Thứ Hai ngày 11.02.2013
Từ thuở mới khai sinh đảng CSVN trong bản chất ý thức hệ giáo điều phi dân tộc, đã là vấn nạn lớn lao của toàn dân. Ngày hôm nay, trong trạng thái thoái hoá, chia rẽ và suy đồi cùng cực, đảng lại hiện nguyên hình là trở lực lớn lao nhất của dân tộc trong tiến trình dân chủ hóa hầu bắt kịp các quốc gia văn minh trên thế giới. Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Nguyễn Hưng Quốc với tựa đề: "Ông Nào Thắng Nhân Dân Cũng Bại" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Dựa trên biện chứng pháp của Mác, Mao Trạch Đông rất hay nói đến vấn đề mâu thuẫn. Chịu ảnh hưởng của Mao, giới lãnh đạo Việt Nam cũng hay nói đến chuyện mâu thuẫn. Có những mâu thuẫn có tính bản chất và có những mâu thuẫn chỉ có tính hiện tượng. Có những mâu thuẫn có tính đối kháng và có những mâu thuẫn có thể hòa giải được. Theo cái khung ấy, ngày trước, các bài học chính trị ở Việt Nam thường nhấn mạnh: mâu thuẫn đối kháng quan trọng nhất, trên phạm vi thế giới, là giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội; trong phạm vi quốc gia, là giữa "ta" và "địch". "Địch", chủ yếu là "ngụy" và "tư sản", đặc biệt, "tư sản mại bản".
Bây giờ, theo mô hình ấy, chúng ta thử tìm hiểu các mâu thuẫn chính yếu tại Việt Nam hiện nay là gì.
Trước hết, tạm gác qua một bên những mâu thuẫn ở tầm thế giới. Cái gọi là mâu thuẫn giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội không còn là một vấn đề nữa. ..Việt Nam không còn là nước xã hội chủ nghĩa.
Mâu thuẫn chính hiện nay là gì? Ngày trước, giới lãnh đạo luôn luôn nhấn mạnh: Đó là mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Lâu nay, họ không lặp lại điều đó nữa. Lý do rất dễ hiểu: giới tư sản giàu và mạnh nhất ở Việt Nam hiện nay không ai khác hơn là những người đang cầm quyền. Nhưng khi cán bộ và đảng viên tự biến mình thành giai cấp tư sản mới, tách mình ra khỏi đại đa số quần chúng lao động nhem nhuốc nghèo khổ thì cái gọi là mâu thuẫn giữa tư sản và vô sản ấy lại biến thành mâu thuẫn giữa đảng và dân chúng. Dĩ nhiên, ở đây vẫn có những khác biệt sâu sắc. Bình thường, tư sản chỉ có tiền. Bây giờ, giai cấp tư sản đỏ không những có tiền mà còn có quyền và quan trọng nhất, có súng và có cả một hệ thống quân đội cũng như công an hùng hậu để đàn áp thẳng tay bất cứ người nào chống đối lại họ, dù chống đối một cách chính đáng khi bị cướp nhà và cướp đất. Giới vô sản ngày trước chỉ bị bóc lột. Giới vô sản bây giờ thì vừa bị bóc lột vừa bị áp bức.
Nhưng mâu thuẫn giữa đảng và dân chúng không dừng lại ở phạm vi kinh tế. Nó còn bao gồm hầu như trong mọi lãnh vực, từ xã hội đến văn hóa và chính trị. Chỉ riêng trong lãnh vực chính trị, mâu thuẫn lớn nhất là ở thái độ đối với nguy cơ bị Trung Quốc xâm lược. Trong lúc dân chúng bừng bừng phẫn nộ, đảng vẫn dửng dưng. Không những dửng dưng, họ còn ra tay vu khống, nhục mạ và trấn áp bất cứ người nào xuống đường hay lên tiếng chống Trung Quốc. Suốt mấy năm vừa qua, đã có bao nhiêu phiên tòa xét xử và kết tội những người yêu nước. Những phiên tòa ấy được dựng lên để một mặt, trả thù những người dám, vì lòng yêu nước, lên tiếng chống Trung Quốc; mặt khác, để răn đe dân chúng. Nhưng việc làm ấy lại có những tác động ngược: nhà cầm quyền hiện hình, thứ nhất, trước mắt thế giới, như những tên độc tài tàn bạo; và thứ hai, trước nhân dân Việt Nam, như những kẻ đã bán mình cho Trung Quốc.
Mâu thuẫn thứ hai ở Việt Nam bây giờ là mâu thuẫn giữa đảng và chính phủ. Trước, đảng Cộng sản và chính phủ là một. Đúng hơn, chính phủ lúc nào cũng nằm trong tay đảng, chịu sự sai khiến của đảng. Từ thời Lê Duẩn đến Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, thậm chí, thời Lê Khả Phiêu, đảng luôn luôn là kẻ quyết định mọi chuyện. Thủ tướng, ngay cả những thủ tướng có tâm và có tài, như Phạm Văn Đồng và Võ Văn Kiệt, cũng có quyền lực rất hạn chế. Nhưng từ thời Nông Đức Mạnh làm tổng bí thư, do kém năng lực, quyền hành cứ san sẻ dần sang tay thủ tướng. Đến thời Nguyễn Phú Trọng, từ đầu năm 2011, cán cân quyền lực rõ ràng nghiêng hẳn về phía Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Điều cần chú ý là: việc người đứng đầu chính phủ mạnh hơn tổng bí thư đảng nên được xem là một dấu hiệu tích cực. Nhiều người lên tiếng chống lại Điều 4 trong Hiến pháp xem đảng là người duy nhất lãnh đạo đất nước, thường quên một điều: việc thắng thế của thủ tướng đối với tổng bí thư là một điều đáng mừng. Nó chứng tỏ, một, đảng đang yếu thế; và hai, chính phủ đang dần dần tạo được thế độc lập với cái đảng đang yếu thế ấy. Đó là một xu hướng tốt.
Điều nghịch lý là, vị thủ tướng đang ở thế mạnh hơn cả tổng bí thư, và không chừng cả Bộ Chính trị ấy, lại là người nổi tiếng, thứ nhất, về tham nhũng và lợi dụng quyền hành để cho con cái và thân nhân tham nhũng; thứ hai, bất lực trong việc điều hành kinh tế bằng những chính sách sai lầm và cả bằng việc dung dưỡng cho đàn em của mình tham nhũng. Hậu quả là hết tổng công ty này đến đại tập đoàn kia phá sản, để lại những gánh nặng khổng lồ cho dân chúng, không phải chỉ trong thế hệ này mà còn nhiều thế hệ kế tiếp. Thành ra, thế của ông càng mạnh bao nhiêu, tài sản quốc gia càng kiệt quệ bấy nhiêu.
Đối diện với nghịch lý ấy, người dân không khỏi băn khoăn: Bênh vực cho Nguyễn Phú Trọng – Trương Tấn Sang – Nguyễn Bá Thanh vì họ chống tham nhũng cũng có nghĩa là bênh vực cho những thế lực đang phục hồi lại quyền độc tôn của đảng, điều đã gây tai họa cho dân chúng từ gần 60 năm nay (tạm kể từ 1954, ở miền Bắc). Nhưng bênh vực cho Nguyễn Tấn Dũng, tuy, trên lý thuyết, sẽ giúp làm cho chính phủ mạnh hơn, có khả năng dần dần tạo nên những tiền đề tốt cho dân chủ thì lại cũng đồng nghĩa với việc ủng hộ tham nhũng.
Trong bài thơ "Đá ơi" sáng tác năm 1989 ở Campuchia, Nguyễn Duy có mấy câu thơ sau này thường được nhiều người nhắc nhở:
nghĩ cho cùng
mọi cuộc chiến tranh
phe nào thắng thì nhân dân đều bại
Mấy câu thơ ấy không phải lúc nào cũng đúng. Có rất nhiều cuộc chiến tranh, như các cuộc chiến tranh chống độc tài, nhân dân không hề bại. Tuy nhiên, trong tình hình chính trị Việt Nam hiện nay, câu thơ ấy có lẽ là đúng: Ông Lú thắng hay ông Ếch thắng thì nhân dân cũng đều bại cả.
Nguyễn Hưng Quốc
No comments:
Post a Comment