Hòa bình là khát vọng chung của cả nhân loại. Nhưng người ta cũng nhân danh hòa bình để gây chiến tranh, nên việc tìm kiếm và giữ gìn hòa bình luôn luôn là một nhu cầu quan trọng. Giải Nobel Hòa Bình được lập ra cũng nhằm cổ võ cho hòa bình nhân loại. Nhân sự kiện hai vị tu sĩ, một của Phật Giáo và một của Công Giáo được đề cử giải Nobel Hòa Bình năm 2013. Mời quí thính giả nghe quan điểm của LLDTCNTQ về nhu cầu xây dựng hòa bình tại Việt Nam ngày nay, qua giọng đọc của Hải Nguyên
Ngày 7 tháng 2 năm 2013, hai dân biểu Quốc Hội Hoa Kỳ là ông Chris Smith và bà Zoe Lofgren đã gửi thư đề cử Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, thuộc Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất, và linh mục Tadeo Nguyễn văn Lý thuộc Giáo Hội Công Giáo Việt Nam làm ứng viên giải Nobel Hòa Bình năm 2013.
Sự kiện hai tu sĩ của hai tôn giáo lớn tại Việt Nam được đề cử giải Nobel Hoà Bình 2013, cho dù có được chọn hay không, chắc chắn cũng làm cho Cộng Sản Hà Nội rất khó chịu. Vì cả hai vị này đều là những cái gai mà CS Hà Nội muốn dứt bỏ. Đối với những tổ chức tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền quốc tế, và những quốc gia tôn trọng nhân quyền, họ không xa lạ gì với hai nhân vật này.
Người ta được biết đến Hòa Thượng Thích Quảng Độ, hiện Ngài là vị lãnh đạo tối cao của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, một giáo hội không được nhà nước Cộng Sản nhìn nhận. Ngài đã bị tù đày nhiều năm, hiện thời còn đang bị quản chế tại Thanh Minh Thiền Viện.
Linh Mục Tadeo Nguyễn Văn Lý, năm nay 66 tuổi, đã bị kết án 4 lần, tổng cộng 53 năm tù giam, và 10 năm quản chế, và hiện đang thọ án. Thế giới biết đến linh mục Nguyễn Văn Lý qua bức ảnh bị bịt miệng trong phiên tòa năm 2007.
Cả hai vị tu sĩ bị tù đầy, bị bách hại chỉ vì tranh đấu ôn hòa cho hòa bình, công lý và các quyền căn bản của con người. Nhưng trên mặt ngoại giao, CSVN luôn phủ nhận tại Việt Nam không hề có tù chính trị, hay tù vì bất đồng chính kiến, mà chỉ có những kẻ vi phạm luật pháp quốc gia. Dĩ nhiên thế giới văn minh thừa biết hiện đang có hàng trăm người đang ở trong tù chỉ vì bày tỏ lòng yêu nước, hay có quan điểm khác với CS mà thôi.
Nhìn sâu hơn nữa, thật sự ở Việt Nam chưa có hòa bình, cho dù chiến tranh đã chấm dứt từ năm 1975. Người dân không còn nghe thấy tiếng bom đạn gầm thét nữa, nhưng họ đang sống trong một xã hội đầy dẫy hận thù và bất an kéo dài trong mấy chục năm qua; từ cái chính sách trả thù đồng bào Miền Nam bằng cách đẩy hàng triệu quân, dân, cán, chính vào tù, và giết hàng chục ngàn người một cách mờ ám. Đến việc đánh tư bản, cướp tài sản của dân, đẩy hàng triệu gia đình vào vùng kinh tế mới, để chiếm đoạt nhà cửa đất đai của họ. Ngày nay chính sách cướp ruộng vườn của nông dân vẫn đang diễn ra rất khốc liệt, khiến hàng triệu người trở thành vô gia cư, phải lang thang khắp nơi. Đến việc tiêu diệt tôn giáo và tịch thu tài sản của họ. Đó chính là chiến tranh và khủng bố, khiến đất nước trở thành một bãi chiến trường, và người dân phải sống trong nỗi sợ hãi triền miên. Trong một xã hội mà người dân nơm nớp lo sợ bị bắt bớ và bị hành hung bất cứ lúc nào, thì làm sao gọi là hòa bình được. Cái điều đáng nói ở đây là là chính nhà nước đã và đang gây chiến với nhân dân của mình!
Giải Nobel Hòa Bình tự nó không có khả năng đem hòa bình cho xã hội, nhưng nó nói lên nỗ lực đóng góp của cá nhân, hay tổ chức vào việc xây dựng hòa bình, đồng thời phản ảnh khát vọng của con người. Nếu đem so sánh giá trị của giải thưởng, nó không bằng tiền mua một chiếc xe tank, hay một trái hỏa tiễn. Nhưng tầm ảnh hưởng của nó thật lớn lao, tác động đến cả xã hội con người.
Dĩ nhiên cũng có những trường hợp không giải thưởng đem lại thành quả nào, như khi Mỹ giải kết chiến tranh Việt Nam bằng việc ký Hiệp Định Paris năm 1973. Kết quả là hai người được trao giải Nobel Hòa Bình là ông Henry Kissinger và ông Lê Đức Thọ. Nhưng ông Lê Đức Thọ đã từ chối nhận giải, vì ông và đảng CSVN vẫn đang theo đuổi chiến tranh để quyết thôn tính Miền Nam bằng vũ lực.
Năm 2010 khôi nguyên giải Hòa Bình vào tay ông Lưu Hiểu Ba, đã làm cho Trung Cộng phẫn nộ. Vì nó đã vạch trần tình trạng phi nhân tại xứ này. Bà Aung San Suu kyi nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1991, đã trở thành đối trọng với chế độ quân phiệt, nhờ vậy Miến Điện ngày nay đang có những thay đổi ngoạn mục. Ông Lech Walesa nhận giải năm 1983, đã là động lực thúc đẩy Balan tiến đến dân chủ. Ông Mikhail Gorbachev nhận giải năm 1990, người đã có công lớn phá vỡ khối CS Sô Viết. Mẹ Teresa Calcuta đã đem tình thương đến với những người bị bỏ rơi bên lề xã hội. Đức Đat Lai Lat Ma đang là điểm tựa và nguồn hy vọng cho dân tộc Tây Tạng. Liên Hiệp Âu Châu năm 2012 nhờ nỗ lực hợp tác xây dựng, thay vì đối đầu và chia rẽ., giữ cho Âu Châu không bị tan vỡ. Và còn biết bao nhiêu những đóng góp vào việc xây dựng hòa bình trên trế giới đáng cho ta suy nghĩ.
Việt Nam vốn là một dân tộc hiếu hòa, nhưng sau mấy thập niên dưới sự cai trị của CS, họ đã không còn đủ kiên nhẫn để chấp nhận tính hung ác và vô cảm của chế độ. CSVN đã khiến xã hội nhiễu loạn, cuộc sống bất an. Vì vậy việc kiến tạo hòa bình là một nhu cầu cấp thiết của toàn dân. Nhưng làm thế nào có được một nền hòa bình đích thực, khi kẻ gây hận thù vẫn đang ngự trị trên quê hương. Câu giải đáp chính là thái độ dứt khoát của mọi người dân Việt hôm nay.
Cám ơn quí thính giả đã đón nghe quan điểm của chúng tôi.
No comments:
Post a Comment