Saturday, December 14, 2024

Tin Tức: Thứ Bảy 14.12.2024

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Mỹ Linh & Đồng Tâm trình bày sau đây.

1.TNLT NGUYỄN CHÍ TUYẾN CHUYỂN TRẠI

Ông Nguyễn Chí Tuyến, một nhà đối kháng nổi tiếng vừa được chuyển từ trại tạm giam Thường Tín, Hà Nội đến nhà tù Trại 6- Thanh Chương, Nghệ An hôm 6/12/2024. Thông tin được loan đi bởi ông Trịnh Bá Khiêm sau chuyến thăm con trai là Trịnh Bá Tư, trong cùng trại giam trên.

Người nhà ông Tuyến không được thông báo về việc ông bị chuyển trại. Ông Tuyến nhờ ông Trịnh Bá Tư, trong chuyến thăm nuôi, nhắn đến người nhà về việc ông chuyển trại cũng như chuẩn bị cho ông những thứ cần thiết.

Nhà hoạt động, blogger Nguyễn Chí Tuyến hay còn được biết đến với tên gọi Anh Chí bắt vào gần trưa ngày 29/2/2024.

Ngày 15/8, ông bị đưa ra tòa và bị kết án 5 năm tù giam với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 117 Bộ luật Hình sự.

Ông Tuyến được biết đến là một nhà hoạt động nhân quyền và bảo vệ môi trường qua các cuộc biểu tình chống Trung cộng, hay tuần hành kêu gọi bảo vệ cây xanh ở Hà Nội. Ông cũng sở hữu một kênh YouTube có gần 200.000 lượt đăng ký, thường đăng tải các nội dung về vấn đề dân chủ, nhân quyền.

2.TRẠI GIAM SỐ 6-NGHỆ AN VẤN ĐỐI XỬ HÀ KHẮC VỚI TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ

Trại giam số 6- Thanh Chương, Nghệ An cấm các tù nhân lương tâm đọc sách và sử dụng giấy bút. Thông tin được gia đình tù nhân lương tâm Trịnh Bá Tư loan tải sau chuyến thăm hôm 10/12/2024. Việc làm này của cai tù trại 6 đã vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp và Luật Thi hành án hình sự của Việt Nam về việc bảo đảm quyền lợi của người đang chấp hành án phạt tù.

Cần nhắc lại, hồi cuối tháng 9, một số tù nhân chính trị như ông Trịnh Bá Tư, Bùi Văn Thuận, Đặng Đình Bách đã thực hiện cuộc tuyệt thực kéo dài 21 ngày nhằm phản đối sự ngược đãi của cai tù, đặc biệt là chế độ giam giữ trong “chuồng cọp”. Việc cấm những nhà hoạt động này sử dụng giấy bút và đọc sách, là nhằm trả thù cuộc “tuyệt thực tập thể”, điều đã khiến cai tù phải nhượng bộ bằng cách bãi bỏ việc giam giữ họ trong “chuồng cọp”.

Bà Phạm Thanh Nghiên, một cựu TNLT nói rằng, việc cấm đọc sách hay cấm sử dụng giấy bút là một thủ đoạn đàn áp dã man và tinh vi. “Nó tước đi cơ hội phát triển tư duy, phát triển trí tuệ hay giải tỏa cảm xúc cũng như là biểu đạt tâm trạng. Hơn nữa, việc không được tiếp cận với kiến thức (qua sách báo), không được viết lách khiến người tù càng bị áp lực về tinh thần và tước đi cơ hội ghi chép, lưu giữ những diễn biến, ký ức tù đày mà họ đã trải qua. Tức là cai tù đang dùng chính sách “ngu dân hóa” và tước đi cơ hội ghi chép, lưu lại tội ác của chế độ nhà tù, đối với các tù nhân chính trị”.

3.ĐẤU ĐÁ NỘI BỘ: NGUYỄN XUÂN PHÚC, TRƯƠNG HÒA BÌNH VÀ TRƯƠNG TUYẾT MAI BỊ KỶ LUẬT

Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã thi hành kỷ luật đối với ba cựu ủy viên là các ông Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình và bà Trương Thị Mai. Trong đó, ông Phúc từng giữ hai chức vụ cao nhất trong “tứ trụ” là Thủ tướng chính phủ và Chủ tịch nước. Ông Phúc và cựu Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình bị “cảnh cáo” và bà Trương Thị Mai, cựu Thường trực Ban Bí thư bị “khiển trách”.

Quyết định trên được đưa ra sau kỳ họp thứ 52 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì. 

Điều đáng chú ý, việc quy trách nhiệm được tính trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến 2021, nghĩa là khi ông Nguyễn Xuân Phúc giữ chức Thủ tướng, ông Trương Hòa Bình giữ chức Phó Thủ tướng và bà Trương Thị Mai - giữ chức Trưởng ban Dân vận Trung ương, nhưng không nêu cụ thể các hành vi sai phạm là gì.

Lý do kỷ luật đối với cả ba cựu lãnh đạo quyền lực này được nói chung chung là “vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước”.

Thông thường, việc các lãnh đạo cấp cao bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật sẽ được thông báo trước, sau đó Bộ Chính trị sẽ có thời gian xem xét, quyết định.

Tuy nhiên, đối với trường hợp của ông Phúc, quy trình từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị đến Bộ Chính trị đã không được đưa tin cho đến khi Bộ Chính trị ra hình thức kỷ luật.

4.MOLDOVA BAN BỐ TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP TRƯỚC NGUY CƠ NGA CẮT KHÍ ĐỐT

Sáng 13/12, Quốc hội Moldova đã bỏ phiếu ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc trong 60 ngày, bắt đầu từ 16/12 vì dự báo là nguồn cung cấp khí đốt của Nga sẽ bị cắt từ ngày 1/1/2025.

Biện pháp này được kêu gọi bởi Thủ tướng Dorin Recean nhằm chấm dứt “sự tống tiền bằng khí đốt” từ phía Moscow và để bảo đảm cho khu vực Transdniestria ly khai của Moldova giữ được lượng khí đốt cần thiết. Biện pháp này nhận được sự ủng hộ của 56 thành viên trong nghị viện 101 ghế trong Quốc hội.

Ông Recean cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin “muốn làm cho người dân Transdniestria không có khí đốt và điện và bắt họ làm con tin. Moscow đang làm điều này để gây bất ổn cho tình hình ở Moldova”.

Transdniestria, nơi không được quốc tế công nhận, có một nhà máy điện chạy bằng khí đốt của Nga, một trụ cột quan trọng của nền kinh tế khu vực ly khai và cũng cung cấp phần lớn năng lượng cho các khu vực do chính phủ kiểm soát ở Moldova.

Việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp cho phép chính phủ Moldova phản ứng nhanh chóng và hạn chế xuất khẩu năng lượng.

 

No comments:

Post a Comment