trình phát thanh tới!
No comments:
Post a Comment