Friday, December 20, 2024

THỂ CHẾ ĐỘC TÀI ĐẢNG TRỊ MỚI THẬT SỰ LÀ ‘ĐIỂM NGHẼN CỦA ĐIỂM NGHẼN’

Quan Điểm

Từ ngày nắm chức Tổng Bí Thư đảng Cộng sản Việt Nam cách đây hơn 4 tháng, ông Tô Lâm đã có nhiều tuyên bố tạo chấn động dư luận trong cũng như ngoài nước. Nào là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, nào là “tinh gọn cơ chế và nhân sự”, vân vân và vân vân. Thế nhưng thực chất những điều ông Tô Lâm tuyên bố là gì? Và chúng có thực sự giúp đưa đất nước đạt đến “một kỷ nguyên mới” như ông cổ súy không?

Mời quý thính giả theo dõi bài Quan Điểm của Lực Lượng Cứu Quốc, tựa đề “THỂ CHẾ ĐỘC TÀI ĐẢNG TRỊ MỚI THẬT SỰ LÀ ‘ĐIỂM NGHẼN CỦA ĐIỂM NGHẼN’”, sẽ do Hải Nguyên trình bày sau đây.

Ngày 21 tháng 10 năm 2024, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu là trong ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay—thể chế, hạ tầng và nhân lực—thì thể chế chính là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”.Lý do, theo giải thích của ông, kết quả xây dựng và hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu thiết thực; một số luật mới vừa ban hành đã phải sửa đổi. Thêm nữa, cũng theo lời ông Tô Lâm, các quy định pháp luật còn chồng chéo, gây khó khăn trong việc thi hành, áp dụng, dẫn đến thất thoát, lãng phí nguồn lực, mà hậu quả là cản trở việc thu hút đầu tư và khơi thông nguồn lực nhân dân.Nói cách khác, theo Tổng bí thư Tô Lâm, những khiếm khuyết trong hệ thống thể chế hiện hành đang là rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của đất nước, cần phải khắc phục để không bỏ lỡ cơ hội phát triển trong giai đoạn mà ông Tô Lâm gọi là“kỷ nguyên mới”!

Và để tháo gỡ “điểm nghẽn về thể chế” này, người cầm đầu đảng CSVN đưa ra chủ trương “tinh gọn cơ cấu và nhân sự”. Chủ trương này được ông Tô Lâm trình bày chi tiết trong bài viết tựa đề “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” ngày 5 tháng 11 năm 2024, trong đó, ông nhấn mạnh rằng để hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cần thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, tránh tình trạng cồng kềnh, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.Tác giả cũng giải thích là việc tinh gọn cơ cấu và nhân sự nhằm loại bỏ các tầng nấc trung gian, giảm thiểu thủ tục hành chính rườm rà, từ đó khắc phục những hạn chế trong hệ thống thể chế hiện hành. Ông Tô Lâm cũng tin tưởng rằng điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật, giúp các quy định trở nên đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo và mâu thuẫn. Tóm lại, theo TBT Tô Lâm, chủ trương tinh gọn bộ máy không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị mà còn trực tiếp góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn về thể chế”.

Nghe qua những lý luận, phân giải nêu trên của người cầm đầu đảng CSVN, người dân bình thường cũng thấy ngay sự bất hợp lý của chúng.

Trước hết, “thể chế” không phải là “luật pháp” mà là cái khung để luật pháp theo đó vận hành. Ví dụ trong một thể chế “độc tài toàn trị”, luật pháp được soạn thảo để bảo đảm những kẻ nắm quyền cai trị bảo vệ được ngôi vị chủ nhân ông đất nước một cách vĩnh viễn. Ngược lại, trong một thể chế “dân chủ - tự do”, luật pháp được soạn thảo để bảo vệ quyền của người dân.

Tiếp đến, sở dĩ cơ cấu và nhân sự vận hành bộ máy điều hành đất nước Việt Nam hiện nay không hiệu quả là do sự “song trùng” giữa bộ máy đảng Cộng sản Việt Nam và bộ máy hành chánh nhà nước. Chính sự song trùng này vừa làm hao tổn nhân lực, tài nguyên, vừa làm trì trệ việc vận hành.

Vì vậy, “thể chế” đúng là “điểm nghẽn” quan trọng nhất gây ra những bế tắc, trì trệ của đất nước hiện nay. Thế nhưng để khai thông điểm nghẽn này, phải bứng bỏ chính cái gốc rễ của điểm nghẽn, tức là ngôi vị lãnh đạo độc tôn và vĩnh viễn của đảng CSVN, chứ không phải chỉ xén tỉa cành lá bằng cách sửa đổi một số luật lệ. Nói rõ hơn, để khai thông “điểm nghẽn” này, việc cần làm ngay là hủy bỏ Điều 4 Hiến Pháp, tức điều khỏan đã “hiến định hóa” vai trò chủ nhân ông đất nước, đứng ngoài và đứng trên luật pháp, của đảng CSVN.   

Cũng cần phải xác định thêm rằng cái “kỷ nguyên mới” ông Tô Lâm đang hô hào, cổ súy, hoàn toàn khác với ý niệm “kỷ nguyên mới” mà đại đa số dân chúng Việt Nam hằng mơ tưởng. Nó không phải là một đất nước phú cường, văn minh, trong đó người dân có toàn quyền làm chủ vận mạng của mình và của đất nước. Trái lại, “kỷ nguyên mới” theo định nghĩa của ông Tô Lâm, là giai đoạn mà tập đoàn cai trị đất nước Việt Nam cùng với đàn anh phương Bắc thành công trong việc “phòng chống ‘cách mạng màu’, cùng nhau bảo vệ an ninh chính trị và an ninh chế độ”, như đã ghi rõ trong bản Tuyên Bố Chung Việt Nam – Trung Quốc ngày 20 tháng 8 vừa qua, sau chuyến thăm Bắc Kinh của Tô Lâmkhi vừa nắm chức Tổng Bí Thư.

Với những sự kiện trên, rõ ràng những tuyên bố có tính cách “đao to búa lớn” của ông Tô Lâm, như “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, “tinh gọn cơ chế và nhân sự”, “đất nước tiến vào kỷ nguyên mới”, vân vân và vân vân, cũng chỉ là những ngôn từ sáo rỗng, đầy tính cách mị dân./.

 

No comments:

Post a Comment