Sunday, December 15, 2024

Tin Tức: Chủ Nhật 15.12.2024

Tin Tức

Sau đây mời quí thính giả theo dõi bản tin tóm lược với Vân Hà & Nguyên Khải

1.CSVN THÔNG BÁO TÁI ỨNG CỬ VÀO HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN LHQ

Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc hôm 12/12 chính thức công bố quyết định tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (HĐNQ LHQ) nhiệm kỳ 2026-2028, trong bối cảnh nước này sẽ kết thúc nhiệm kỳ hiện tại vào năm 2025.

Việt Nam đã hai lần lọt vào HĐNQ LHQ, nhiệm kỳ đầu tiên từ năm 2014 - 2016, nhiệm kỳ thứ hai từ 2023 - 2025. Cả hai lần tham gia ứng cử, Việt Nam đều vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của các tổ chức nhân quyền quốc tế vì thành tích đàn áp nhân quyền trong nước. Tuy nhiên, nước này vẫn lọt vào Hội đồng trên với sự ủng hộ đầy nghi vấn, từ các thành viên độc tài hoặc phi dân chủ khác tại Liên Hiệp Quốc.

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt tại buổi lễ công bố mới đây khẳng định, trong hai năm ở nhiệm kỳ hiện tại, Việt Nam “đã đẩy mạnh các ưu tiên về bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, thúc đẩy bình đẳng giới, quyền lao động, quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền giáo dục.” Trái ngược với tuyên bố của ông Hùng, Việt Nam vẫn gia tăng đàn áp nhân quyền trong nước, thậm chí đàn áp xuyên biên giới đối với một số nhà hoạt động đã tị nạn ở nước ngoài. Đặc biệt, liên tục bỏ phiếu chống và phiếu trắng lên án  hành động xâm lược của Nga đối với Ukraine.

2.RSF: VIỆT NAM NẰM TRONG TOP 10 QUỐC GIA GIAM CẦM NHIỀU NHÀ BÁO NHẤT TRÊN THẾ GIỚI

Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RFS) hôm 12/12 vừa công bố Báo cáo tổng kết năm 2024 về tình trạng các nhà báo bị giết hại, giam giữ, bắt làm con tin và mất tích. Theo thống kê của tổ chức này, Việt Nam đang giam cầm ít nhất 38 phóng viên và là một trong 10 quốc gia giam giữ nhiều phóng viên nhất thế giới. Con số này chỉ đứng sau các vùng có xung đột như ở Gaza, Trung Đông, nơi có nhiều nhà báo bị giết nhất.

Theo thống kê của RFS, kể từ tháng 10 năm ngoái đến nay, hiện có 550 phóng viên trên toàn thế giới đang bị cầm tù, tăng hơn 7% so với năm ngoái. Trong số 550 nhà báo đang bị giam giữ, có 244 nhà báo đã bị kết án tù và tám người bị giam giữ tại gia.

Báo cáo nhắc đến nhà báo Huy Đức (Trương Huy San), người bị bắt hôm 1/6/2024, như một trường hợp điển hình của tình trạng đàn áp tại Việt Nam.

Trong báo cáo về tự do báo chí 2024 được RSF công bố hồi tháng 5 năm nay, Việt Nam bị xếp vào nhóm bảy nước có ít tự do báo chí nhất thế giới trong năm, xếp hạng 178/180 nước, điểm tổng thể của Việt Nam trong báo cáo này bị giảm từ 24,58 trong năm 2023 xuống còn 22,31.

3.THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH TỰ CA NGỢI VỀ THÀNH TÍCH NHÂN QUYỀN VIỆT NAM

Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 11/12 đã ca ngợi Việt Nam trong thời gian qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, khía cạnh, đặc biệt là về nhân quyền.

Ông này nhấn mạnh: “Nhân quyền lớn nhất của Việt Nam là làm sao để hơn 100 triệu người dân được sống trong tự do, ấm no và hạnh phúc, an ninh, an toàn, an dân”.

Nhiều nhà hoạt động nhân quyền đã bày tỏ sự bất bình đối với những phát biểu của ông Chính. Cựu TNLT Đỗ Thị Minh Hạnh, người đang phải tị nạn tại Hoa Kỳ nói: “Tôi tin rằng bản thân ông Chính không hiểu thế nào là nhân quyền. Đã không có hiểu biết, kiến thức về nhân quyền thì không nên tùy tiện phát biểu về nhân quyền. Ông ta và chính phủ của ông ta đã và vẫn tiếp tục đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến, bắt bớ bất cứ ai chỉ vì họ thực thi quyền tự do biểu đạt. Ngược đãi những nhà hoạt động nhân quyền trong tù, thậm chí nhiều người đã phải bỏ mạng như các TNCT như Đỗ Công Đương, Đinh Diêm, Đào Quang Thực…”.

Một nhà hoạt động giấu tên tại Sài Gòn trả lời yêu cầu bình luận của ĐLSN rằng: “Vẫn là trò mị dân, dối trá. Ở những nước tự do, ngay cả chó mèo, con vật còn có quyền. Đã là quyền thì không thể phân chia quyền nào lớn nhất, quyền nào nhỏ nhất. Chừng nào người dân còn bị bắt bớ, giam cầm vì phát biểu ôn hòa, chừng đó giới lãnh đạo Việt Nam không đủ tư cách để rao giảng về nhân quyền”.

4.TỔNG THỐNG HÀN QUỐC BỊ LUẬN TỘI TẠI QUỐC HỘI

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol hôm vừa bị luận tội trong cuộc bỏ phiếu thứ hai của quốc hội do phe đối lập lãnh đạo về quyết định áp đặt thiết quân luật của ông trong thời gian ngắn ngủi nhưng đã gây chấn động cả nước.

Tuy ông Yoon vẫn tại vị nhưng quyền tổng thống của ông đã bị đình chỉ giữa nhiệm kỳ 5 năm của ông. Người được bổ nhiệm làm “quyền Tổng thống” là Thủ tướng Han Duck-soo.

Trong 6 tháng tới, Tòa án Hiến pháp sẽ quyết định có nên bãi nhiệm ông Yoon hay không. Nếu ông bị bãi nhiệm, một cuộc bầu cử bất thường sẽ được triệu tập. Nhưng Tổng thống Yoon thề sẽ không bỏ cuộc mà sẽ “chiến đấu” đến cùng.

Việc luận tội được thông qua khi ít nhất 12 thành viên của Đảng Quyền lực Nhân dân của ông Yoon tham gia với các đảng đối lập, vốn kiểm soát 192 ghế trong quốc hội gồm 300 thành viên, để vượt qua ngưỡng hai phần ba cần thiết.

Số lượng nhà lập pháp ủng hộ luận tội là 204, với 85 phiếu chống, 3 phiếu trắng và 8 phiếu không hợp lệ.

Ông Yoon là tổng thống thứ 2 liên tiếp theo trường phái bảo thủ bị luận tội tại Hàn Quốc. Tổng thống Park Geun-hye đã bị cách chức vào năm 2017. Ông Yoon đã vượt qua được cuộc bỏ phiếu luận tội đầu tiên vào cuối tuần trước, khi đảng của ông phần lớn tẩy chay cuộc bỏ phiếu, tước đi số lượng đại biểu đủ cho cuộc luận tội của quốc hội.

No comments:

Post a Comment