Monday, December 2, 2024

Sự mất cân bằng quyền lực giữa quân đội và công an có thể gây mất ổn định!

Bình Luận

Khi có sự mất thăng bằng về nhân lực và chi phí ngân sách giữa hai phe công an và quân đội thì điều này có thể dẫn đến sự mất ổn định cho bộ máy của nhà nước cs.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần bình luận của tác giả Trà My đăng trên Thời Báo Đức quốc với tựa đề:Sự mất cân bằng quyền lực giữa quân đội và công an có thể gây mất ổn định!” sẽ được Nguyên Khải trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối nay.

Trà My – Thoibao.de

Chỉ tính trong giai đoạn 2016 – 2021, Chủ tịch nước đã thăng hàm cấp tướng cho 574 sĩ quan quân đội và công an, trong đó gồm 400 sĩ quan quân đội và 174 sĩ quan công an. Con số cấp tướng này được coi là nhiều gấp 20 lần so với một số quốc gia trên thế giới.

Sáng 28/11, Quốc hội Việt Nam với 458/459 đại biểu đã biểu quyết thông qua Luật Sĩ quan Quân đội (sửa đổi). Luật sửa đổi lần này đã giới hạn tổng số cấp tướng trong quân đội tối đa là 415 người. Đáng chú ý, luật này có hiệu lực thi hành ngay lập tức, kể từ ngày 1/12 tới đây.

Công luận đã đặt câu hỏi, Quốc hội Việt Nam tiến hành sửa đổi, quy định giới hạn tổng số cấp tướng trong quân đội, nhưng tại sao không giới hạn tổng số cấp tướng trong ngành công an? Theo quy định hiện hành, lực lượng công an chỉ được phép có tối đa là 205 sĩ quan cấp tướng.

Những căng thẳng và xung đột lợi ích giữa 2 phe công an và quân đội xuất phát từ việc tranh giành ảnh hưởng, tiếng nói trong Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, cũng như ngân sách nhà nước dành cho 2 lực lượng vũ trang này.

Phe công an được cho là chiếm ưu thế mạnh hơn, do số lượng ủy viên Bộ Chính trị xuất thân từ công an nhiều hơn phe quân đội. Cho dù số lượng Ủy viên Trung ương của phe quân đội gấp gần 4 lần so với phe công an.

Mối quan hệ giữa quân đội và công an ở Việt Nam không chỉ là sự phối hợp trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, mà còn là một cuộc cạnh tranh ngầm về quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Hai lực lượng này có vị thế khác biệt trong hệ thống chính trị Việt Nam.

Kể từ sau Đại hội 12 đến nay, quyền lực của phe công an, đặc biệt là dưới sự lãnh đạo của cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm, đã gia tăng đáng kể về mọi mặt, đặc biệt về nhân lực và chi phí ngân sách. Trong khi đó, lực lượng quân đội ngày càng tỏ ra thất thế, dẫn đến một sự mất cân bằng về quyền lực. Điều này có thể dẫn đến những mâu thuẫn quyền lực ở bộ máy lãnh đạo cấp cao nhất. Nhiều dấu hiệu đã cho thấy, trước sự mất cân đối quyền lực có thể gây nguy hiểm cho ổn định bộ máy nhà nước.

Gần đây, khi Tổng Bí thư Tô Lâm có nhiều dấu hiệu lấn lướt và lạm quyền trong việc sắp xếp, cũng như bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo cấp cao trong Đảng. Điều đó đã khiến các tướng lĩnh quân đội có các biểu hiện trỗi dậy.

Theo giới phân tích, trong thời gian gần đây, các phe nhóm của tướng lĩnh quân đội đã có nhiều dấu hiệu hợp nhất, bỏ qua các vấn đề bất đồng trong nội bộ Bộ Quốc phòng.

Phe quân đội hiện đang khai triển phối hợp cùng các phe phái khác trong Đảng, với mục tiêu nhằm giảm ảnh hưởng của Bộ Công an, và Tổng Bí thư Tô Lâm. Trong các kỳ họp Trung ương Đảng gần đây, phe tướng lĩnh quân đội đã tỏ rõ khả năng có tiếng nói quyết định trong các quyết sách lớn của Bộ Chính trị. Chẳng hạn như việc loại bỏ hay bổ sung các  nhân vật quyền lực, hoặc tái cấu trúc lại cơ cấu lãnh đạo.

Theo tin rò rỉ phổ biến trên mạng xã hội, tại Hội nghị bất thường vừa qua, khi Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị bổ sung thêm một số nhân sự vào Bộ Chính trị. Nhưng, với sự dẫn dắt của phe quân đội, đề nghị của ông Tô Lâm lập tức bị đa số các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đồng loạt bác bỏ.

Cũng theo tin rò rỉ từ trong nội bộ, sự ủng hộ của Trung ương đối với Tổng Bí thư Tô Lâm tại thời điểm hiện nay đang ở mức thấp nhất. Khả năng cao Chủ tịch Lương Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính vốn là các nhân vật thân Trung Quốc, sẽ vượt qua ông Tô Lâm, trong cuộc đua vào chiếc ghế Tổng Bí thư của Đại hội Đảng 14.

 

 

No comments:

Post a Comment